Làm giàu nhờ trồng cây hiếm: Tạc tượng bằng cây

27/06/2009 22:47 GMT+7

Ở làng hoa kiểng Cái Mơn (Bến Tre) có một nhà vườn tìm ra một hướng làm ăn mới là trồng cây si để làm kiểng thú, nhà ôxy..., mang lại hiệu quả kinh tế cao và danh tiếng cho mình. Đó là nghệ nhân Năm Công (tên thật là Nguyễn Văn Công ở ấp Phú Long, xã Hưng Khánh Trung B, huyện Chợ Lách, Bến Tre; ĐT: 0972.887.222). Ông được mệnh danh là người tạc tượng bằng cây.

Mới đây, tại Hội chợ Nông nghiệp và Sinh vật cảnh khu vực phía Nam tổ chức tại TP.HCM, ông Năm Công được trao 2 giải đặc biệt cho sản phẩm kiểng thú 12 con giáp và mô hình nhà dài (thường gọi là nhà ôxy). Trước đó, nhiều người biết đến ông Năm Công từ hồi SEA Games 22 được tổ chức tại Việt Nam. Ông đã vượt qua nhiều nghệ nhân khác để trúng được hợp đồng làm 18 mẫu trâu bằng kiểng (linh vật của SEA Games 22), từ trâu vàng bắn súng, đá bóng, đấu vật...

Vườn kiểng của ông Năm Công hiện có hàng trăm tác phẩm kiểng hình, kiểng thú các loại. Mỗi năm ông lại tạo hình con vật cầm tinh của năm đó để phục vụ khách hàng. Ông còn sáng tạo nhiều mẫu vật khác như cá sấu, đại bàng, hươu, nai, voi, cá voi, kiểng hình bình trà, hoa sen, hồ lô và gần đây là nhà ôxy. Gọi là nhà ôxy vì được làm hoàn toàn bằng cây xanh, nên tạo không khí mát mẻ, dễ chịu khi ở bên trong. Nhà ôxy được thiết kế theo nhiều kiểu khác nhau như: nhà tứ giác, nhà lục giác, nhà bát giác, nhà dài, một nóc, hai nóc... Nhà được thiết kế đủ để có thể đặt một bộ bàn ghế cho 10 người ngồi.

Ông Năm Công cho biết: “Cái quan trọng nhất là những con vật mình làm ra phải giống như thật và có hồn. Đây là chuyện rất khó vì phải đòi hỏi sự khéo tay, óc quan sát tinh tế cũng như kinh nghiệm...”. Trước đây, các nghệ nhân thường dùng cây bùm sụm để tạo hình các con vật. Nhưng loại cây này có những nhược điểm là chậm phát triển, sức sống yếu, tán cây không to nên không thể tạo được những sản phẩm kích thước lớn. Để khắc phục được những hạn chế trên, ông đã tìm tòi nhiều loại cây nguyên liệu mới và thành công với cây si giống Nhật.

Cây si có tán lớn, màu lá xanh đậm, cành dẻo, ít bị gãy, dễ chăm sóc, thân mau lành sẹo, phát triển nhanh, dễ chăm sóc và chịu được khô hạn. Sản phẩm làm từ cây si rất có hồn, lá luôn giữ được màu xanh tươi tốt, dễ chăm sóc và tuổi thọ kéo dài. Ông Năm Công đã dành 1 ha đất vườn để trồng cây si. Cây si trồng khoảng 3 năm là có thể dùng làm vật liệu để uốn kiểng thú, kiểng hình. Năm 2007, ông đã bán được hơn 250 sản phẩm các loại. Con số này tăng gần gấp đôi trong năm tiếp theo. Sản phẩm của ông được tiêu thụ ở nhiều tỉnh thành phía Nam mà phổ biến nhất là thị trường TP.HCM và xuất mạnh sang cả thị trường Campuchia. Sản phẩm kiểng thú, kiểng hình làm bằng cây si có nhiều mức giá khác nhau. Trung bình là vài ba triệu đồng/sản phẩm, có khi lên đến vài mươi triệu đồng tùy vào kích thước và độ khó. Cụ thể, bộ kiểng thú 12 con giáp khoảng 25 - 30 triệu đồng/bộ; nhà lục giác, nhà bát giác giá thấp từ 8 - 10 triệu đồng/cái. Cá hóa long (cao khoảng 3,5m) 5 triệu đồng/cặp; rồng (3 - 4m) khoảng 4 triệu đồng/cặp; hồ lô (cao 2m) 3 triệu đồng/cặp; bình bông (cao 3,5m) 8 triệu đồng/cặp; nai 3 - 3,5 triệu đồng/cặp.

Thành công của ông đã khuyến khích nhiều nhà vườn ở Chợ Lách làm theo như anh Nguyễn Tấn Thành ở ấp Cái Tắc, xã Hưng Khánh Trung; anh Thanh Sơn ấp Vĩnh Bắc, xã Vĩnh Thành... và họ đều thành công.           

Chí Nhân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.