Làm sao để ăn tết mà không bị phát phì?

28/01/2017 15:23 GMT+7

Bữa ăn giàu đạm, 'quên' rau xanh; cơ thể được nghỉ ngơi thoải mái... khiến bạn dễ tăng cân sau kỳ nghỉ.

Năng lượng rỗng
Chia sẻ về những yếu tố gây tăng cân sau dịp lễ tết, Phó giáo sư - tiến sĩ Lê Thị Bạch Mai, Phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia cho hay một số loại đồ uống như rượu, bia, nước ngọt cung cấp năng lượng rỗng, không có các chất bổ, vi chất nhưng lại thúc đẩy tích lũy tạo mỡ trong cơ thể, không có lợi cho sức khỏe. 1 lon nước ngọt cỡ 330 ml chứa từ 32 - 40 gr đường. Lượng đường đó cao hơn hẳn so với khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới: một người bình thường chỉ nên tiếp nhận dưới 5% năng lượng đến từ đường, tương đương với khoảng 25 gr đường mỗi ngày.
Thêm vào đó là các món ngọt khác như kẹo bánh cũng là nguồn cung cấp đường dồi dào. “Tăng “liều” đường như vậy rất dễ dàng khiến bạn tích mỡ trắng, tăng cân”, Phó giáo sư - tiến sĩ Bạch Mai lưu ý.

“Quá tải” thịt
Các chuyên gia dinh dưỡng nhận xét, điển hình ẩm thực ngày tết là bữa ăn giàu đạm, béo, món nào cũng thấy hiện diện của đạm động vật (thịt) như: giò, chả, gà, thịt đông, canh măng, bánh chưng... Còn món rất cần cho cơ thể là rau xanh thì dễ bị bỏ quên. Thực đơn đó rất bất lợi cho sức khỏe. “Để tránh tiêu thụ thịt quá mức, nên ăn “độn” thêm dưa góp, dưa chuột, rau sống. Nhưng lưu ý, một số loại dưa nén, hành muối có đậm độ muối, mặn nhiều nên người huyết áp cao phải cẩn thận”, Phó giáo sư - tiến sĩ Bạch Mai nói.
Với bánh chưng, chuyên gia dinh dưỡng chia sẻ, chỉ một góc bánh thôi thì năng lượng cung cấp đã tương đương một bát cơm. Ăn bánh chưng mau đói hơn so với ăn cơm, do nếp của bánh chưng đã được nấu nhừ. Ngoài ra, bánh chưng có lượng bột cao bởi nếp được gói chặt tay, nén kỹ. Do đó, nếu ăn một miếng bánh chưng cần giảm đi một bát cơm để tránh dư năng lượng. Đồng thời cùng với bánh chưng nên ăn thêm các món dưa góp từ su hào hay dưa chuột để tăng khẩu phần rau. Việc này tạo hấp thu bột đường trong bánh chưng từ từ hơn, giảm chỉ số đường huyết, rất quan trọng với người mắc đái tháo đường.

Có bệnh mạn tính, càng cẩn thận
Phó giáo sư - tiến sĩ Bạch Mai cho rằng người có bệnh gout nên cẩn thận với món thịt đông, bởi phần nhũ đông óng ánh như thạch, rất ngon mắt, ngon miệng có chứa nhiều chất kiềm purin. Khi vào cơ thể, chất này dễ chuyển hóa thành a xít uric, tạo thành các tinh thể urat lắng đọng trong các khớp khiến cho bệnh gout nặng hơn.
Ngoài ra, với những bữa ăn “đậm” thịt (protein), quả thận sẽ phải làm việc nặng nhọc hơn vì đạm được chuyển hóa, thanh lọc, thải trừ qua thận. Do đó, nếu quá mức đạm cũng đe dọa sức khỏe thận. Đặc biệt, với người suy giảm chức năng thận thì kiểm soát đạm đưa vào cơ thể rất cần được chú trọng.
“Đạm động vật tiêu thụ cao còn làm tăng đào thải can xi. Khẩu phần ăn của chúng ta vốn đã nghèo can xi, thường chỉ đáp ứng khoảng 60 - 70% nhu cầu, làm cho cơ thể bị mất can xi qua nước tiểu. Những người bị loãng xương, mắc bệnh cơ xương khớp rất cần lưu ý với bữa ăn quá nhiều đạm động vật”, Phó giáo sư -tiến sĩ Bạch Mai lưu ý.

Ngày thường cũng như lễ tết, cần sử dụng rau xanh với lượng tiêu thụ nên đạt trung bình 400 gr/người/ngày. Cùng với đó, các loại quả tốt cho sức khỏe, cung cấp vitamin, chất xơ... nên lựa chọn sử dụng như bưởi, cam, quýt, thanh long... Đừng quên uống đủ nước mỗi ngày với 2 - 2,5 lít nước lọc.
Chuyên gia dinh dưỡng lưu ý thêm, các loại hạt chứa dầu như lạc, đậu tương, hướng dương, điều, dẻ cười... góp phần tăng cân đáng kể. Thí dụ, 100 gr lạc cung cấp năng lượng tương đương một bát cơm đầy. Do đó, một số hạt “ăn vui” ngày tết cũng nạp vào cơ thể mức năng lượng không nhỏ, ăn nhiều hạt thì bớt ăn những thứ khác.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.