Làm DJ của… nhân tâm

28/05/2008 13:17 GMT+7

Điều gì đã khiến một số người có thể khiến người khác phải suy nghĩ và làm khác với những gì trước đó họ đã lên kế hoạch?

"Bùa" của lãnh đạo

Martin Luther King là một trong những nhà lãnh đạo có ảnh hưởng lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ. Điển hình, ông đã khiến hơn 250 nghìn người xúc động mãnh liệt khi đọc bài diễn văn đã đi vào lịch sử nhân loại: “Tôi có một giấc mơ”. Nhiều lãnh tụ khác như Hồ Chí Minh, Churchill, Napoleon, Fidel Castro, Nelson Mandela... đều có sức hút như nam châm dễ nhận thấy. Họ lôi cuốn được hàng triệu con người đi theo hướng họ đặt ra. Các nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng đó chính là “sức hút cá nhân”. Sức hút cá nhân đã từng được coi như là một món quà thiên phú, tuy nhiên, rất ít người có được may mắn là tự nhiên có được sức hút mãnh liệt đó. Còn lại, hầu hết các chính khách, nhà quản lý, nghệ sĩ... nổi tiếng đều phải tự rèn luyện. Chính vì vậy, kỹ năng này được nâng tầm lên thành nghệ thuật: “Nghệ thuật thu hút và gây ảnh hưởng với người khác”. 

Trong xã hội hiện đại, sức hút cá nhân mang đến rất nhiều lợi thế: lời nói của bạn có giá trị hơn, kết quả kinh doanh hoặc làm việc của bạn đều tốt hơn vì bạn nhận được nhiều sự tin tưởng hơn, được nhiều sự hỗ trợ từ cộng sự hơn. Hơn nữa, khi đã lên vị trí lãnh đạo, kỹ năng này không chỉ giúp bạn khiến nhân viên tâm phục khẩu phục mà còn giúp bạn “thổi lửa” tinh thần nhân viên, khiến nhân viên làm việc hăng say, đem lại hiệu quả tốt hơn. 

Luyện… lực hút 

Trước hết, bạn cần nhận thức được bản thân, tính cách, ưu khuyết điểm và mục đích, lý tưởng sống của mình. Bạn cần ghi nhớ, nghệ thuật thu hút phải xuất phát từ cá tính của bạn chứ không phải sự giả tạo. Bạn phải là người dám đương đầu với mọi khó khăn trong lĩnh vực bạn đang theo đuổi và không ngừng học hỏi; bởi tự bản thân tri thức và bản lĩnh đa có một sức hút nội tại rất lớn. Không cần là một chuyên gia nhưng nhất thiết bạn phải là người chuyên nghiệp, có khả năng nhận biết và xử lý vấn đề.

Bên cạnh đó, không cần phải có ngoại hình quá nổi bật nhưng bạn vẫn có thể tạo sức hút ngay từ vẻ bề ngoài: từ ánh mắt đến nụ cười, cách ăn mặc đến dáng vẻ đi đứng... Đặc biệt, hãy luôn kiểm soát thái độ của mình bởi thành công của con người nhiều lúc dựa trên thái độ hơn là năng lực. Vì vậy, hãy luôn luôn lạc quan và tránh biểu lộ những cảm xúc tiêu cực như u sầu hay nóng giận. Người có sức hút cũng là một bậc thầy trong giao tiếp, cả nói và viết, từ giao tiếp đơn giản đến những bài diễn thuyết, hùng biện. Những câu chuyện của họ không chỉ luôn đầy ắp thông tin và mạch lạc mà còn truyền cho người nghe sự nhiệt tình, niềm đam mê và cả lý tưởng sống. Chính điều ấy tạo nên sức hút đặc biệt cho người nghe, khiến họ tự động mong muốn đi theo hướng mà người nói đã nhắc đến.

Nghệ thuật thu hút còn đến từ cách bạn biết khơi gợi thiện chí của người đối diện, làm người khác yêu mến và cảm phục ngay từ lần gặp gỡ đầu tiên. Bắt đầu từ những lời tán gẫu thân thiện, bạn cần nhìn ra mặt tốt của người khác để khéo léo khen ngợi hay khích lệ chân thành, đúng lúc. Cũng cần học cách khoan dung, chấp nhận, tránh chỉ trích trực tiếp mà hãy giữ thể diện cho người khác và thông cảm với những người chung quanh. Đặc biệt, bạn nên chủ động nói xin lỗi ngay khi làm người khác không dễ chịu.  

Bạn đối xử với người khác như thế nào bạn sẽ được đối xử lại tương tự. Chính nhờ sự chân thành, bạn sẽ tạo được mối quan hệ rộng rãi, là cầu nối khi bạn cần giải quyết một công việc. Vì vậy, hãy bắt đầu bằng cách lưu giữ những tấm danh thiếp, ghi chú và cất chúng cẩn thận. Một thói quen tốt nữa là gửi thư điện tử và tin nhắn trong vòng 24 giờ sau khi gặp gỡ. Điều này sẽ giúp người ta nhớ đến bạn khi họ có dự án cần đến kỹ năng của bạn.  

Lịch sự khi giao tiếp, tôn trọng mọi người và có lòng tự trọng với bản thân mình, bạn sẽ xây dựng được một hình ảnh cá nhân tích cực, hấp dẫn và có thiện cảm.

Hồng Duyên

Kỳ sau: Loạt bài về ngành Nhân sự.

Chuyên mục do Báo Thanh Niên Jobviet.com phối hợp thực hiện

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.