Lãi vay mua nhà giảm

Thanh Xuân
Thanh Xuân
08/07/2021 06:33 GMT+7

Không chỉ cạnh tranh lãi suất, cả ngân hàng nội - ngoại còn “hơn thua” về thời gian áp dụng lãi suất thấp kéo dài cho khách vay mua nhà, nhưng tín dụng vào lĩnh vực này vẫn chậm hơn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 .

Ngân hàng ngoại vào đường đua

Chị Nguyễn Hà (ngụ Q.4, TP.HCM) mới đây nhận được thư điện tử từ Ngân hàng (NH) HSBC Việt Nam giới thiệu chương trình cho vay mua nhà với lãi suất ưu đãi. Đây là gói HSBC Premier - Vay thế chấp với lãi suất vay mua nhà kỳ hạn 1 năm 6,5%/năm, cố định 5 năm là 9,74%/năm, lãi suất thả nổi (lãi suất cơ bản cộng với biên độ là 10%/năm). Tỷ lệ cho vay tối đa 70% giá trị tài sản và giá trị khoản vay lên đến 12 tỉ đồng, thời gian cho vay 25 năm. Còn lãi suất vay thế chấp nhà (cho mục đích tiêu dùng, sửa chữa...) cố định 1 năm là 6,5%/năm, cố định 5 năm là 9,74%/năm, lãi suất thả nổi là 10%/năm. Tuy nhiên tỷ lệ vay tối đa là 60% giá trị tài sản, giá trị khoản vay lên 8 tỉ đồng và kỳ hạn vay 15 năm.

Việc các ngân hàng nước ngoài tham gia mạnh mẽ hơn vào lĩnh vực cho vay bất động sản cho thấy sự cạnh tranh ngày càng phong phú

TS Đinh Thế Hiển, Viện trưởng Viện Nghiên cứu tin học và kinh tế ứng dụng

Sau một vòng tham khảo lãi suất cho vay mua nhà của các NH, chị Thanh Ngân (ngụ Q.3, TP.HCM) không khỏi bất ngờ với mức lãi suất cho vay khá thấp. Dù không có ý định mua nhà vào thời điểm dịch bùng phát như hiện nay, thế nhưng khi nghe nhà hàng xóm bán nhà diện tích 45 m2 trong hẻm nhỏ ở Q.3 với giá 7 tỉ đồng, chị Thanh Ngân quyết tâm mua để mở rộng diện tích ở. Sau một vòng tìm hiểu các NH trong và ngoài nước, chị Thanh Ngân quyết định vay Shinhan Bank số tiền 2 tỉ đồng, lãi suất 7,8%/năm cố định trong thời gian 5 năm, thời gian vay là 15 năm. Đây chưa phải là mức lãi suất thấp nhất, Shinhan Bank cho vay với lãi 6,2%/năm trong năm đầu, 7,5%/năm cố định trong 2 năm đầu, 7,6%/năm cố định trong 3 năm đầu, 7,7%/năm cố định trong 4 năm đầu, 7,8%/năm cố định trong 5 năm đầu. Chị Thanh Ngân cho biết chọn lãi suất 7,8%/năm do thời gian áp dụng cố định lên đến 5 năm, không có NH nào cho vay mức lãi suất cố định dài đến vậy. Hơn nữa nhà băng này không yêu cầu mua bảo hiểm để hưởng lãi vay thấp như các NH khác. Đó là lý do chị chọn Shinhan Bank dù được khá nhiều NH mời chào.
Trong cuộc đua cho vay mua nhà, các NH trong nước cũng có mức lãi suất cho vay khá thấp nhưng thời gian áp dụng ngắn hơn rất nhiều. Đơn cử mới đây, TPBank đã điều chỉnh giảm lãi suất cho vay mua nhà 0,1%/năm so với mức lãi suất áp dụng hồi tháng 3. Cá nhân mua nhà, sửa chữa nhà, xây sửa nhà đất - nhà dự án và tiêu dùng thế chấp bất động sản (BĐS) tại NH với mức lãi suất chỉ từ 5,9%/năm trong 6 tháng vay đầu tiên hoặc 7,5%/năm trong 12 tháng vay đầu tiên. Mức cho vay tối đa 90% giá trị, thời gian vay 30 năm.
Là NH có nguồn vốn rẻ khá lớn trên thị trường, Vietcombank cũng đang triển khai cho vay mua nhà với lãi suất 6,79%/năm trong 6 tháng đầu tiên với các khoản vay từ 12 tháng trở xuống; 6,99%/năm trong 6 tháng đầu tiên với các khoản vay trên 12 - 24 tháng; 7,29%/năm trong 12 tháng đầu tiên với các khoản vay trên 24 tháng.

Lãi suất giảm nhưng người vay ít

Trước sự vào cuộc của một số NH ngoại, đại diện NH TMCP Bản Việt cho rằng, thị phần cho vay BĐS của các NH nước ngoài hiện nay thấp hơn so với trong nước nên không mấy lo ngại. Lãi suất cho vay nói chung trên thị trường hiện nay giảm so với cách đây 1 năm, trong đó có lãi suất cho vay BĐS giảm chậm hơn so với các lĩnh vực khác. Tại NH Bản Việt chỉ giảm khoảng 0,2%/năm bởi NH không khuyến khích cho vay BĐS khi chi phí cho vốn cao, NH cũng phải đảm bảo hệ số rủi ro ở mức cao nhất.
Theo NH Nhà nước, tốc độ tăng tín dụng BĐS 3 năm nay có xu hướng giảm dần. Tính đến 30.4, tín dụng BĐS tăng 4,83%, thấp hơn mức tăng trưởng chung tín dụng nền kinh tế. Mặc dù giá đất nền tại các địa phương giảm nhiều, thị trường đã ổn định nhưng NH Nhà nước đánh giá tín dụng BĐS vẫn còn nhiều rủi ro, vì vậy đã có chỉ đạo các tổ chức tín dụng kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào lĩnh vực này.
Theo TS Đinh Thế Hiển, Viện trưởng Viện Nghiên cứu tin học và kinh tế ứng dụng, việc các NH nước ngoài tham gia mạnh mẽ hơn vào lĩnh vực cho vay BĐS và đưa ra lãi suất thấp, thời gian lãi ổn định kéo dài cho thấy sự cạnh tranh ngày càng phong phú. Sở dĩ NH nước ngoài có được những mức ưu đãi này là do họ có nguồn vốn dài hạn, ổn định khi liên thông với thị trường vốn quốc tế qua trái phiếu, NH mẹ. Các NH trong nước khó có thể cho vay thời gian kéo dài ổn định lãi suất ở mức 7 - 8%/năm như vậy do vốn huy động bấp bênh, lúc thừa lúc thiếu, phụ thuộc nhiều vào nguồn tiền gửi tiết kiệm. Mà khách hàng thì hay rút từ NH này chuyển sang NH khác nếu có sự chênh lệch về lãi suất, dẫn đến nguồn vốn của một số NH bấp bênh hơn.
Dù vậy, TS Đinh Thế Hiển nhận xét, các NH trong nước cũng có chỗ đứng khá mạnh trong lĩnh vực cho vay BĐS. Ngoài các chương trình mà họ phối hợp với chủ đầu tư để tạo điều kiện cho người mua nhà vay lãi suất thấp thì những hồ sơ vay thông thường cũng có điều kiện nới rộng hơn NH nước ngoài. Lãi suất cho vay của NH nước ngoài thấp và có nhiều ưu đãi nhưng không phải ai cũng có thể đáp ứng được các điều kiện khi làm hồ sơ, đó là lý do vì sao có NH trong nước cho vay cao hơn 2%/năm vẫn có khách vay.
Lãi suất giảm nhưng tín dụng BĐS cũng không mấy tăng do ảnh hưởng dịch Covid-19, thu nhập của đa số người dân sụt giảm, tỷ lệ thất nghiệp tăng trong khi giá BĐS không giảm, thậm chí nhiều khu vực còn tăng mạnh. Do đó có giảm lãi suất cho vay cũng chưa chắc đã tìm được người vay. Hơn nữa, Ngân hàng Nhà nước liên tục cảnh báo tín dụng cho vay BĐS nên các NH cũng hạn chế phần nào. Một số NH cho hay mấy tháng nay, NH chủ yếu giải ngân những hợp đồng vay trước đó, hợp đồng mới khá ít, đặc biệt tại TP.HCM dịch bùng phát nên đi lại khó khăn, ít người đến NH giao dịch.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.