Làm rõ quy định về công chức, viên chức y tế làm ngoài

16/07/2009 17:43 GMT+7

(TNO) Sáng nay 16.7, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) khóa XII đã khai mạc phiên họp thứ 21. Sau phát biểu của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng, UBTVQH đã nghe Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội báo cáo việc tiếp thu, chỉnh lý, xin ý kiến UBTVQH một số vấn đề lớn của dự án Luật khám chữa bệnh.

Luật khám chữa bệnh đã được các đại biểu quốc hội (ĐBQH) thảo luận tại kỳ họp thứ 5, với 185 lượt ý kiến. Về tên gọi của Luật, có hai loại ý kiến khác nhau, một là nhất trí với tên gọi như dự thảo là Luật khám chữa bệnh; ý kiến thứ hai đề nghị đổi tên thành Luật hành nghề y. Phân tích kỹ những thuận lợi và hạn chế của từng phương án, UB về các vấn đề xã hội thống nhất với Bộ Y tế trình cả hai phương án về tên của dự Luật để UBTVQH quyết định.

Về quy định cấp chứng chỉ hành nghề cho cán bộ y tế, một số ĐBQH nhất trí với quy định của dự thảo luật là định kỳ cấp lại chứng chỉ hành nghề 5 năm một lần, tuy nhiên cũng có một số ý kiến cho rằng, chỉ cấp chứng chỉ hành nghề 1 lần. Theo Thường trực UB về các vấn đề xã hội của QH, việc cấp lại chứng chỉ hành nghề 5 năm/1 lần có ưu điểm là thông qua việc định kỳ cấp lại chứng chỉ, có thể chuẩn hóa việc người hành nghề y phải đảm bảo các điều kiện về chuyên môn, giữ gìn y đức, cập nhật kiến thức trong từng thời gian nhất định và là động lực để cán bộ y tế khẳng định khả năng chuyên môn, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động khám chữa bệnh. Nhưng nếu cứ 5 năm cấp lại một lần sẽ gây tốn kém và phiền phức cho cả cơ quan quản lý nhà nước cũng như người hành nghề. Việc cấp chứng chỉ hành nghề 1 lần có ưu điểm là đơn giản, bớt tốn kém, thuận lợi cho cả cơ quan quản lý nhà nước và người hành nghề. Chủ nhiệm UB về các vấn đề xã hội của QH Trương Thị Mai cho biết, Thường trực UB này tán thành với phương án cấp chứng chỉ hành nghề đối với cán bộ y tế 1 lần, vì nó phù hợp với xu thế cải cách thủ tục hành chính.

Chiều nay 16.7, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) khóa XII đã thảo luận, đánh giá về kết quả kỳ họp thứ 5, QH khóa XII và cho ý kiến bước đầu về kỳ họp thứ 6, QH khóa XII. Theo Tờ trình của Văn phòng Quốc hội, kỳ họp thứ 6, QH khóa XII diễn ra khoảng 29 ngày (chưa kể ngày nghỉ), dự kiến khai mạc vào ngày 21.10 và bế mạc ngày 27.11.2009. Trong 29 ngày, QH sẽ dành 16 ngày để làm công tác xây dựng pháp luật. Tại kỳ họp này, QH sẽ thảo luận và thông qua 8 dự luật (Luật người cao tuổi, Luật khám chữa bệnh, Luật viễn thông…), cho ý kiến 12 dự án luật: Luật ngân hàng nhà nước Việt Nam (sửa đổi), Luật các tổ chức tín dụng (sửa đổi), Luật biển Việt Nam, Luật thuế nhà, đất, Luật con nuôi, Luật thi hành án dân sự… QH có 13 ngày để xem xét các vấn đề kinh tế - xã hội, giám sát và các vấn đề quan trọng khác.

Tại kỳ họp thứ 5, có 4 loại ý kiến khác nhau về thẩm quyền cấp chứng chỉ và giá trị của chứng chỉ hành nghề. Có 16 ý kiến đề nghị Bộ Y tế chỉ quy định tiêu chuẩn quốc gia và chịu trách nhiệm thanh tra, kiểm tra việc cấp chứng chỉ, còn Sở Y tế cấp cho tất cả cán bộ y tế trên địa bàn và chứng chỉ có giá trị trên toàn quốc.

Loại ý kiến thứ hai đề xuất, Bộ trưởng Y tế cấp cho cán bộ y tế ở cơ sở y tế do Bộ quản lý và cá nhân người nước ngoài hành nghề KCB tại Việt Nam, Giám đốc Sở Y tế cấp cho cán bộ y tế thuộc phạm vi quản lý của Sở và chứng chỉ có giá trị trên toàn quốc…

Một số ĐB khác lại hiến kế, Bộ trưởng Bộ Y tế cấp cho người hành nghề là bác sĩ, Giám đốc Sở Y tế cấp cho y sĩ, y tá. Bà Trương Thị Mai cho biết, Thường trực UB về các vấn đề xã hội thống nhất đề nghị UBTVQH tiếp thu loại ý kiến thứ hai, đồng thời bổ sung một số quy định mang tính nguyên tắc về Hội đồng. “Theo loại ý kiến thứ hai thì ưu điểm là phù hợp với phân cấp quản lý, cơ quan có thẩm quyền cấp chứng chỉ biết rõ về cán bộ y tế thuộc sự quản lý của mình” - Chủ nhiệm Trương Thị Mai nhấn mạnh.

Cũng như cấp chứng chỉ hành nghề y cho cán bộ y tế, ở kỳ họp thứ 5, một số ĐBQH đề nghị chỉ nên quy định cấp giấy phép hoạt động một lần cho các cơ sở KCB và tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra của cơ quan quản lý nhà nước sau khi cấp. “Thường trực UB về các vấn đề xã hội nhất trí với loại ý kiến này” - bà Trương Thị Mai cho biết. “Việc định kỳ đổi hoặc cấp lại giấy phép, nếu chỉ là thủ tục hành chính thì sẽ có ít tác dụng trong việc nâng cao chất lượng KCB, mà chỉ mang tính hình thức và tăng gánh nặng công việc, tăng bộ máy, tăng ngân sách cho y tế” - Thường trực UB về các vấn đề xã hội làm rõ.

Có hai loại ý kiến về công chức, viên chức y tế hành nghề KCB tư nhân. Loại ý kiến thứ nhất đề nghị quy định theo hướng cho phép cán bộ, công chức, viên chức làm việc ngoài giờ, nhưng không được thành lập, tham gia quản lý điều hành đối với tất cả các loại cơ sở KCB tư nhân, tuy nhiên cần quy định lộ trình phù hợp. Loại ý kiến thứ hai đồng ý với quy định của dự thảo Luật, cho phép công chức, viên chức y tế làm ngoài giờ, thành lập các loại cơ sở KCB tư nhân nhưng không được thành lập, tham gia thành lập và quản lý bệnh viện tư nhân.

Theo Chủ nhiệm UB về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai, Thường trực UB này và Bộ Y tế thống nhất trước mắt để phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam nên dung hòa 2 loại ý kiến. Theo đó cho phép tiếp thu loại ý kiến thứ hai và đồng thời phải định hướng lộ trình tiến tới việc hành nghề KCB công, tư rõ ràng từ năm 2020. “Sở dĩ chọn thời điểm năm 2020 là vì trong những năm qua, Chính phủ đã và đang nỗ lực tăng cường ngân sách nhà nước và khuyến khích xã hội hóa việc đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cũng như đào tạo cán bộ y tế, đến thời điểm đó áp lực về cơ sở vật chất và cán bộ y tế sẽ không còn bức xúc như hiện nay, do đó sẽ có điều kiện để thực hiện việc phân định rõ hành nghề KCB công và tư” - bà Trương Thị Mai giải thích.

Xuân Toàn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.