Lãi suất dò đáy

Thanh Xuân
Thanh Xuân
17/12/2020 06:25 GMT+7

Mặt bằng lãi suất huy động và cả cho vay trên thị trường lại có thêm đợt giảm trong tháng 12, xuất hiện mức lãi suất cho vay tiền đồng thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây.

Lãi suất cho vay 3,7%/năm

Các ngân hàng (NH) lớn đã đồng loạt giảm lãi suất cho vay xuống thấp nhằm thúc đẩy nhu cầu vay vốn cuối năm. Đơn cử, NH Nông nghiệp - Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) cho các doanh nghiệp lớn vay ngắn, trung và dài hạn với lãi suất tối thiểu 3,7%/năm cho kỳ hạn ngắn hạn và tối thiểu 7%/năm với khoản vay trung và dài hạn. Thời gian tối đa không quá 6 tháng đối với khoản vay ngắn hạn, giải ngân đến hết 26.2.2021 và tối đa 12 tháng (không vượt quá ngày 31.12.2021); khoản vay trung dài hạn giải ngân đến hết 31.12.2021. Lãi suất đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa là 4,8%/năm đối với ngắn hạn và 7,5%/năm đối với trung dài hạn. Còn đối với các doanh nghiệp FDI, nhà băng này cho vay lãi suất tiền đồng 4,8%/năm hàng xuất khẩu và 6,5%/năm hàng nhập khẩu, sản xuất kinh doanh trong nước; riêng lãi suất cho vay USD là 2,5%/năm.
Mới đây, NH TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cũng đã đưa ra gói tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ vay với lãi suất 5,8%/năm đối với kỳ hạn vay dưới 3 tháng và từ 3 - 6 tháng là 6%/năm. Nhà băng này cũng vừa tuyên bố giảm lãi suất thêm 1%/năm đối với những khoản vay tiền đồng đối với khách hàng hiện đang có dư nợ và vay mới trong 3 tháng từ ngày 15.12.2020 - 15.3.2021. Đây là lần thứ 5, Vietcombank thực hiện giảm lãi suất cho vay hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, bão lũ và điều này đã làm giảm 3.700 tỉ đồng lợi nhuận của NH.
Thông thường, cuối năm nhu cầu vốn tăng cao nên lãi vay cũng tăng tỷ lệ thuận. Việc giảm lãi suất vào thời điểm cận này là khá hiếm hoi, kể cả đầu huy động và cho vay. Thế nhưng năm nay thì ngược lại, lãi suất đầu vào - đầu ra liên tục giảm. Ngay đầu tháng 12, các NH lớn đã đồng loạt giảm lãi suất huy động cả kỳ hạn ngắn và dài từ 0,1 - 0,2%/năm tùy kỳ hạn như Vietcombank lãi suất kỳ hạn 36 tháng còn 5,4%/năm, 24 tháng còn 5,7%, kỳ hạn 6 - 9 tháng còn 4%; Vietinbank cũng giảm lãi suất kỳ hạn 12 tháng còn 5,6%/năm, 6 - 12 tháng còn 4%/năm, 3 - 6 tháng còn 3,4%/năm, 1 - 3 tháng còn 3,1%/năm; BIDV huy động kỳ hạn 6 - 9 tháng lãi suất còn 4%/năm thay vì 4,2%/năm, từ 12 tháng trở lên còn 5,6%/năm… Các NH cổ phần cũng giảm lãi suất huy động xuống khá thấp, như Techcombank huy động tiền đồng dưới 6 tháng còn 2,35 - 2,5%/năm tùy kỳ hạn gửi, 6 tháng còn 3,8%/năm, 12 tháng còn 4,2%/năm…
Trên thị trường liên NH, lãi suất bình quân giao dịch ở mức khá thấp, kỳ hạn dưới 1 tháng từ 0,11 - 0,28%/năm, 3 tháng còn 1,25%/năm và 6 tháng còn 3,07%/năm… Ngoài ra, lãi suất trái phiếu chính phủ hiện nay cũng ở mức khá thấp 3,24%/năm ở kỳ hạn 30 năm.
Từ đầu năm đến nay, NH Nhà nước (NN) đã 3 lần giảm lãi suất điều hành với tổng mức giảm 1,5 - 2%/năm và là nước có mức giảm lãi suất điều hành lớn nhất (Philippines giảm 2%; Thái Lan giảm 0,75%; Malaysia giảm 1,25%; Indonesia giảm1,25%; Ấn Độ là 1,15%; Trung Quốc 0,3%). Đồng thời, NHNN cũng hỗ trợ thanh khoản cho các tổ chức tín dụng, tạo điều kiện cho các NH tiếp cận nguồn vốn với chi phí thấp, qua đó hỗ trợ giảm lãi suất cho vay đối với khách hàng sản xuất kinh doanh. Ngoài ra, trần lãi suất huy động kỳ hạn dưới 6 tháng giảm từ 0,6 - 1%/năm; giảm trần lãi suất cho vay ngắn hạn đối với các lĩnh vực ưu tiên 1,5%/năm, hiện còn 4,5%/năm... Dẫn đến lãi suất cho vay trên thị trường hiện nay giảm khoảng 0,6 - 2,5%/năm so với cuối năm 2019.

Tín dụng tăng tốc cuối năm

Đại diện NHNN cho biết tăng trưởng tín dụng ngành NH trong 1 - 2 tháng gần đây tăng tốc so với những tháng trước. Tính đến đầu tháng 12, tăng trưởng tín dụng của toàn ngành đạt 9%, trong khi huy động vốn tăng 12%. Thanh khoản trong hệ thống NH dồi dào, các NH tự cân đối nguồn vốn huy động để cho khách hàng vay và lãi suất trên thị trường đang tự điều tiết theo nhu cầu vốn mà không có sự can thiệp từ phía NHNN.
Ông Lê Đạt Chí, Phó trưởng khoa Tài chính Trường đại học Kinh tế, nhận định do tăng trưởng tín dụng những tháng trước khá chậm nên gần đây các nhà băng đẩy ra các gói tín dụng với lãi suất thấp từ 3,7 - 6%/năm để “chạy đua” đạt chỉ tiêu được giao (mục tiêu của toàn ngành tăng trưởng tín dụng khoảng 10% - PV).
Từ đó làm cơ sở xây dựng và xin NHNN cấp chỉ tiêu tín dụng cho năm sau. Bản chất các gói tín dụng ngắn hạn chỉ giải quyết cho nhu cầu vốn sản xuất kinh doanh của nền kinh tế cuối năm. Các NH có thể chấp nhận mức lãi suất cho vay huề vốn hay “ăn mỏng” cho vay vài tháng nhằm thu hút khách hàng để bán kèm các dịch vụ khác, hưởng lợi từ các dịch vụ đi kèm.
Dự báo về lãi suất tiền đồng trong thời gian tới, ông Lê Đạt Chí cho hay bức tranh kinh tế hiện nay chưa được rõ ràng nên các NH cũng sẽ cầm chừng trong việc tính toán và cân đối lãi suất. Trong trường hợp kinh tế tốt lên, NH bung tín dụng, còn không thì tiếp tục tăng dự phòng rủi ro.
Lúc này, lãi suất tùy thuộc vào cung cầu vốn trên thị trường. Thế nhưng nếu lãi suất còn tiếp tục giảm, dòng vốn rẻ có khả năng dịch chuyển vào các kênh như vàng, USD, chứng khoán…
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.