Làm gì trước những phát hiện mới về lịch sử?

12/03/2008 23:45 GMT+7

* Hội Khoa học lịch sử sẽ tổ chức tranh luận khoa học những vấn đề mà thiền sư Lê Mạnh Thát đưa ra Còn rất nhiều ý kiến của các nhà nghiên cứu và bạn đọc tham gia trao đổi loạt bài Thiền sư Lê Mạnh Thát và những phát hiện lịch sử chấn động. Số báo này chúng tôi xin giới thiệu bài viết của nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân, nhà báo Trần Đức Chính, ý kiến của tiến sĩ Hoàng Ngọc Kỷ và đăng lại bản tin của Báo SGGP "Sẽ tổ chức tranh luận khoa học những vấn đề mà Thiền sư Lê Mạnh Thát đưa ra". Chúng tôi xin tạm dừng cuộc trao đổi ở đây để dành cho sự đánh giá, thẩm định của các nhà khoa học.

Làm gì trước những phát hiện mới về lịch sử?

Những ai từng nghiên cứu lịch sử hẵn đã thấy việc khám phá được một sự kiện lịch sử mới nó khó khăn, quý giá biết chừng nào. Có bao nhiêu nhà sử học đã nghiên cứu, phát hiện được các sự kiện để hiệu đính những sai lầm, giải mã một bí ẩn hay bổ sung một thiếu sót trong lịch sử dân tộc? Ít người có câu trả lời chính xác.

Công việc khó và hiếm hoi như vậy theo tôi có nhiều lý do nhưng lý do quan trọng nhất là thiếu tư liệu. Sau chiến tranh, ít có sử gia Việt Nam có đủ điều kiện tiếp cận được các kho tư liệu của các nước đã có mối quan hệ lịch sử với Việt Nam như Trung Quốc, Thái Lan, Pháp, Mỹ, Anh, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha..v.v. (Ví dụ tư liệu mới về thời Tây Sơn chỉ có thể tìm được ở Trung Quốc, Tây Ban Nha, Vatican). Không có tư liệu mới để khảo chứng thì không khám phá được những sự kiện mới.

Quan niệm như thế cho nên tôi hết sức trân trọng, cảm phục những phát hiện lịch sử cực kỳ mới mẻ của Thầy Lê Mạnh Thát diễn giải trong bộ Tổng tập Văn học Phật giáoViệt Nam và bộ Lịch sử Phật giáo Việt Nam (NXB Tổng hợp TP.HCM) và nhiều tác phẩm khác của ông. Không cómột sức học uyên bác, không có một kho tư liệu phong phú mới lạ, không có một sức làm việc phi thường thì không thể có được những phát hiện ấy. Tuy nhiên vì không chuyên về cổ sử Việt Nam nên lâu nay tôi chờ ý kiến thẩm định của các chuyên gia cổ sử và các cơ quan chức năng về những tài liệu đã được công bố này. Rất tiếc là mấy năm nay điều tôi mong chờ vẫn im hơi lặng tiếng. May sao 7 số báo Thanh Niên vừa qua đã giúp những phát hiện lịch sử của Thầy Lê Mạnh Thát bật dậy và gâychấn động không ít trong giới sử học.   

Sáng hôm 11.3, sau buổi giao lưu với độc giả về cuốn sách “Đi tìm dấu tích Cung điện Đan Dương-sơn lăng của Hoàng đế Quang Trung” của tôi trong Hội sách lần thứ V tại Công viên Lê Văn Tám, nhiều bạn thanh niên đã vây quanh hỏi ý kiến tôi về “Những phát hiện lịch sử chấn động” của Thầy Thát trên báo Thanh Niên. Tôi đã trả lời và xin ghi lại sau đây để bạn đọc Thanh Niên tham khảo:

1. Đây là những phát hiện lịch sử. Muốn biết những phát hiện của Thầy Lê Mạnh Thát giá trị như thế nào phải kiểm tra nguồn tư liệu mà Thầy đã dùng. Nếu tư liệu đúng, phương pháp nghiên cứu đúng thì phải công nhận kết quả nghiên cứu của Thầy. Một đời cầm bút mà chỉ cần đính chính được bài thơ Xuân nhật tức sự, được Lê Quý Đôn chép trong Kiến Văn Tiểu Lục nói là của thiền sư Huyền Quang thời Trần (1254-1334) mà sự thực là của thiền sư Ảo Đường Trung Nhân (?-1203) thời nhà Tống bên Trung Quốc là đã có công lớn rồi. Xưa nay ai dám động đến Lê Quý Đôn ? Việc kiểm tra đúng sai chuyện nầy bây giờ quá dễ. Chỉ cần đến 750 Nguyễn Kiệm, Phú Nhuận TP.HCM, đề nghị Thầy Lê Mạnh Thát cho sao lại tài liệu Thầy đã dùng và đem đối chiếu với nguồn gốc của nó (cũng được Thầy chỉ rõ) là xong ngay. Nhiều phát hiện khác cũng có thể kiểm tra theo cách này. Tôi không hiểu đã có ai làm việc đó chưa ! Không phản bác được tư liệu đã khảo chứng của Thầy Lê Mạnh Thát thì phải chấp nhận thông tin lịch sử mà Thầy đưa ra. Đây là lịch sử, không thể có ý kiến khi chưa khảo về tư liệu. Mọi ý kiến về nghiên cứu lịch sử mà không căn cứ trên tư liệu thì chỉ nghe chơi thôi.

2. Những phát hiện mới mẻ mà chưa có tài liệu trực tiếp chứng minh như không có sự kiện “An Dương Vương đánh bại vua Hùng Vương thứ 18 rồi lập nên một triều đại như Đại Việt sử ký toàn thư của Ngô Sỹ Liên đã viết”, “Cổ Loa chẳng qua chỉ là một tên gọi được Ngô Sỹ Liên lấy từ truyền thuyết của Lĩnh Nam Chích Quái để đưa vào Đại Việt sử ký toàn thư gắn vào An Dương Vương mà thôi” v.v... ta xem như những phát hiện còn phải tiếp tục chứng minh, chứ không loại bỏ. Không nên vì những cái chưa được rõ ràng mà làm ngơ trước những phát hiện đã rõ ràng.

3. Những phát hiện mới của Thầy Lê Mạnh Thát có đầy đủ tư liệu chứng minh rõ ràng thì các ngành chức năng phải tiếp nhận ngay,   không những để tưởng thưởng cho tác giả, khuyến khích các nhà nghiên cứu khác đi tìm cái mới, mà còn liên quan đến việc sửa sách giáo khoa, sách sử dân tộc...

4. Qua tiếp xúc với một số nhà Việt Nam học ở nước ngoài, tôi thấy họ rất quan tâm đến các công trình nghiên cứu lịch sử Việt Nam. Họ có nhận xét là sự đổi mới về nghiên cứu lịch sử ở Việt Nam quá chậm so với văn học, báo chí. Đặc biệt họ rất quan tâm đến trách nhiệm của các ngành chức năng đối với các phát hiện mới về lịch sử, đến tâm và trí của các nhà sử học qua các phản biện lịch sử. Giữa thời đại bùng nổ thông tin nầy mà Những phát hiện lịch sử gây chấn động của Thầy Lê Mạnh Thát vẫn rơi vào im lặng được sao ? Vẫn để cho sử gia các nước đối tác với chúng ta xem thường chúng ta được sao?

Nguyễn Đắc Xuân (Nhà nghiên cứu)

 

 Sẽ tổ chức tranh luận khoa học những vấn đề mà thiền sư Lê Mạnh Thát đã đưa ra

Xung quanh những vấn đề lịch sử dân tộc được cho là của thiền sư Lê Mạnh Thát mà Báo Thanh Niên đưa ra trong thời gian gần đây, chiều qua 11.3, lãnh đạo Hội Khoa học lịch sử Việt Nam đã có cuộc họp để thảo luận về những vấn đề liên quan. Quan điểm của Hội Khoa học lịch sử Việt Nam là tất cả những phát hiện mới về lịch sử dân tộc đều đáng trân trọng, tuy nhiên để khẳng định một vấn đề cần có những tranh luận công khai, minh bạch về mặt khoa học, cần có những cứ liệu khoa học xác đáng, đủ sức thuyết phục. Vì vậy, với trách nhiệm của mình, Hội Khoa học lịch sử Việt Nam sẽ tiến hành tranh luận công khai về những vấn đề mà thiền sư Lê Mạnh Thát đưa ra theo 2 hướng: Tổ chức hội thảo bàn tròn với sự có mặt của thiền sư và những nhà khoa học đầu ngành lịch sử, qua đó thực hiện việc chất vấn khoa học cũng như phản biện một cách công bằng, minh bạch; tổ chức tranh luận trên Tạp chí Xưa và Nay (cơ quan của Hội Khoa học lịch sử Việt Nam). Tại đây các học giả có thể tham dự bằng các bài viết xung quanh vấn đề này, sau đó Hội Khoa học lịch sử Việt Nam sẽ thực hiện tổng kết một cách công khai, theo đúng tinh thần tranh luận khoa học, cả đồng thuận lẫn phản biện; tôn trọng các ý kiến khác nhau, đồng thời qua đó tìm ra được những vấn đề có tính khoa học cao nhất, thuyết phục nhất. Nội dung tranh luận khoa học mà Hội Khoa học lịch sử Việt Nam tổ chức là dựa vào những công trình, nghiên cứu của thiền sư Lê Mạnh Thát đã công bố, chứ không phải chỉ dựa vào những nội dung mà Báo Thanh Niên đã nêu ra.

Về vấn đề này, trong một cuộc trả lời báo chí gần đây, nhà sử học Dương Trung Quốc (với tư cách cá nhân) cho rằng, tất cả những cái đó phải được xem xét cụ thể trên nhiều phương diện như độ tin cậy của sử liệu, phương pháp phân tích của tác giả và phải đặt trong tổng thể với các nguồn tư liệu khác. Các bộ kinh Phật đương nhiên là hết sức quý, nhưng nó cần được giải thích sự khác biệt với các nguồn tư liệu khác cũng có giá trị riêng của nó, kể cả truyền thuyết và dã sử. Không phải cứ nói đến “chính sử” của triều Lê (Đại Việt Sử ký toàn thư) do những sử gia tên tuổi biên soạn đã là chân lý tuyệt đối. Bởi trước hết, nó là sản phẩm của những cá thể hay triều đại, dù uyên thâm đến mấy thì cũng vẫn có thể có sai sót và nhiều khi xuất phát từ những lợi ích không thể gọi là tuyệt đối vì dân tộc mà căn bản là của giới cầm quyền. Đương nhiên, cũng không chỉ dựa vào một bộ kinh dù vô cùng quý giá trong kho tàng Phật giáo mà phủ định, đơn giản những nguồn sử liệu khác. Càng ngày các khoa học càng cần một tư duy tổng hợp và tri thức liên ngành. Sử học cũng vậy. Theo ông Dương Trung Quốc, về khoa học, người ta cần tìm tính biện chứng của những luận điểm; còn về nghề nghiệp thì người ta cần đến sự tranh biện, cầu thị.

Trần Lưu (Tin đăng trên Sài Gòn Giải Phóng, 12.3.2008)

 Tôi sẽ cung cấp thêm tài liệu về cổ địa lý

Tôi đã đọc bài Thiền sư Lê Mạnh Thát và những phát hiện lịch sử chấn động đăng trên Báo Thanh Niên. Tôi rất tâm đắc với những vấn đề được nêu ra. Chỉ có báo chí mới có thể giới thiệu với bạn đọc về những phát hiện mới trong khoa học của những người say mê nghiên cứu.

Về thời kỳ Hùng Vương, tôi xin giới thiệu: Năm 1977, trong quá trình nghiên cứu địa chất đồng bằng Bắc bộ, tôi đã phát hiện biển tiến đột biến cách đây 4.100 năm. Sự biển tiến đột biến này có thể là nguồn gốc của truyền thuyết "Sơn Tinh - Thủy Tinh" và có liên quan đến quá trình dựng nước thời đại Hùng Vương và các thời kỳ sau này. Cổ địa lý thời Hùng Vương chúng ta chưa từng biết đến. Hồi còn công tác ở miền Bắc, chúng tôi đã cùng với Viện Khảo cổ học tổ chức hội thảo, khi đó Viện Khảo cổ học đang chủ trì chương trình nghiên cứu thời kỳ Hùng Vương. Trong một chuyên khảo mới về địa chất đang chuẩn bị xuất bản có chương "Biển tiến đột biến Holoxen, xuất xứ truyền thuyết Sơn Tinh - Thủy Tinh và điều kiện ra đời Nhà nước Hùng Vương phát triển cho đến nay".

Những vấn đề về cổ địa lý có thể góp vào nghiên cứu lịch sử mà thiền sư Lê Mạnh Thát đã nêu. Tôi sẽ tặng tài liệu cho Báo Thanh Niên và thiền sư để nghiên cứu.

Mong muốn của những người nghiên cứu khoa học là làm sao kết quả nghiên cứu đến được với người đọc để sử dụng nó vào trong thực tiễn phát triển kinh tế và xã hội.

Tiến sĩ Hoàng Ngọc Kỷ (660 Nguyễn Văn Quá, quận 12, TP.HCM)

 

Phản biện

Thông tin mới lạ, nhanh nhạy, chính xác làm nên sự hấp dẫn của báo chí. Thế nhưng những thông tin mang tính phản biện lại thể hiện sức mạnh của truyền thông, tỏ rõ bản lĩnh của nhà báo và là một trong những yếu tố cấu thành cái mà chúng ta vẫn (nói riêng với nhau), đẳng cấp của cơ quan báo chí.

Tuần này có hai phản biện tầm cỡ. Thứ nhất là loạt bài trên Báo Thanh Niên của Hoàng Hải Vân giới thiệu những phát hiện lịch sử chấn động của Thiền sư Lê Mạnh Thát. Đây là một vấn đề lớn ngoài tầm hiểu biết của chúng ta, của cả những người viết sử đã từ bao đời nay về lịch sử 4.000 năm của dân tộc Việt Nam. Đã có lúc chúng ta cảm thấy con số 4.000 năm có vẻ mung lung, chập chờn, thậm chí gần đây nhiều người ngại nói đến. Thì nay, công trình nghiên cứu của Lê Mạnh Thát đã khơi dậy với những chứng minh đang hé mở một chân trời mới về thời đại Hùng Vương, về một nền văn hiến trước Bắc thuộc của người Việt, mà đến cỡ nhà sử học Ngô Sĩ Liên ngày xưa cũng nói không đúng.

Phản biện thứ hai là bài báo của TS Vũ Quang Việt gửi từ New York đăng trên Lao Động 3.3.2008. Bài báo lấy tít một bài của Tuổi Trẻ 29.2, dẫn lời Bộ trưởng Tài chính nước ta "Không sai lầm về chính sách, nhưng yếu kém trong dự báo". Có điều đằng sau câu nói này của TS Vũ Quang Việt đã đặt thêm một dấu hỏi (?). Đơn giản là tác giả đã chứng minh có những sai lầm trong chính sách năm 2007 vừa qua, có liên quan đến cơn "bão giá" và lạm phát hiện nay.

Chúng tôi không đi sâu vào hai phản biện này vì nó đang nóng trên báo chí những ngày vẫn còn rét đậm đầu tháng 3.2008. Điều muốn nói là công chúng ngày nay rất cần những thông tin phản biện trên cơ sở tin cậy như thế. Phản biện chỉ làm vấn đề sáng tỏ hơn, dù có phải phủ nhận một cái gì đó, một ai đó, âu cũng là chuyện thường tình. Những ngày này Đài TH Hà Tây đang phát lại bộ phim dài Bao Thanh Thiên. Bài hát của phim có câu "chỉ có thể biết nhiều, biết ít, chứ không bao giờ biết đủ". Nếu chúng ta càng có nhiều thông tin trên báo chí có tính phản biện thì sức mạnh nghề báo sẽ càng được tăng cường. Cũng cần nói thêm, trước các phản biện, nên nhớ lời người xưa: "Tri bất tri, bất tri vi tri" (biết điều mình chưa biết tức là chưa biết mà biết vậy).

Trần Chinh Đức *
(Bài đăng trên Nhà báo &Công luận, 7.3.2008)

--------------

* Tác giả là Trần Đức Chính (bút danh khác: Lý Sinh Sự), Tổng biên tập Báo Nhà báo & Công luận, nguyên Phó tổng biên tập Báo Lao Động.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.