Làn sóng bài thịt chó từ Mỹ, Anh, Hàn Quốc đến Đông Nam Á

Ngọc Quý
Ngọc Quý
17/09/2018 04:10 GMT+7

Làn sóng phản đối thịt chó đang diễn ra ở nhiều nơi trên thế giới, kể cả ở các nước châu Á. Tại Đông Nam Á, Indonesia đang nỗ lực ngăn chặn thịt chó vì sợ ảnh hưởng đến du lịch, khiến du khách sẽ ngừng đến nước này.

Hàn Quốc có lẽ là một trong những nước châu Á có cuộc tranh cãi về thịt chó gay gắt nhất. Một vụ việc đã khiến các bên đưa nhau ra tòa. Vụ án dẫn đến một phán quyết mang tính lịch sử.
Chó bán để giết thịt tại một ngôi chợ ở Hàn Quốc Ảnh: Reuters
Vụ kiện thịt chó và phán quyết lịch sử ở Hàn Quốc
Hàn Quốc không có các quy định rõ ràng về việc giết chó để lấy thịt. Tuy nhiên, một nông dân nuôi chó ở thị trấn Bucheon, Hàn Quốc đã bị kiện và kết tội “giết hại động vật mà không có lý do chính đáng”, The Sun đưa tin.
Ngoài ra, người nông dân này cũng bị phạt vì tội vi phạm luật xây dựng và vệ sinh. Chính các nhà hoạt động vì quyền động vật tại tổ chức Care đã kiện người nông dân này. Vụ kiện bắt đầu vào năm 2017 và phán quyết được tòa đưa ra vào tháng 4.2018. Người nông dân bị tuyên phạt số tiền là 3 triệu won (tương đương hơn 62 triệu đồng), truyền thông Hàn Quốc cho biết.
Đây được xem là vụ kiện mang tính lịch sử đối với các nhà hoạt động đấu tranh vì quyền lợi động vật, cũng như những người đang nỗ lực ngăn chặn việc ăn thịt chó ở Hàn Quốc.
Phán quyết vụ án đã vấp phải sự phản đối từ những người nông dân nuôi chó để lấy thịt. Hiệp hội những người nông dân nuôi chó ở Hàn Quốc tuyên bố sẽ phản đối đến cùng. Họ cho rằng nhiều người đã phản ứng “thái quá” về vấn đề thịt chó.
“Cần phải có sự phân biệt giữa chó nuôi lấy thịt để ăn với chó nuôi làm thú cưng. Bò, lợn, gà và vịt đều được nuôi để ăn, vậy tại sao thịt chó lại không?”, người phát ngôn của hiệp hội nói.
Một số nghị sĩ ở Hàn Quốc cũng đang đệ trình điều luật cấm giết chó để lấy thịt ở nước này. Trong khi đó, trưởng nhóm Care bà Park So-youn cho biết tổ chức đang theo dõi nhiều trang trại nuôi chó và các cơ sở giết thịt trên khắp Hàn Quốc. Care sẽ tiếp tục những vụ kiện tương tự trong tương lai, AFP đưa tin.
Ngày càng nhiều nước cấm thịt chó
Mới đây, Hạ viện Mỹ cũng đã thông qua dự luật cấm giết mổ và tiêu thụ thịt chó mèo ở Mỹ. Dự luật này do hai hạ nghị sĩ Vern Buchanan, thuộc Đảng Cộng Hòa, và Alcee Hasting, thuộc Đảng Dân Chủ, đề xuất. Dự luật vừa được thông qua ngày 12.9, theo USA Today.
Nội dung dự luật quy định việc giết mổ, vận chuyển, sở hữu và mua bán hoặc biếu tặng chó, mèo hoặc bộ phận cơ thể của chúng nhằm mục đích làm thực phẩm là bất hợp pháp. Người vi phạm có thể bị phạt đến 5.000 USD, truyền thông Mỹ cho biết.
Trong khi đó tại Anh, các nhà hoạt động đang nỗ lực thúc giục chính quyền của Thủ tướng Theresa May ra lệnh cấm ăn thịt chó trên khắp nước Anh. Họ lo ngại người dân nhập cư từ châu Á sẽ mang thói quen ăn thịt chó đến châu Âu.
Những con chó bị nhốt trong lòng tại lễ hội thịt chó ở thành phố Ngọc Lâm, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc Ảnh: Reuters
Liên minh Chó Thế giới (WDA) đang phát động một chiến dịch ở Anh nhằm vận động cho lệnh cấm hoàn toàn với thịt chó. Tại Anh, luật pháp cấm việc buôn bán thịt chó nhưng không cấm việc giết và ăn thịt chó, theo Daily Mail.
Ở nhiều nơi trên thế giới, các chiến dịch phản đối thịt chó vẫn đang diễn ra liên tục. Các nhà hoạt động mong muốn sẽ cải thiện nhận thức của cộng đồng và gây áp lực với chính phủ để có một lệnh cấm thịt chó rộng khắp. Xu hướng bài thịt chó cũng đang diễn ra ở nhiều nước châu Á.
Làn sóng bài thịt chó ở châu Á
Một số nơi ở châu Á đã có lệnh cấm chính thức với việc buôn bán và tiêu thụ thịt chó mèo. Đài Loan (Trung Quốc) vào tháng 4.2017 đã cấm người dân ăn và buôn bán thịt chó mèo, CNN đưa tin.
Tại Đài Loan, người ăn và bán thịt chó mèo có thể bị công khai tên tuổi và hình ảnh. Những sửa đổi trong Đạo luật Bảo vệ Động vật của Đài Loan cũng thêm một số hình phạt đối với việc ăn thịt chó mèo. Theo đó, người vi phạm sẽ bị phạt từ 50.000 - 250.000 Đài tệ (tương đương từ 38 đến hơn 190 triệu đồng), theo tạp chí Time.
Đầu tháng 8.2018, chính phủ Indonesia cũng đã đồng ý ban hành quy định cấm bán thịt chó trong bối cảnh nhiều lo ngại đang dấy lên do tình trạng lây lan bệnh dại. Trong khi ấy, các nhà hoạt động đã tiến hành hàng loạt chiến dịch chống lại việc ăn thịt chó, theo The Jakarta Post.
“Du khách nước ngoài sẽ thấy chúng ta đối xử không tốt với động vật cũng như sự tàn ác không thể chấp nhận được với chúng và họ sẽ ngừng đến Indonesia. Điều này sẽ rất tệ cho du lịch”, ông Syamsul Ma'arif, người phụ trách vấn đề thú y của Bộ Y tế Indonesia, nói.
Vào năm 2016, các nhà vận động cho quyền vật nuôi ở Trung Quốc và quốc tế đã tập hợp được 11 triệu chữ ký ủng hộ bản kiến nghị phản đối thịt chó ở nước này. Họ tin rằng nhiều con chó đã bị ăn trộm, bắt rồi nhét trong những chiếc lồng nhỏ, thậm chí bị đánh đến chết trong các lò mổ, The Washington Post đưa tin.
Tại Philippines, Bộ trưởng Nông nghiệp Proceso Alcala cũng đã kêu gọi xóa bỏ ngành công nghiệp thịt chó ở nước này. Vào năm 1.2016, ông Alcala đã ký một chỉ thị quan trọng. Theo đó, chỉ thị đề ra một chiến dịch sẽ kết thúc tình trạng mua bán thịt chó vào năm 2020.
Bên cạnh việc nâng cao nhận thức của người dân về tác hại khi ăn thịt chó không vệ sinh, các nhà chức trách Philippines sẽ tập trung trấn áp những điểm nóng giết mổ, mua bán và tiêu thụ thịt chó ở Philippines, theo The Washington Post.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.