Làm vệ sĩ dễ như chơi - Bài 3: Vừa trực vừa… run

15/09/2010 00:20 GMT+7

Do không được đào tạo nghiệp vụ trước khi đưa ra bảo vệ mục tiêu, các vệ sĩ không hề biết phải xử lý tình huống ra sao khi "hữu sự"; thậm chí nhiều "lính mới tò te" vừa trực bảo vệ mục tiêu vừa... lo bị kẻ gian trấn áp!

Hát... đuổi kẻ gian!

Được Công ty Tây Bình Tây Sơn tiếp nhận làm việc và được cấp một thẻ nhân viên, ngày hôm sau tôi được đội trưởng Đồng "đẩy" làm ca đêm cùng với 2 bảo vệ khác là Trương Văn Quý và Bùi Thanh Hào. Giữa đêm khuya thanh vắng với khối tài sản khổng lồ của Công ty Daewoong nhưng cả 3 chúng tôi không hề có một công cụ hỗ trợ cũng như nghiệp vụ bảo vệ để đề phòng bất trắc. Đêm càng về khuya càng lạnh lẽo, thỉnh thoảng tiếng thét cùng tiếng động cơ xe gắn máy của dân chơi đêm gầm rú ngoài hương lộ 80 khiến tôi giật mình, lạnh xương sống. Trong suốt ca trực, trong đầu tôi luôn lởn vởn ý nghĩ chẳng may có nhóm côn đồ nào đột nhập công ty khống chế 3 bảo vệ chúng tôi thì... chết chắc, vì cả 3 không có chút nghiệp vụ nào.

"Ớn lạnh" nhất là khi tôi vào ca đêm trong Xí nghiệp Đầu máy Sài Gòn do Công ty Nam Hải Sơn cử đến. Một không gian rộng lớn, cỏ dại mọc um tùm, đêm lạnh lẽo hoang vắng không một bóng người. Ở vòng ngoài của xí nghiệp có bảo vệ của xí nghiệp riêng, những bảo vệ như chúng tôi là bảo vệ vòng trong. Phương tiện được trang bị là một đèn pin và một bộ đàm được nối máy với bảo vệ của xí nghiệp, để nếu có trộm đột nhập thì... gọi để bảo vệ của xí nghiệp hỗ trợ.

Trước khi vào ca, tổ trưởng Hưởng chỉ giao cho tôi đèn pin và chỉ đạo tôi phải đi tuần thường xuyên, còn bộ đàm ông Hưởng giữ rồi để... ngủ. Cầm chiếc đèn pin không được sáng lắm vì pin không còn đầy, tôi đi tuần tra mà lòng hồi hộp, hơi lạnh chạy dọc sống lưng khi nghe những tiếng động lớn bất chợt vọng vào từ hướng kênh Nhiêu Lộc. Để tự trấn an, thỉnh thoảng tôi lại hát rống lên vài câu vu vơ, nhằm làm kẻ gian nếu có đột nhập nghe tiếng "vệ sĩ" mà... bỏ chạy. Đến khoảng 3 giờ sáng, do quá mệt tôi nằm ngả lưng nhưng bị muỗi tấn công và không được yên vì liên tục giật mình thon thót bởi tiếng loảng xoảng, tiếng cửa nhà xưởng ầm ầm, tiếng tôn kêu cót két, tiếng xào xạc cỏ dại mỗi khi có những cơn gió thổi vào...

"Có được học gì đâu"

Khi đi ngang một ngân hàng lớn trên đường Kỳ Đồng (Q.3), thấy 3 bảo vệ trong trang phục một công ty tôi đang "phục vụ", trong trang phục bảo vệ của công ty này, tôi đến lân la hỏi chuyện xem họ có được đào tạo nghiệp vụ gì hay không thì tổ trưởng Hồ Vũ Phương nói thẳng: "Em vào làm bảo vệ cả năm nay nhưng công ty nhận hồ sơ là điều đi làm, có được học nghiệp vụ gì đâu. Chủ yếu người cũ dạy người mới. Mỗi lần họ nhận 1, 2 người thì dạy cái gì". Cùng ca trực với Phương, bảo vệ Nguyễn Thanh Tú cũng cho biết tương tự như vậy. Tôi hỏi nếu có tình huống bất trắc thì xử lý ra sao, Phương gãi đầu: "Đã có tình huống gì đâu mà biết".


Tác giả đi tuần ở Xí nghiệp Đầu máy Sài Gòn rạng sáng 3.9 - Ảnh: C.T.V

Trong một ngày làm bảo vệ tòa nhà lớn trên đường Trương Định, mặc dù tòa nhà này rất cần bảo vệ có kinh nghiệm, nghiệp vụ chuyên nghiệp bởi không chỉ tài sản mà còn có nhiều người nước ngoài ở nhiều quốc gia như Mỹ, Hàn Quốc, Thái Lan... sinh sống, hơn nữa tòa nhà còn có các thiết bị như PCCC, điện... nhưng bảo vệ tên Trung cho biết anh vào làm cho công ty 6 tháng và "vào hôm trước là hôm sau được điều đi làm ngay, cho đến bây giờ cũng chưa được công ty đào tạo bất cứ nghiệp vụ gì".

Sau đó, Trung chỉ cho tôi cách sử dụng sơ qua công cụ hỗ trợ là gậy sắt, được công ty cấp để đề phòng bất trắc. "Mới đầu tôi đâu biết sử dụng, sau được anh em đi trước chỉ nên mới biết", Trung thật thà nói.

Bi kịch đòi lương

Trong quá trình cầm hồ sơ lang thang xin làm... vệ sĩ, tôi đi trên quốc lộ 22 thấy trước cửa Công ty bảo vệ - vệ sĩ Đại Long Hổ (thuộc xã Trung Chánh, H.Hóc Môn) có rất nhiều người đứng ở phía ngoài cửa công ty la lớn, trong khi cửa công ty thì khóa trái, biển tuyển dụng vẫn treo lớn bên ngoài.

Hỏi chuyện, những bảo vệ ở đây cho biết họ bị nợ người ít cũng 2 tháng người nhiều thì 4 tháng. Chị Trần Thị Huyền Trang, người ngồi ở bàn trực ban công ty, bức xúc: "Em được công ty nhận vào đi bảo vệ mục tiêu, sau đó thì được điều về ngồi trực ban ở công ty. Vậy mà đã 1 tháng ngoài việc nợ tiền lương gần 2 triệu em còn bỏ ra gần một triệu đồng tiền mua văn phòng phẩm cho công ty nhưng cũng không được thanh toán đồng nào. Lúc tìm giám đốc để đòi tiền lương thì giám đốc lánh mặt, điện thoại thì tắt máy, chán quá em và mọi người cùng làm văn phòng bỏ luôn, không làm nữa".

Ngoài chị Trang còn có chị Đào cùng anh trai chị Đào bức xúc: "Tôi vào làm được 2 tháng, công ty cho ứng có 300 ngàn sau đó là im luôn. Tổng cộng công ty còn nợ tôi 4 triệu đồng tiền lương, nhưng tôi đến đòi thì công ty đóng cửa. Chị của tôi là Trần Thị Hồng Phượng cũng bị công ty nợ 5 triệu đồng. Từ khi công ty này đổi tên thành Đại Long Hổ, tôi và mọi người đến đòi tiền lương nhưng công ty toàn đóng cửa, giờ chúng tôi không biết tìm ai để đòi".

Khi hỏi những bảo vệ đi đòi tiền lương, họ cũng đều cho biết "không hề được đào tạo nghiệp vụ gì". Thảo nào, ngay quyền lợi sát sườn của chính mình họ còn không bảo vệ được, nói gì đến đi bảo vệ... mục tiêu!

Hoài Nam

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.