Làm vệ sĩ dễ như chơi - Bài 4: Hệ quả tất yếu từ "đầu vào dễ dãi"

16/09/2010 02:33 GMT+7

Từ thực tế PV Thanh Niên đi làm vệ sĩ cho thấy việc tuyển dụng, đào tạo vệ sĩ của không ít công ty kinh doanh dịch vụ bảo vệ (CTBV) quá cẩu thả. Chính sự cẩu thả này dẫn đến những hậu quả khôn lường cho xã hội và cho chính CTBV.

Vệ sĩ thành... kẻ trộm

Công ty N. (Q.12, TP.HCM, 100% vốn nước ngoài) là nơi bị vệ sĩ mình thuê trộm tài sản nhiều nhất. Một thành viên của công ty này kể từng ký hợp đồng với một số CTBV thuê vệ sĩ làm bảo vệ nhưng ít nhất đã ba lần bị tai bay vạ gió vì vệ sĩ biến thành đạo chích chôm hàng của đơn vị. Lúc thì vệ sĩ của công ty H.G, lúc là vệ sĩ của công ty Đ.D... “Thủ đoạn của những nhóm vệ sĩ này không khác gì nhau là cấu kết với nhân viên trong công ty, có khi cấu kết cả với những tội phạm chuyên nghiệp bên ngoài, đột nhập vào kho thành phẩm trộm hàng hóa là mặt hàng quần áo tuồn ra ngoài bán rẻ, lấy tiền chia nhau mỗi lần từ vài triệu đồng đến vài chục triệu đồng. Trong khi đó, thiệt hại do thất thoát tài sản qua những lần bị vệ sĩ trộm được xác định đã lên đến gần cả tỉ đồng”, vị này lắc đầu ngao ngán.

Tương tự, trước đó một công ty bảo vệ ở Q.Tân Bình theo hợp đồng đưa 4 bảo vệ gồm Vũ Tiến Phát (21 tuổi), Phạm Văn Hiền (19 tuổi), Huỳnh Văn Tuấn (32 tuổi, cả ba ngụ Q.Bình Thạnh) và Trần Ngọc Thảo (23 tuổi, ngụ Q.2) đến bảo vệ tài sản cho một công trình cao ốc đang thi công bên đường Nguyễn Hữu Cảnh (Q.Bình Thạnh). Thấy có bảo vệ, chỉ huy công trường yên tâm sẽ tránh bị mất trộm, nào ngờ chính 4 bảo vệ này móc nối nhau lấy trộm 200m dây cáp điện trị giá 100 triệu đồng đem bán... Vừa qua, Công an Q.7 cũng bắt giữ 2 bảo vệ vô hiệu hóa camera của một công ty chuyên sản xuất thiết bị cho máy may công nghiệp tại KCX Tân Thuận (Q.7) để lấy trộm thiết bị thành phẩm trị giá hàng trăm triệu đồng mang đi bán...

Trường hợp khác, ngày 31.5, TAND TP.HCM tuyên phạt 9 vệ sĩ của CTBV Tây Bình - Tây Sơn, gồm Bùi Văn Tân, Trần Văn Mạnh, Nguyễn Trọng Sửu (25 tuổi), Lê Đức Thái... từ 3 đến 13 năm tù về tội "trộm cắp tài sản". Các vệ sĩ này được công ty H.S (tọa lạc KCN Hiệp Phước - Nhà Bè) thuê bảo vệ kho hàng. Thay vì canh gác bảo vệ, các vệ sĩ này lại trèo qua lỗ thông gió trong nhà vệ sinh vào kho lấy trộm các co đồng rồi thuê xe taxi chở đem bán phế liệu. Sau đó, các vệ sĩ này còn ngang nhiên thuê thợ sửa khóa đến làm thêm một chìa khóa mở cửa kho, thuê cả xe tải đến kho chở hàng đem bán lấy tiền chia nhau. Chỉ từ tháng 4 - 10.2007, tổ vệ sĩ này đã thực hiện trót lọt 11 vụ trộm, chiếm đoạt hơn 1,2 tỉ đồng. Đến khi công ty H.S tiến hành kiểm tra kho phát hiện nhiều hàng hóa biến mất, đi trình báo công an điều tra mới vạch mặt được các vệ sĩ đạo chích này. Tại tòa, Tân (đội trưởng đội bảo vệ) cho biết việc tuyển dụng vào làm bảo vệ khá dễ dãi, nên sau ít ngày nhận nhiệm vụ thấy trong kho có nhiều hàng hóa liền nảy sinh ý định trộm cắp để có tiền tiêu xài...

Lừa đảo, bắt cóc, giết người

Vụ án liên quan đến giới vệ sĩ ở TP.HCM gây chấn động dư luận nhất là vụ ông Nguyễn Thành Trung (nguyên Tổng giám đốc Công ty cổ phần dịch vụ bảo vệ Tây Bình - Tây Sơn ở Q.Tân Bình) bị bắt vào năm 2008, do liên quan đến việc lừa đảo chiếm đoạt hàng chục tỉ đồng. Qua vụ việc này cho thấy kể cả người "cầm trịch" như ông Trung cũng bất chấp pháp luật, huống gì lực lượng bảo vệ tay ngang, chưa qua lớp đào tạo như hiện nay đang được các CTBV tiếp nhận “ào ạt” vào làm việc, để xảy ra không ít vụ việc khiến dư luận bức xúc... Và việc bảo vệ của Công ty TNHH MTV bảo vệ Thành Công, bảo vệ cho quán cơm Minh Đức, đánh người mới đây (30.7.2010) thực chất chỉ là giọt nước tràn ly.

 

Bảo vệ bắt cóc tống tiền bị Công an Q.Tân Bình bắt giữ - Ảnh: Đ.H

 Năm 2006, TAND TP.HCM từng đưa ra xét xử vụ án bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản do hai vệ sĩ thực hiện. Được phân công bảo vệ tính mạng, tài sản cho mọi người nhưng các vệ sĩ này lại đi bắt cóc trẻ em, tống tiền để rồi nhận lấy hàng chục năm tù. Tại tòa, hai bị cáo Phạm Ngọc Dinh và Danh Thị Ngọc Diệu (vệ sĩ thuộc Công ty bảo vệ Yuki Sepre 24) khai được phân công bảo vệ tòa nhà Diamond Plaza (Q.1, TP.HCM). Trong thời gian làm việc ở đây, Dinh thấy chị Nguyễn Thị T.T (lúc đó là Giám đốc điều hành kinh doanh một siêu thị tại tầng 3 của tòa nhà Diamond Plaza) có vẻ giàu có nên lên kế hoạch bắt cóc con chị T. đòi 100.000 USD tiền chuộc. Trước tòa, Dinh đổ lỗi cho nghề bảo vệ thu nhập thấp, chỉ có 1,3 triệu đồng/tháng, vì muốn có một số tiền làm đám cưới với Diệu và cần tiền để "chạy" đi xuất khẩu lao động tại Singapore, nên làm liều...

Tiếp xúc với một số CTBV, được biết do nhu cầu xã hội đối với lực lượng vệ sĩ chuyên nghiệp ngày càng tăng nên nhiều công ty chạy theo số lượng, tuyển dụng tràn lan, bỏ quên nhiệm vụ đào tạo dẫn đến chất lượng vệ sĩ đã đến lúc cần phải chấn chỉnh. Một vụ án khác gần đây gióng lên hồi chuông báo động về đạo đức vệ sĩ. Tối 20.6, hai anh Nguyễn Văn Thành (38 tuổi) và Nguyễn Văn Hồng (44 tuổi, đều ngụ Q.6) ngồi nhậu cùng một số người bạn tại quán ăn Thời Gian nằm bên tỉnh lộ 10, phường Bình Trị Đông, Q.Bình Tân thì xảy ra cự cãi, đánh nhau với một nhóm thanh niên ngồi bên cạnh. Thấy vậy, Nguyễn Văn Tuấn (22 tuổi, quê Thái Bình, là nhân viên của Công ty bảo vệ Kim Sơn) vào can ngăn nhưng lại gây gổ với nhóm anh Thành, Hồng. Trong lúc giằng co, Tuấn rút dao thủ sẵn trong người đâm anh Thành một nhát chí mạng khiến nạn nhân gục tại chỗ.

Tuyển dụng dễ dãi, thiếu các bước đào tạo cần thiết để trở thành một vệ sĩ chuyên nghiệp đúng nghĩa, để rồi những vệ sĩ chân ướt chân ráo, thiếu đạo đức đã dễ dàng sa ngã bởi cám dỗ của đồng tiền, dễ dàng vi phạm pháp luật khi "cái đầu nóng"... Tất nhiên, cái giá phải trả cho hành vi vi phạm pháp luật họ phải gánh, nhưng các CTBV cũng bị mất uy tín và mang vạ đền bù thiệt hại cho đối tác. Để xảy ra tình trạng này ngoài trách nhiệm của các CTBV, còn có phần trách nhiệm của các cơ quan quản lý khi buông lỏng công tác thanh kiểm tra, vô tình tạo điều kiện cho các CTBV làm ăn không chân chính làm ăn chụp giựt...

Lê Nga - Đàm Huy

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.