Làm rõ cơ chế trách nhiệm quản lý

07/11/2010 02:07 GMT+7

Đồng ý về quan điểm cần có cơ chế đặc thù cho thủ đô phát triển tương xứng với vai trò, vị trí, nhiệm vụ được giao, song nhiều ĐBQH khi thảo luận tại tổ sáng 6.11 đều băn khoăn trước nhiều quy định nặng tính đòi hỏi cơ chế nhưng lại nhẹ phần trách nhiệm trong dự luật Thủ đô.

Tránh việc cứ khó quản thì tăng thu, tăng phạt

ĐB Ngô Thị Doãn Thanh (Hà Nội) cho rằng nếu không thu phí lưu thông trong nội thành Hà Nội (HN), để cho các phương tiện giao thông phát triển một cách tự do như hiện nay thì đến một thời điểm nào đó liệu chúng ta có thể di chuyển được nữa. Bà Thanh nêu dẫn chứng về nạn ách tắc giao thông: “Cách đây 5 năm, từ nhà tôi đến cơ quan chỉ mất khoảng 15 phút, nhưng hiện nay thì cũng với quãng đường đó, thời gian di chuyển của tôi đã mất tới 35-40 phút”, và kiến nghị “cần phải cho HN một hành lang pháp lý riêng để giải quyết vấn đề này”.

Phải có quy định chặt chẽ, xử lý nghiêm những vi phạm trong quản lý đô thị. Luật chả có điều khoản cụ thể nào quy định, chỉ quy định những đặc thù góp cho thủ đô mà không thấy trách nhiệm của thủ đô thế nào. Đặc thù nhưng chính quyền cũng phải chấp hành chứ không phải chỉ có người dân - ĐB Nguyễn Đức Hiền - Quảng Ngãi

ĐB Trần Thị Phương Hoa (Nam Định) góp ý: “Khách quốc tế đến VN ai cũng sợ giao thông HN, xử phạt cao hơn cũng là hợp lý để giảm vi phạm, hạn chế ùn tắc”. Nhưng ĐB này đặt vấn đề “xử phạt mức cao hơn như thế nào thì phải cân nhắc để quy định cho phù hợp”.

Phân tích về chính sách tài chính, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của QH Hà Văn Hiền (Hà Nội) cho rằng chỉ nên thực hiện trong một khoảng thời gian cụ thể chứ không nên kéo dài mãi. Về tăng mức xử phạt và mức phí, đại biểu Hiền lưu ý “phải tránh khuynh hướng cứ khó quản lý quá thì tăng thu và tăng xử phạt”.

ĐB Nguyễn Đức Hiền (Quảng Ngãi) đề nghị không nên quy định trong luật việc thu phí cao hơn các địa phương khác như đề xuất mà nên giao cho Chính phủ quy định. ĐB Hiền cho rằng những quy định trong dự luật Thủ đô còn “mờ nhạt bóng dáng trách nhiệm” xây dựng phát triển bảo vệ thủ đô của các cấp chính quyền và người dân, trong khi đó trách nhiệm, cơ chế quản lý đô thị ở thủ đô còn có vấn đề, không nghiêm. “Phải có quy định chặt chẽ, xử lý nghiêm những vi phạm trong quản lý đô thị. Luật chả có điều khoản cụ thể nào quy định, chỉ quy định những đặc thù góp cho thủ đô mà không thấy trách nhiệm của thủ đô thế nào. Đặc thù nhưng chính quyền cũng phải chấp hành chứ không phải chỉ có người dân. Việc phá vỡ quy hoạch, ví như nhà cấp phép xây 5 tầng nhưng đội lên hơn 20 tầng thì trách nhiệm của ai?”, ông Hiền bày tỏ.

Tăng quyền hạn phải tăng trách nhiệm

"Trong quá trình soạn thảo dự luật Thủ đô, chúng tôi đã tham khảo luật, quy định và hiệu quả triển khai Luật Thủ đô của nhiều nước trên thế giới. Quan điểm của chúng tôi là đặc thù về cơ chế, chính sách, quyền hạn phải đi liền với trách nhiệm; có quyền hơn các địa phương khác thì trách nhiệm với đất nước phải cao hơn.

Việc thu phí giao thông chỉ là một trong 8 giải pháp nhằm chống tình trạng tắc đường. Bên cạnh đó là cải thiện, nâng cấp cải tạo xây mới cơ sở hạ tầng giao thông; tăng cường các phương tiện giao thông công cộng hiện đại như tàu điện ngầm, đường sắt trên cao; hạn chế các phương tiện cá nhân...

Hạn chế việc nhập cư vào thành phố nói chung và những nơi có mật độ dân cư cao như các quận nội thành Hà Nội, nếu không có quy định mới thì sẽ không kiểm soát nổi. Điều kiện để nhập cư vào đô thị lõi cũng cần quy định cụ thể”.

(Ông Nguyễn Thế Thảo - Chủ tịch UBND TP Hà Nội)

Tuệ Nguyễn (ghi)

Tán thành quan điểm của Ủy ban Pháp luật khi thẩm tra dự luật, ĐB Nguyễn Hữu Đồng (Nam Định) đưa ra nhận xét tương tự ĐB Nguyễn Đức Hiền khi cho rằng “dự luật này đưa ra đòi hỏi mà chưa tạo được tầm nhìn theo đặc thù thủ đô của chúng ta. Đề nghị ban soạn thảo kết hợp với Ủy ban Pháp luật, TP Hà Nội xây dựng luật phải toát lên được trách nhiệm xây dựng thủ đô xứng tầm. Không nên vội để rồi thông qua. Không làm được đến nơi đến chốn, chính chúng ta có tội”.

Phải đảm bảo quyền tự do cư trú

Nhiều đại biểu bày tỏ lo ngại các quy định chung về cư trú của Luật Cư trú hiện nay khó vận dụng đối với khu vực nội thành của Hà Nội, bởi quá dễ dãi, để hậu quả lớn về xã hội như ùn tắc giao thông, hạ tầng đô thị nhếch nhác...

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục - Thanh niên - Thiếu niên và Nhi đồng của QH Đào Trọng Thi (Hà Nội) cho rằng việc quản lý dân cư của Hà Nội đòi hỏi phải đạt được hai yêu cầu: một mặt vẫn đảm bảo quyền tự do cư trú của công dân, nhưng mặt khác lại không làm cho quy mô, mật độ, cơ cấu dân cư của Hà Nội bị quá tải.

ĐB Nguyễn Đức Nhanh (Hà Nội) đề xuất: “Cần phải cho phép HĐND TP được quyền ban hành văn bản dưới luật, kèm theo các điều kiện về nhà ở, công việc…”. Trong khi đó, ĐB Phạm Phương Thảo (TP.HCM) băn khoăn: “Việc đặt thêm các điều kiện hạn chế cư trú ở khu vực nội đô có phù hợp quy định tại Điều 68 Hiến pháp hay không - công dân có quyền tự do đi lại và cư trú ở trong nước...”.

ĐB Nguyễn Tiến Dĩnh (Hà Nội) nhìn nhận việc giải quyết ách tắc giao thông, quá tải của Hà Nội ở khía cạnh khác và đề nghị: “Thành phố không nên tiếp tục cho xây dựng ồ ạt các tòa nhà cao tầng, các trung tâm thương mại ở nội thành để thu hút người dân đổ vào nữa. Vấn đề lớn hơn đặt ra là phải đầu tư phát triển khu vực nông thôn về điều kiện cơ sở hạ tầng, về công ăn việc làm để giảm sức ép cho đô thị, nếu không thì sẽ không hạn chế được tình trạng người dân ở các nơi dồn về thủ đô”.

ĐB Nguyễn Viết Thịnh (Hà Nội) cho rằng các quy định của dự luật mới tập trung vào giải quyết các vấn đề nội thành mà chưa tính đến ngoại thành. Theo ĐB Thịnh, điều quan trọng hơn ở đây là vấn đề quy hoạch, dự luật tính đến việc di dời các cơ sở y tế, trường học ra ngoại thành nhưng phải tính toán kỹ, di dời đến đâu là vừa, lộ trình ra sao?

Theo dự kiến ban đầu, Luật Thủ đô sẽ được thông qua trước Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Song vì để đảm bảo chất lượng nên QH quyết định lùi lại, trình ở kỳ họp này và sẽ thông qua tại kỳ họp thứ chín vào đầu năm 2011. 

Tuệ Nguyễn - Nguyệt Minh - Thành Lương

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.