Làm vệ sĩ dễ như chơi: Cơ quan chức năng cũng khó quản!

17/09/2010 02:46 GMT+7

Kinh doanh dịch vụ bảo vệ là một nghề đặc biệt. Các cơ quan chức năng, đặc biệt là ngành công an là đơn vị cấp phép và quản lý. Tuy nhiên, việc quản lý chủ yếu cũng chỉ về mặt hình thức, hành chính. Còn về đào tạo, tuyển dụng thì các công ty bảo vệ tự lo lấy nên chất lượng vệ sĩ ngày càng xuống cấp.

Chất lượng bị thả nổi!

Trong sự phát triển chung hiện nay, dịch vụ bảo vệ là một nhu cầu có thực của xã hội. Từ đó, nhiều doanh nghiệp tham gia kinh doanh loại hình dịch vụ đặc biệt này và cạnh tranh với nhau quyết liệt. Để giành được những hợp đồng bảo vệ, nhiều công ty bảo vệ đã tìm đủ mọi cách, trong đó giảm giá, giảm chất lượng dịch vụ. Hệ lụy của nó là ngày càng có nhiều vụ hành hung khách hàng, như vụ quán cơm Minh Đức, dẫn đến những hành vi vi phạm pháp luật của các nhân viên bảo vệ, ảnh hưởng không nhỏ tới hình ảnh của các công ty bảo vệ làm ăn chân chính.

Thực tế cho thấy, một trong những nguyên nhân chính để xảy ra những vụ việc không thể chấp nhận như trên là do chất lượng dịch vụ bảo vệ đang bị thả nổi. Để giành được những hợp đồng với giá rẻ bèo, trong khi lượng nhân viên bảo vệ lại không đủ đáp ứng, nên không ít công ty đã tự hạ tiêu chuẩn tuyển dụng, tuyển dụng tràn lan và không hề đào tạo nhân viên một cách bài bản về chuyên môn, nghiệp vụ đúng theo quy định.

Những công ty mà chúng tôi đã thâm nhập, họ, sau khi nhận người, đã điều ngay tới nhận mục tiêu để vừa làm vừa học việc. Thậm chí, nhiều công ty bảo vệ còn lợi dụng nhu cầu tìm việc của người lao động mà o ép, không hề ký hợp đồng lao động, đóng bảo hiểm... gây thiệt hại cho người lao động.

Theo một cán bộ Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (PC64), Công an TP.HCM, đi kèm với việc thả nổi chất lượng như trên, nhiều công ty kinh doanh dịch vụ bảo vệ còn dùng nhiều chiêu để giành hợp đồng như: hạ giá dịch vụ, trang bị đồng phục cho nhân viên thật bắt mắt, quảng cáo dịch vụ khá xôm tụ bằng nhiều chiêu thức khác nhau hòng kéo khách. Có một thực tế khác đang diễn ra là các công ty bảo vệ “giành giật” bảo vệ của nhau. Điều đáng nói là những sai phạm như trên tuy khá phổ biến, nhưng đã không được các cơ quan chức năng kịp thời chấn chỉnh, từ đó dẫn đến nhiều hệ quả đáng trách.

Cơ quan quản lý nói "khó"!

4 bảo vệ của một công ty bảo vệ ở Q.Tân Bình bị bắt vì trộm cắp - ảnh: Đàm Huy

Hiện nay trên địa bàn TP.HCM có tổng cộng 210 công ty bảo vệ, trong đó có 48 công ty cổ phần, 150 công ty một hoặc hai thành viên, 2 công ty liên doanh, 10 chi nhánh văn phòng của công ty ở các tỉnh thành khác đặt tại TP, với khoảng 20.000 nhân viên bảo vệ. Theo đánh giá của PC64, số lượng nhân viên đông đảo như vậy nhưng công tác tuyển chọn đầu vào của nhiều công ty bảo vệ khá lỏng lẻo. Theo quy định của Nghị định 52/2008/NĐ-CP về quản lý kinh doanh dịch vụ bảo vệ, nhân viên bảo vệ phải được đào tạo qua khóa học nghiệp vụ kéo dài ít nhất là 30 ngày, gồm: kiến thức cơ bản về chính trị, pháp luật; đạo đức, nghiệp vụ bảo vệ; các quy định về quản lý, sử dụng và kỹ năng sử dụng công cụ hỗ trợ. Thế nhưng, vịn lý do học phí cho mỗi bảo vệ (công ty phải bỏ kinh phí đào tạo) tham gia khóa học khá cao (2 triệu đồng/bảo vệ/khóa) nên nhiều công ty bảo vệ đã thoái thác, không cử bảo vệ đi học chuyên môn, nghiệp vụ mà tự mình đứng ra... đào tạo! Một cái khó khác nữa mà các công ty bảo vệ nại ra là, hầu hết các trường đào tạo đưa ra điều kiện phải tập hợp đủ từ 100 - 120 học viên mới mở lớp, trong khi đó mỗi đợt công ty bảo vệ nhận vào chỉ có vài người đến chục người nên khó mà tổ chức được lớp học.

Theo quy định, Sở Kế hoạch và Đầu tư TP là cơ quan cấp giấy phép đăng ký kinh doanh cho các công ty bảo vệ, nhưng theo bà Nguyễn Thị Hữu Hòa, Phó giám đốc sở trên cho biết, do kinh doanh dịch vụ bảo vệ là ngành nghề đặc biệt, có điều kiện nên quan trọng là phải được PC64 thẩm định và cấp phép cho hoạt động. “Vậy, đối với những sai phạm của các công ty bảo vệ mà Báo Thanh Niên đã phản ánh thì cơ quan nào chịu trách nhiệm?” - bà Hòa nói: “Việc kiểm tra, xử lý những sai phạm trong quá trình hoạt động của các công ty bảo vệ là do PC64”.

Một cán bộ của PC64 thì lại đổ lỗi cho phía các công ty bảo vệ vì đã không quan tâm đầy đủ đến việc giáo dục, quản lý, giám sát... nhân viên của mình. “Còn trường hợp công ty bảo vệ sai phạm ở lĩnh vực nào thì cơ quan có chức năng đó kiểm tra, xử lý”. Vị cán bộ này dẫn chứng: Trường hợp công ty bảo vệ lừa đảo người lao động thì phải do ngành lao động xử lý; gây mất trật tự an ninh xã hội thì phải do địa phương xử lý; sai phạm về lĩnh vực quảng cáo thì trách nhiệm thuộc về ngành thương mại... “Mà việc kiểm tra, xử lý các công ty bảo vệ sai phạm cũng không đơn giản vì phải có đầy đủ chứng cứ rõ ràng mới có thể xử lý được”, vị cán bộ này than thở.

Nhằm chấn chỉnh các công ty bảo vệ trên địa bàn TP, thượng tá Nguyễn Văn Dung, Trưởng PC64 kiên quyết: “Do tình hình tuyển nhân viên bảo vệ của các công ty bảo vệ hiện nay quá lỏng lẻo nên cần phải chấn chỉnh. Không ít công ty bảo vệ vi phạm trong việc sử dụng nhân viên chưa qua đào tạo, chưa được cấp chứng chỉ nghiệp vụ bảo vệ. Hành vi này sẽ bị phạt từ 200 - 500 ngàn đồng và hình thức phạt bổ sung là tước giấy phép hành nghề từ 1 - 3 tháng. Sau khi xảy ra vụ bảo vệ của công ty bảo vệ đánh người tại quán cơm Minh Đức, TP có chỉ đạo tăng cường kiểm tra các công ty bảo vệ. Phòng đã lên kế hoạch mời một số cơ quan chức năng khác lập đoàn liên ngành để kiểm tra xử lý nghiêm nếu phát hiện công ty nào vi phạm”.

Sau khi Báo Thanh Niên đăng loạt bài Làm vệ sĩ dễ như chơi, ngày 15.9, Ban chỉ huy của PC64 đã tiến hành kiểm tra 3 công ty bảo vệ liên quan đến nội dung phản ảnh của báo, nhưng chỉ làm việc được với Công ty Nam Hải Sơn vì người đại diện pháp luật của 2 công ty còn lại đi công tác. Sau khi làm việc, ông Trần Văn Thủy, Giám đốc Công ty Nam Hải Sơn đã thừa nhận hành vi vi phạm của công ty. PC64 đã lập biên bản vi phạm hành chính đối với Công ty Nam Hải Sơn 2 lỗi vi phạm: sử dụng nhân viên không đủ điều kiện và hoạt động kinh doanh không đủ điều kiện (vi phạm này bị phạt từ 2 - 5 triệu đồng).

Được biết, Công ty Nam Hải Sơn bắt đầu hoạt động từ năm 2005, với quân số dao động từ 20 - 25 người nhưng trong đó có nhiều người chưa qua trường lớp đào tạo hành nghề. Còn Công ty Tây Bình Tây Sơn đã từng bị xử lý về hành vi vi phạm như: sử dụng công vụ hỗ trợ không phép, nhân viên không đeo bảng tên khi đang làm nhiệm vụ... Một cán bộ của PC64 cho biết, những thông tin báo đăng, PC64 nhận định ban đầu cả 3 doanh nghiệp này đều vi phạm sử dụng nhân viên không đủ điều kiện (nếu kiểm tra phát hiện thêm vi phạm nào sẽ xử lý nghiêm). PC64 đã gửi giấy mời cho người đại diện pháp luật của 2 công ty bảo vệ còn lại hẹn tuần sau lên làm việc để lập biên bản xử lý.

Đàm Huy - Minh Nam

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.