Làm gì để chắp cánh cho U.22 Việt Nam?

25/12/2020 09:14 GMT+7

Chưa thể vội vã kết luận về chất lượng thật sự của đội U.22 Việt Nam chỉ qua một hoặc hai trận giao hữu, nhưng nếu tiếp tục thể hiện được lối chơi bắt đầu có sắc thái riêng cộng với sự rèn giũa nghiêm khắc của thầy Park, tương lai tươi sáng đang đón chờ các cầu thủ trẻ.

Được một “bồ” kinh nghiệm

Giành được gần như trọn vẹn tình cảm của khán giả và giới chuyên môn sau trận giao hữu lượt đi với tuyển Việt Nam, đội U.22 đã làm được nhiều điều hơn mong đợi. Đến mức chính ông Park cũng phải thốt lên rằng, mặc dù U.22 thua nhưng các học trò của ông đã vỡ ra được ít nhiều mảng miếng chiến thuật mà ông đã cố công xây dựng cho bóng đá Việt Nam suốt gần 3 năm qua. Mảng miếng ấy là gì? Là tốc độ cao trong di chuyển, trong phối hợp; chuẩn xác trong từng đường chuyền, trong chuyển trạng thái từ tấn công sang phòng ngự và ngược lại. U.22 Việt Nam bắt đầu cho thấy là một đội bóng có chiều sâu đội hình, lối chơi lớp lang, dù ở trận đấu cách đây một ngày chưa hội tụ đủ nhân sự mạnh nhất.
Chuyên gia bóng đá Đoàn Minh Xương đánh giá rất cao “bộ não” chiến lược của ông Park: “Với việc cho cùng lúc tập trung hai đội tuyển, ông Park đã bắn 1 mũi tên trúng 3 - 4 mục tiêu. Đầu tiên là giúp hâm nóng tâm lý, khơi dậy khát khao và ý chí chiến đấu cho cả đội tuyển Việt Nam lẫn U.22 Việt Nam. Ngay từ lúc này họ không được phép lơ là mà hướng ngay mục tiêu tới nhiệm vụ rất quan trọng năm 2021. HLV Park Hang-seo và ban huấn luyện sẽ có cơ hội rà soát, đánh giá lại toàn bộ lực lượng có trong tay, kể cả số cũ và mới. Hạn chế của từng cầu thủ sẽ hiện rõ qua từng trận giao hữu và ông Park sẽ khẩn trương đưa ra những phương án khắc phục. Tập trung những nhân tố vừa thi đấu thành công ở giải U.21 quốc gia, U.22 Việt Nam đem đến cho chúng ta một cái nhìn khá lạc quan”.
Ông Xương phân tích sâu hơn: “Ở trận giao hữu đầu tiên, việc đội tuyển Việt Nam bộc lộ hai bộ mặt rất khác nhau, vô hình trung lại như một thước đo thái độ “ứng xử” của U.22 Việt Nam. Khi đội tuyển chơi không tốt, không gắn kết, thậm chí đá rất sơ hở, không áp sát, U.22 Việt Nam đã tận dụng điều đó và thi đấu với độ hưng phấn cao. Nhưng khi đội tuyển lấy lại thế trận với những cầu thủ trụ cột như Văn Toàn, Trọng Hoàng, Đức Chinh…, U.22 Việt Nam tuy không còn chiếm lĩnh không gian song vẫn có điểm cộng là không rơi vào trạng thái vỡ trận. Chúng ta đã có thể thấy được những tín hiệu tích cực từ U.22 Việt Nam. Dù vắng một số gương mặt quan trọng nhưng không thể không nhấn mạnh đến tiềm năng từ một số nhân tố mới như nhạc trưởng Hữu Thắng, tiền đạo Việt Cường có tố chất trung phong, Văn Đạt và Xuân Tú di chuyển không bóng tốt.
Tôi nghĩ rằng các cầu thủ trẻ đã rút ra được một “bồ” kinh nghiệm với những cuộc cọ xát quý hiếm như thế này. Để đánh giá sâu hơn U.22 Việt Nam, chúng ta sẽ phải đợi trận “lượt về” tại Phú Thọ, khi ông Park có thể sử dụng những ngôi sao sáng nhất của tuyển Việt Nam như Tiến Linh, Quang Hải, Hùng Dũng, Tiến Dũng, Văn Thanh, Tuấn Anh”.

Các CLB cần sử dụng nhiều cầu thủ trẻ

Bình luận viên Ngô Quang Tùng cho rằng U.22 Việt Nam sẽ còn có thể hay hơn nữa nếu Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF), Công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) có biện pháp khuyến khích, thậm chí mạnh dạn thực hiện chế tài các CLB nếu không ưu tiên sử dụng cầu thủ trẻ. Ông Tùng bày tỏ: “Về mặt chiến lược thì kế hoạch chuẩn bị cho vòng loại U.23 châu Á vào tháng 10 năm sau và SEA Games 31 của bóng đá Việt Nam là hợp lý và chính xác. Cách làm tập trung nhiều đợt ngắn ngày, gọi nhiều cầu thủ để sàng lọc dần, đã cho ra quả ngọt ở SEA Games 30 và bây giờ VFF cùng ông Park vẫn đi theo con đường đúng đắn đó. Lứa cầu thủ U.22 hiện nay không có cá nhân nổi trội, trưởng thành sớm như các đàn anh nhưng khá đồng đều.
Việc được cọ xát, tập trung liên tục giúp nhiều cầu thủ tự tin và định hình lối chơi rõ nét. Chính điều này giúp U.22 Việt Nam chơi tự tin, có ý tưởng rõ ràng trước đàn anh tuyển Việt Nam. Các cầu thủ dám cầm bóng, tiếp cận khung thành trực diện, tốc độ nhanh, ít chạm. Hữu Thắng có thể xem là tiêu biểu cho lứa cầu thủ này, khi 1 - 2 năm trước chưa được nhắc nhiều nhưng chỉ cần một mùa đá hạng nhất và vòng chung kết giải U.21 quốc gia đã giúp Thắng tự tin, trưởng thành hơn hẳn. U.22 Việt Nam đang có hàng công khá khoáng đạt gồm Công Đến - Hữu Thắng - Văn Đạt và Việt Cường, trong khi hàng thủ có Thanh Bình tiến bộ nhanh. Tất nhiên họ vẫn còn non kinh nghiệm, điều khó tránh khỏi ở tuổi mười chín, đôi mươi. Nhưng cần lưu ý đây chưa phải đội hình tối ưu của U.22 Việt Nam. Nếu bổ sung Lý Công Hoàng Anh, Bùi Hoàng Việt Anh, Nguyễn Hai Long, Nhâm Mạnh Dũng, Lê Văn Xuân, Đoàn Văn Hậu, Đặng Văn Tới..., chúng ta có thể thấy niềm hy vọng bảo vệ tấm HCV SEA Games 31 tổ chức trên sân nhà”.
Bình luận viên Ngô Quang Tùng khẳng định: “Chúng ta cần hoàn thiện điều kiện đủ là giúp cầu thủ trẻ có nhiều hơn cơ hội ra sân khi trở về CLB, vì cầu thủ trẻ Việt Nam nhiều lắm mỗi năm chỉ đá khoảng 10 trận, cao nhất là 15 - 20 trận. Trường hợp như Hữu Thắng đá khoảng 30 trận là rất hiếm, trong khi Danh Trung dự bị ở V-League có dấu hiệu chững lại”.
Hồ Tuấn Tài không thể thi đấu trận lượt về
Phút 11 trận giao hữu lượt đi với U.22 Việt Nam, tiền đạo Hồ Tuấn Tài của tuyển Việt Nam phải rời sân vì bị chấn thương sau pha rướn chân cứu bóng dù không va chạm với đối thủ. Anh bị rách cơ háng và có thể sẽ phải nghỉ trong hai tuần mới có thể tập luyện nhẹ trở lại. Như vậy, cựu cầu thủ CLB SLNA, hiện khoác áo CLB TP.HCM, sẽ không thể có mặt ở trận giao hữu lượt về vào ngày 27.12. Một tuyển thủ khác cũng bị chấn thương ở trận đấu tối 23.12 là Xuân Cường (bị ở khuỷu tay), có khả năng không thể thi đấu được sau vài ngày tới.  
N.Duy
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.