Còn nhớ, vào những năm 90 của thế kỷ trước, cù lao Thới Sơn (TP Mỹ Tho, Tiền Giang) được xem là điểm du lịch sinh thái hấp dẫn đối với khách quốc tế nhờ thế mạnh sông nước, vườn cây ăn trái, không khí trong lành và nhất là địa thế gần TP.HCM. Nhưng sau hàng chục năm khai thác mà không đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng, cù lao du lịch này hiện trở nên xơ xác.
Một du khách than rằng lần này quay lại Tiền Giang, ông vẫn phải mua tour cũ rích của mười mấy năm trước: ngồi đò ngó qua cảng cá, đến cù lao Thới Sơn đi bộ một đoạn rồi ghé vào các điểm du lịch để ăn trái cây, uống trà mật ong, tham quan cơ sở làm kẹo dừa và nghe đờn ca tài tử... Nếu ghé cồn Phụng (Bến Tre) thì xem di tích đạo Dừa rồi sang Tân Thạch đi đò chèo trong rạch, lại tham quan lò kẹo dừa, lại uống trà mật ong...
Lại nhớ 10 năm trước, Công ty CP Du lịch Tiền Giang có sản phẩm “tát mương bắt cá” khiến du khách, đặc biệt là khách Tây rất ấn tượng thì không lâu sau đó, các tỉnh khác lại “cọp” y chang như vậy. Ngộ nghĩnh nhất là ở xứ sở trái cây nhưng có lúc, một số điểm du lịch tại cù lao Thới Sơn lại treo lủng lẳng toàn… trái cây giả.
Tại cuộc hội thảo về du lịch ĐBSCL vừa được tổ chức, các đại biểu cho rằng du lịch ở khu vực này thiếu chuyên nghiệp, nhàm chán và đang có “dấu hiệu tàn phai”. Ông Trần Đạt Duy, Phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch ĐBSCL nói rằng, theo số liệu thống kê, mỗi du khách tới ĐBSCL chỉ tiêu xài hơn 100 ngàn đồng! Không rõ những người làm du lịch trong khu vực có giật mình hay không mà nhiều năm qua vẫn chưa thấy có động thái gì “làm mới hình ảnh của vùng đất chín rồng trù phú này trong mắt du khách?
Hoàng Phương
Bình luận (0)