Làm mất thể diện quốc gia

06/03/2016 00:00 GMT+7

Có ý kiến cho rằng, ngành du lịch VN cần soạn bộ cẩm nang hướng dẫn khách Việt khi đi du lịch ở nước ngoài để giữ thể diện quốc gia.

Có ý kiến cho rằng, ngành du lịch VN cần soạn bộ cẩm nang hướng dẫn khách Việt khi đi du lịch ở nước ngoài để giữ thể diện quốc gia.

Người dân Thái Lan và du khách ngay ngắn xếp hàng và đợi lên tàu điện ở Bangkok	- Ảnh: N.T.TâmNgười dân Thái Lan và du khách ngay ngắn xếp hàng và đợi lên tàu điện ở Bangkok - Ảnh: N.T.Tâm
Trong một lần xếp hàng làm thủ tục xuất cảnh ở sân bay quốc tế Suvarnabhum (Bangkok, Thái Lan), chúng tôi thấy một nhóm khách Việt vì không khai đầy đủ tờ khai xuất cảnh nên bị nhân viên xuất nhập cảnh yêu cầu quay trở lại cuối hàng làm lại. Tại đây, họ trao đổi với nhau rất ồn ào về việc viết sao cho đúng, gây khó chịu cho người xung quanh. Khi khai xong, một trong số đó quay trở lại đầu hàng để làm thủ tục. Tuy nhiên, một vị khách nước ngoài đã nhất quyết không cho lên đầu hàng và yêu cầu quay lại xếp hàng theo thứ tự. Hai bên đã có chút lớn tiếng nhưng anh người Việt cuối cùng cũng chấp nhận xuống cuối hàng đợi đến lượt.
Chúng tôi cũng từng chứng kiến cảnh nhiều khách Việt chen lấn nhau ở khu vực xếp hàng lên tàu điện để ra sân bay Suvarnabhum từ nhà ga Phaya Thai (Bangkok) hay ngược lại nhằm kiếm một chỗ ngồi trên tàu. Mặc dù, ở cửa lên xuống tàu điện luôn có chỉ dấu hướng dẫn lên từ hai bên cửa và xuống ở chính giữa. Nhưng vì một số người chen vào giữa để lên trước khiến việc lên xuống vô cùng mất trật tự và bảo vệ nhà ga phải can thiệp. Ở nhiều điểm đến có đông khách Việt như Thái Lan, Singapore… cảnh khách Việt lên tàu và ngay lập tức ngồi vào những ghế đầu hàng, nơi phía sau lưng có bảng chỉ dẫn ưu tiên cho bà bầu, người già, người tàn tật...
Theo ông Trần Vĩnh Lộc, Giám đốc Công ty du lịch Lạc Hồng Voyages, khách Việt không chỉ gây ồn ào, hay phô trương hình thức, chen hàng mà còn có những biểu hiện “thiếu thẩm mỹ”. Chẳng hạn, khi đang xếp hàng lâu ở sân bay, nhiều người bỗng dưng ngồi bệt xuống đất, trông rất phản cảm. Vào các điểm tham quan, khách Việt vẫn hay leo trèo hoặc cố tình sờ vào hiện vật (có ghi cấm sờ) hay bước qua dây chắn để vào tận bên trong chụp hình; hút thuốc không đúng nơi quy định.
“Du khách Việt khi ra nước ngoài mang hình ảnh của một quốc gia, vì vậy, cần phải hành xử như thế nào để tránh gây tiếng xấu và giữ thể diện quốc gia. Để du khách Việt hành xử đẹp, ngoài ý thức của mỗi người, ngành du lịch VN, cụ thể là Tổng cục Du lịch có thể soạn thảo một bộ cẩm nang hướng dẫn hành vi cho du khách ở nước ngoài. Cẩm nang này trước khi ban hành cần tổ chức lấy ý kiến từ các hiệp hội du lịch, các hãng lữ hành để hoàn thiện nhất. Các công ty du lịch khi bán tour phải phát kèm bộ cẩm nang này cho du khách”, ông Lộc đề xuất.
Thực tế, một số nước trên thế giới cũng đã phát hành cẩm nang hướng dẫn du khách đi du lịch nước ngoài, như Hàn Quốc và gần đây có Trung Quốc. Bên cạnh đó, cần có cả cẩm nang hướng dẫn những gì nên và không nên làm cho những người nước ngoài đến VN du lịch.
Bà Trần Thùy Linh, từng có nhiều năm làm trong lĩnh vực du lịch và hiện đang công tác trong ngành ngoại giao, nhận xét, một trong những thói quen của người Việt khiến người khác khó chịu nhất là “ăn to nói lớn” và chen hàng. Lên máy bay, nhiều người Việt cũng chưa chịu giữ trật tự, liên tục sử dụng điện thoại cho đến khi tiếp viên phải tới nhắc nhở, không chịu cài dây an toàn, vứt rác lung tung, thậm chí ngồi không đúng chỗ...
Còn ở khách sạn, nhiều nhóm khách còn phô trương sự giàu có sau khi đi mua sắm về đã bày hết đồ đạc ra bàn tiếp khách ở khu vực tiếp tân, rồi rôm rả cái này đẹp, cái kia xấu; cái này rẻ, cái kia đắt. Ăn uống ở nhà hàng cũng ồn ào, nhất là những gia đình có con nhỏ. “Tôi từng chứng kiến nhiều vị khách Việt đã quát tháo con ầm ĩ ở nhà hàng khi con không chịu ăn, khiến con khóc lóc thảm thiết”, bà Linh kể.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.