Chiều nay, 23.3, tại buổi họp báo thông tin về kỳ thi, ông Phạm Xuân Tiến, Phó giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo Hà Nội, cho biết thí sinh dự thi HOMC 2018 được chia làm 2 bảng, gồm bảng A (khối quốc tế) và bảng B (khối trong nước). Đề thi và bài làm của học sinh được trình bày hoàn toàn bằng tiếng Anh.
Đến thời điểm hiện tại, bảng A có 87 thí sinh đến từ 10 quốc gia: Ba Lan, Ghana, Indonesia, Malaysia, Myanmar, Philippines, Thái Lan, Trung Quốc, Hungary và Việt Nam. Đại diện cho Việt Nam tại bảng A là các thí sinh đến từ 2 trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam và THPT chuyên Nguyễn Huệ (Hà Nội).
Thí sinh dự thi theo 2 lứa tuổi Junior (14 tuổi, lớp 8), Senoir (16 tuổi, lớp 10). Mỗi thí sinh sẽ tham dự thi cá nhân và thi đồng đội, bài thi đồng đội các thí sinh vừa làm việc cá nhân vừa phối hợp tập thể.
Bảng B có sự tham gia của 411 thí sinh đến từ 22 tỉnh, thành phố trong cả nước. Ở bảng B chỉ có nội dung thi cá nhân. Tuy nhiên, năm nay đề thi cá nhân ở bảng A và B giống nhau để có thể so sánh trình độ của học sinh trong nước và học sinh quốc tế.
Trả lời câu hỏi của phóng viên Báo Thanh Niên về cách thức chấm thi và thành phần ban giám khảo, ông Lê Ngọc Quang, Phó giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo Hà Nội, cho biết hội đồng đề thi và ban giám khảo là những giáo sư, tiến sĩ, các nhà giáo hàng đầu về toán học ở trong nước, đồng thời còn có sự tham gia của một giáo sư tiến sĩ toán học danh tiếng của Ba Lan tham gia giám sát toàn bộ quá trình ra đề.
Tại bảng A, do là lần đầu tiên có sự tham dự của các thí sinh quốc tế nên việc chấm thi và phản biện được thực hiện công khai theo cách thức của các kỳ thi quốc tế. Bài thi sau khi được chấm xong sẽ photo gửi về cho các đoàn để phản biện nhằm đưa ra một kết quả chính xác, công bằng nhất. “Sức hút lớn nhất của kỳ thi này chính là sự minh bạch”, ông Quang khẳng định.
Về cơ cấu giải thưởng, ông Quang cho biết, có 60% là giải cá nhân, trong đó 10% giải huy chương vàng, 20% huy chương bạc và 30% huy chương đồng. Ngoài ra, còn có giải nhất, nhì, ba cho các giải đồng đội.
Bên cạnh thi tranh tài toán học, các thí sinh quốc tế và Việt Nam sẽ tham gia giao lưu văn hoá, trình diễn các tiết mục đặc sắc mang phong cách, bản sắc riêng của mỗi nước.
Lãnh đạo Sở Giáo dục - Đào tạo Hà Nội khẳng định, cuộc thi toán học Hà Nội mở rộng với quy mô lớn như năm nay, quan trọng nhất không phải nằm ở giải thưởng, mà là cơ hội rất tốt để trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về phương pháp dạy học toán theo tinh thần đổi mới; là dịp để quảng bá hình ảnh Thủ đô Hà Nội đến bạn bè quốc tế.
Kỳ thi toán học Hà Nội mở rộng được tổ chức thường niên vào tháng 3, bắt đầu từ năm 2004. Cuộc thi do Hội Toán học Hà Nội sáng lập và điều hành từ năm 2014, Sở Giáo dục - Đào tạo Hà Nội là đơn vị đồng chỉ đạo và tổ chức. Nhiều học sinh đoạt giải trong kỳ thi HOMC sau này đã tham gia và đoạt huy chương vàng, huy chương bạc… ở các cuộc thi Olympic toán học quốc tế và khu vực.
Bình luận (0)