Lắm người già buồn phiền, mất ngủ

26/08/2011 11:10 GMT+7

Trong tham luận tại một hội thảo quốc tế do Trường Trung cấp Quang Trung (quận Bình Tân - TPHCM) phối hợp với Hiệp hội Hỗ trợ chăm sóc - Phúc lợi xã hội cho người già và người tàn tật Nhật Bản tổ chức vào ngày 23 và 24-8 ở TPHCM, thạc sĩ - dược sĩ Trần Thanh Thạo, Phó Hiệu trưởng Trường Trung cấp Quang Trung, cho biết: Việt Nam sẽ bước vào thời kỳ già hóa dân số sau năm 2017 và bước vào giai đoạn “dân số già” trong hai thập kỷ tiếp theo.

Kết quả tổng điều tra dân số các năm 1979, 1989, 1999, 2009 cho thấy tỉ lệ người già trong kết cấu dân số của nước ta đã tăng dần từ 7,1% lên 7,2% - 8,2% - 9,9%. Theo dự báo của Ủy ban Quốc gia Người cao tuổi, vào năm 2010, nước ta có 10% dân số là người già, tỉ lệ này sẽ tăng lên 18% vào năm 2020 và 30% vào năm 2050.

Khó khăn đi liền với sự già hóa dân số chính là tình trạng sức khỏe và mức sống của người cao tuổi của nước ta còn thấp. Cụ thể, 95% người cao tuổi mang bệnh tật, trong đó khoảng 55% mắc các bệnh kinh niên, mãn tính, thường xuyên đau ốm, người già có sức khỏe kém chiếm đến 22,9%. Khoảng 50% số người già được điều tra cũng cho biết họ thường mắc các chứng lo âu, buồn phiền, mất ngủ.

Cũng theo các khảo sát được công bố tại hội thảo này thì gần 60% người cao tuổi còn tham gia các hoạt động kinh tế thường xuyên; 26,1% tham gia lao động giúp việc nhà hoặc chăm sóc con cháu. Tuy nhiên, số người già có thu nhập từ khá trở lên chỉ đạt 15%. Một báo cáo khác của Bộ LĐ-TB-XH cũng ghi nhận có đến 40% người cao tuổi hiện đang phải lao động kiếm sống với thu nhập bấp bênh.

Rất nhiều ý kiến đã được đưa ra nhằm tìm cách giúp người già thực sự được sống vui, sống khỏe. Trong đó, theo thạc sĩ Lê Chu Giang, Trưởng Phòng Bảo trợ xã hội Sở LĐ-TB-XH TPHCM, Nhà nước cần có những chính sách hỗ trợ người cao tuổi, như mở rộng đào tạo nhân viên công tác xã hội – chăm sóc người cao tuổi, đẩy mạnh hoạt động các tổ chức của người cao tuổi, chú trọng chăm sóc sức khỏe, cấp thẻ BHYT miễn phí cho người cao tuổi trong diện hộ nghèo, vận động xã hội chăm sóc và hỗ trợ tinh thần cho người cao tuổi…

Theo Người Lao Động

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.