Lần đầu tiên thực hiện bồi thường tai biến sau tiêm chủng

11/01/2017 16:22 GMT+7

Phản ứng nặng, tử vong sau tiêm chủng là điều không mong muốn nhưng vẫn có thể xảy ra. Hiện đã có một trường hợp đang làm thủ tục nhận bồi thường do tai biến sau tiêm vắc xin Quinvaxem.

Trao đổi thêm về vấn đề này, ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) chia sẻ: Thủ tướng đã ban hành Nghị định 104/2016/NĐ-CP Quy định về Hoạt động tiêm chủng, có hiệu lực thi hành từ ngày 1.7.2016 và hiện tại đã được áp dụng trên thực tế ngay chứ không chờ thông tư hướng dẫn.
Theo Nghị định trên, nếu xảy ra tai biến nặng ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, hoặc gây thiệt hại đến tính mạng của người được tiêm chủng, Nhà nước có trách nhiệm bồi thường cho người bị thiệt hại.
Trường hợp được bồi thường gồm: người được tiêm chủng bị tai biến nặng để lại di chứng gây khuyết tật; người tiêm chủng bị tử vong.
Trường hợp tai biến do tiêm chủng để lại di chứng dẫn đến bị khuyết tật được bồi thường 30 tháng lương cơ sở và các chi phí do phải khám bệnh, chữa bệnh tại các cơ sở y tế; thiệt hại do thu nhập bị mất hoặc bị giảm sút.
Với trường hợp người tiêm chủng bị thiệt hại đến tính mạng, mức hỗ trợ gồm: các chi phí do phải khám bệnh, chữa bệnh tại các cơ sở y tế trước khi tử vong; chi phí mai táng bằng 10 tháng lương cơ sở; chi bù đắp tổn thất về tinh thần là 100 triệu đồng cho thân nhân của người bị thiệt hại và các chi phí do thu nhập bị mất hoặc giảm sút theo quy định.
Các trường hợp bị tai biến sau tiêm chủng sẽ có hội đồng xác định nguyên nhân gây phản ứng sau tiêm; hội đồng bồi thường phản ứng sau tiêm để xem xét các yếu tố cần được bồi thường.
Kinh phí bồi thường tai biến sau tiêm chủng từ nguồn ngân sách và cơ quan y tế đứng ra giải quyết. Tuy nhiên, nếu nguyên nhân gây phản ứng, tai biến tiêm chủng do lỗi sai sót của nhân viên y tế thì cá nhân đó phải bồi hoàn lại; nếu nguyên nhân do vắc xin thì nhà sản xuất, cung ứng phải chịu trách nhiệm và bồi hoàn lại.
Mới đây, một trường hợp có phản ứng nặng sau tiêm vắc xin Quinvaxem, đang làm các thủ tục để nhận bồi thường.
Theo ông Trần Đắc Phu, năm 2016, chúng ta có ghi nhận một số ca phản ứng nặng và tử vong sau tiêm chủng, trong đó: 3 ca sau tiêm vắc xin BCG (phòng lao); 5 ca sau tiêm viêm gan B sơ sinh; 11 ca sau tiêm vắc xin Quinvaxem (phòng 5 bệnh: bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B và viêm màng não mủ do vi khuẩn Hib) và vắc xin bại liệt; một ca phản ứng nặng sau tiêm vắc xin sởi + rubella.
Riêng số ca phản ứng sau tiêm Quinvaxem cao hơn vắc xin khác do số mũi tiêm nhiều hơn (tiêm 3 mũi khi trẻ được 2, 3 và 4 tháng tuổi), trong khi hầu hết vắc xin khác chỉ tiêm một hoặc hai mũi. Hầu hết là các phản ứng trùng lặp, ngẫu nhiên trên trẻ có cơ địa dị ứng quá mẫn hoặc có bệnh bẩm sinh, bệnh mắc phải, một số không rõ nguyên nhân.
"Đây là các phản ứng sau tiêm rất rất thấp so với khoảng 30 triệu mũi tiêm với hơn 10 loại vắc xin trong tiêm chủng mở rộng được tiêm mỗi năm. Các phản ứng nặng sau tiêm cũng có ghi nhận với một số trường hợp tiêm vắc xin dịch vụ như: viêm màng não do não mô cầu, Pentaxin và Infarix hexa", ông Phu đánh giá.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.