Làm giàu từ nấm sò

Đức Huy
Đức Huy
06/04/2021 07:36 GMT+7

Trồng cây sắn, cây mía luôn bấp bênh đã khiến anh Nguyễn Văn Bính (23 tuổi, ở thôn Đồng Phú, xã Đức Bình Tây, H.Sông Hinh, Phú Yên) quyết tâm trồng nấm sò, làm giàu ngay trên quê hương mình.

Sống với mẹ đơn thân, học hết THCS, do hoàn cảnh khó khăn nên Bính nghỉ học, ở nhà giúp mẹ làm kinh tế nông nghiệp. Tuy nhiên, nhận thấy nếu cứ bám vào cây sắn, cây mía thì quá bấp bênh nên Bính lên Gia Lai làm thuê cho trang trại trồng nấm sò. Sau thời gian vừa làm vừa tích lũy kinh nghiệm, tháng 5.2020, Bính trở lại quê nhà và bắt đầu khởi nghiệp. Từ nguồn vốn vay của Ngân hàng Chính sách xã hội ủy thác qua Đoàn thanh niên xã Đức Bình Tây, Bính đã mạnh dạn đầu tư 100 triệu đồng làm nhà trại, dàn treo cùng hệ thống phun tưới nước với công suất 12.000 bịch phôi nấm.
Bính chia sẻ: “Khí hậu ở Gia Lai mát mẻ, nhiệt độ cũng tương đối ổn định, còn Phú Yên thì nắng nóng, phôi nấm dễ bị hư nên em vừa làm vừa rút kinh nghiệm. Làm kinh tế, đặc biệt là trong sản xuất nông nghiệp, thì ít ai thành công liền”.
Bằng sự đam mê tìm tòi sáng tạo cùng những kinh nghiệm tích lũy được trong thời gian đi làm thuê, trại nấm của Bính dần dần ổn định, năng suất trung bình một tháng đạt 0,25 kg nấm/bịch phôi. Sản lượng hằng ngày đều đặn từ 30 - 40 kg. Với giá bán sỉ 40.000 đồng/kg, mỗi tháng trại nấm cho lãi ròng trên 15 triệu đồng. Mức lãi này tương đương với việc sản xuất 5 ha mía tại địa phương ở những thời điểm giá bán cao nhất.
“Hiện số lượng nấm sản xuất ra chỉ bán trong địa bàn H.Sông Hinh. Trang trại của em sản xuất nấm sạch để hướng tới sản phẩm sạch, xây dựng thương hiệu để cung cấp trong và ngoài tỉnh”, Bính bộc bạch.
Hằng ngày, Bính theo dõi thời tiết để điều chỉnh nhiệt độ, độ ẩm cho phù hợp, kiểm tra và rạch những phôi đã chín để cho nấm mọc, buổi tối dành khoảng 2 giờ đồng hồ thu hoạch nấm và ba rưỡi sáng hôm sau đem đi giao cho các tiểu thương bán lẻ. Ngoài thu nhập cho bản thân, Bính còn thuê một số nhân công với mức lương 6 triệu đồng/tháng.
Anh Nguyễn Tấn Tứ, Bí thư Đoàn xã Đức Bình Tây, cho biết: “Bính có một quyết tâm rất lớn trong phong trào lập thân lập nghiệp do Đoàn phát động. Ban chấp hành Đoàn xã và Ngân hàng Chính sách xã hội huyện đã nắm được tâm tư nguyện vọng của Bính, từ đó tiếp cận động viên, khích lệ và hỗ trợ vốn để Bính khởi nghiệp. Tới thời điểm hiện tại, có thể nói Bính đã thành công trên mô hình nuôi nấm của mình”.
Công việc của Bính có thể còn khó khăn, vất vả khi dự định xây dựng thương hiệu sản phẩm nấm sạch, nghiên cứu tận dụng nguyên liệu rơm có sẵn tại địa phương để làm phôi nấm, phát triển thị trường để mở rộng sản xuất, tạo thêm việc làm cho lao động tại địa phương. Tuy nhiên, với những kết quả bước đầu, cùng sự đồng hành của Đoàn xã, cũng như các chính sách tín dụng xã hội sẽ là động lực thúc đẩy, giúp Bính cũng như nhiều thanh niên khác thực hiện thành công ý tưởng của mình. Từ đây, đẩy mạnh phong trào thanh niên lập thân, lập nghiệp, góp phần nâng cao chất lượng xây dựng nông thôn mới ở địa phương.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.