Làm sao để phụ nữ ở TP.HCM không còn 'lười' sinh con?

Duy Tính
Duy Tính
27/11/2019 11:33 GMT+7

Đề xuất miễn giảm toàn bộ viện phí trong lần sinh thứ 2, hỗ trợ vay, mua hoặc thuê nhà xã hội đối với các cặp vợ chồng sinh đủ 2 con... là những giải pháp để phụ nữ ở TP.HCM không còn lười sinh con.

Tại Hội thảo chuyên đề “Vấn đề mức sinh thấp tại TP.HCM, thực trạng, nguyên nhân và giải pháp” diễn ra vào ngày 26.11, các nhà khoa học đánh giá tình trạng "lười" sinh con ở TP.HCM hiện nay là đáng báo động và cần có giải pháp ngay, nếu không 20 - 30 năm sau TP.HCM sẽ phải đối mặt với cơ cấu dân số già, thiếu hụt lao động như nhiều nước trên thế giới.

Lựa chọn có con hay công việc, hưởng thụ?

Nguyên nhân mức sinh tại TP.HCM giảm được các nhà khoa học cho là do áp lực kinh tế, bình đẳng giới, phá thai, vô sinh, thích hưởng thụ… khiến phụ nữ ở TP.HCM 'lười sinh con', dân số tại TP.HCM ngày càng giảm.

Tạo điều kiện để các cặp vợ chồng sinh con, nuôi dưỡng tốt

ẢNH: DUY TÍNH

Theo TS.BS Ngô Thị Thùy Dung, Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch TP.HCM, đa số phụ nữ muốn có cả công việc và con cái. Tuy nhiên, khi buộc phải lựa chọn, thường họ sẽ bỏ qua việc làm mẹ, hoặc lựa chọn chỉ có 1 người con.
Đối với những người phụ nữ có trình độ học vấn cao và có cơ hội làm việc, thăng tiến thì việc sinh con và nuôi con làm giảm cơ hội của họ do một phầm giảm công tác, hoặc rút lui tạm thời hoặc vĩnh viễn rời khỏi công việc. Đây là những lựa chọn bất lợi và thúc đẩy họ ít hướng tới việc có con.
Một nghiên cứu của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM cũng chỉ rõ mục đích của hôn nhân ở các bạn trẻ, ưu tiên số 1 là cần có người để chia sẻ cuộc sống, tiếp đến mới hướng đến việc sinh sản duy trì nòi giống và thỏa mãn chuẩn mực xã hội…

Theo bà Phạm Thị Mỹ Lệ, Phó Chi cục trưởng Chi cục dân số - kế hoạch hóa gia đình TP.HCM, việc sinh con không chỉ còn là chuyện riêng của mỗi gia đình mà là sự tồn vong của một quốc gia. Việc sinh đẻ phù hợp, đảm bảo mức sinh hợp lý sẽ kéo dài được thời kỳ cơ cấu dân số vàng, làm chậm lại quá trình già hóa dân tại TP.HCM.

Theo nghiên cứu của bác sĩ Trương Trọng Hoàng, giảng viên Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch TP.HCM, cả nam và nữ đều có những nguyên nhân không muốn có con. Ở nữ là tâm lý phản kháng đối với các tập quán truyền thống và muốn có một cuộc sống tự do; mong muốn thăng tiến trong nghề nghiệp; lo lắng về điều kiện kinh tế gia đình khó khăn; không lo khi về già phải phụ thuộc kinh tế vào con cái; sợ xấu; sợ đau và tai biến khi sinh, sau sinh. Còn ở nam giới sợ gánh nặng gia đình, con cái; lo lắng về điều kiện kinh tế gia đình khó khăn; sợ phải chia sẻ việc chăm con với vợ khi nhiều con.

Giải pháp nào để giải quyết "mức sinh thấp"?

Ở góc độ quản lý nhà nước, bác sĩ Nguyễn Hữu Hưng, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho rằng nếu không có chính sách thay đổi và không khuyến khích sinh thì rất khó tăng sinh. "Điều lo lắng là khi mức sinh đã xuống thấp thì dù được khuyến sinh nhiều nhưng kinh nghiệm nhiều nước cho thấy không tăng lên được nên lãnh đạo TP.HCM rất lo”, bác sĩ Hưng nói.
TS.BS Lê Trường Giang, Chủ tịch Hội Y tế công cộng TP.HCM, cho rằng hình ảnh nước Nhật hôm nay là hình ảnh của Việt Nam 20 - 30 năm sau, nhưng Việt Nam hiện đã nhìn ra được vấn đề. Người dân Việt Nam mới chuyển sang trạng thái nghỉ sinh, nhưng tâm lý xã hội vẫn còn khuyến khích sinh. Do vậy, trong giai đoạn này cần phải đẩy mạnh khuyến sinh.
"Và không bàn nữa mà phải hành động ngay. Đó là hãy để cho mỗi cặp vợ chồng tự quyết định số con của mình và khuyến khích sinh. Hiện nay đang cấm cán bộ, công chức, bác sĩ, tiến sĩ, kỹ sư sinh con thứ 3 thì bị… “xử lý”, mặc dù họ có đủ sức nuôi. Trong khi người không có điều kiện nuôi con muốn sinh bao nhiêu thì sinh thì chất lượng dân số ở đâu? Hãy mạnh dạn làm trước khi quá trễ!", TS.BS Lê Trường Giang cho biết.

Mạnh dạn cho người có điều kiện tự quyết định số con

ẢNH: DUY TÍNH

Theo bà Phạm Thị Mỹ Lệ, Phó chi cục trưởng Chi cục dân số - kế hoạch hóa gia đình TP.HCM, nội dung cần ưu tiên thực hiện được ngay là Sở Y tế, cơ quan trực tiếp tham mưu UBND trình HĐND TP.HCM, ban hành nghị quyết về chính sách dân số và phát triển tại TP.HCM giai đoạn 2021 - 2025, qua đó quy định một số chính sách.
Cụ thể là trợ miễn, giảm toàn bộ chi phí viện phí trong lần sinh con thứ 2 đối với các trường hợp có hộ khẩu thường trú tại TP.HCM. 
Cung cấp các gói ưu tiên hỗ trợ vay, mua hoặc thuê nhà xã hội đối với các cặp vợ chồng đã sinh đủ 2 con có hộ khẩu thường trú tại TP.HCM.
Miễn, giảm chi phí giáo dục cho trẻ em dưới 10 tuổi (ngoài hỗ trợ về định mức học phí của TP.HCM, đề xuất bổ sung phần chỉ phí bán trú, ăn trưa cho học sinh); triển khai chương trình sữa học đường.
Tăng cường công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng để vận động người dân TP.HCM thực hiện thông điệp “mỗi gia đình nên sinh đủ 2 con” nhằm duy trì mức sinh hợp lý mang lại lợi ích cho gia đình và xã hội.
Ngoài ra, lãnh đạo Chi cục Dân số - kế hoạch hóa gia đình TP.HCM cũng sẽ kiến nghị Bộ Y tế, Tổng Cục dân số - kế hoach hóa gia đình tham mưu cấp thẩm quyền trong triển khai thực hiện các nhóm giải pháp về cơ chế, chính sách; tăng cường trách nhiệm xã hội đối với việc sinh và chăm sóc trẻ, đẩy mạnh bình đẳng giới, nâng cao khả năng cân bằng của phụ nữ trong công việc và gia đình.
Theo bà Lệ, nhóm giải pháp này cần được quan tâm triển khai đồng bộ trên 6 quan điểm đối với người phụ nữ mang thai và sinh con bao gồm: Tăng cường hỗ trợ chế độ thai sản cho mẹ, đặc biệt là tài chính; khủng hoảng sức khỏe của phụ nữ sau sinh cần được nhìn nhận là vấn đề để họ có thể nhận được sự chăm sóc phù hợp; hỗ trợ chăm sóc tinh thần cho phụ nữ sau sinh; yêu cầu hỗ trợ những người mẹ đang nuôi con bằng sữa mẹ. Người mẹ có quyền yêu cầu dịch vụ chăm sóc khỏe phù hợp; yêu cầu thay đổi phông văn hóa, xóa bỏ những định kiến và kỳ vọng từ xã hội có thể gây áp lực cho họ. Có như vậy, chuyện phụ nữ "lười" sinh con mới có thể được khắc phục.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.