Làn sóng biểu tình phản ứng vụ tranh biếm họa tiếp tục lan rộng

09/02/2006 14:55 GMT+7

* Phương Tây lo ngại làn sóng phản đối của thế giới Hồi giáo vượt khỏi tầm kiểm soát Sự phẫn nộ của thế giới Hồi giáo phản đối báo chí phương Tây đăng biếm họa đấng tiên tri Hồi giáo Muhammad tiếp tục dữ dội hơn, trở thành các cuộc biểu tình bạo động. Nhiều nhà lãnh đạo trên thế giới và các thủ lĩnh Hồi giáo đã bày tỏ lo ngại về việc các cuộc biểu tình bạo lực vượt khả năng kiểm soát, đe dọa gây mất ổn định tại nhiều nơi trên thế giới.

Các cuộc biểu tình mạnh nhất diễn ra ở Afghanistan, Pakistan và tiếp tục lan rộng ở các quốc gia Hồi giáo khác như Bangladesh, Niger… Ngoài ra biểu tình phản đối còn diễn ra tại nhiều thành phố châu u...

Tại Đan Mạch, cộng đồng Hồi giáo lo ngại làn sóng phản đối hiện nay sẽ kích động sự thù hằn nhằm vào họ, gây khó khăn cho quá trình hòa nhập của họ vào xã hội Đan Mạch. Đặc biệt, căng thẳng có nguy cơ gia tăng khi chính phủ và giới truyền thông Đan Mạch đe dọa trục xuất một số các thủ lĩnh Hồi giáo khỏi tiến trình đám phán hòa hợp dân tộc và cáo buộc những người này đã kích động làn sóng phản đối của người Hồi giáo trong chuyến thăm Trung Đông của họ hồi cuối năm ngoái. Trong nỗ lực nhằm giảm bớt làn sóng phản đối ở Đan Mạch, Ủy ban Hồi giáo ôn hòa dự định tiến hành chiến dịch truyền thông trên các tờ báo A-rập nhằm tạo ra một hình ảnh tích cực về đất nước Đan Mạch.

Thủ tướng Đan Mạch Anders Fogh Rasmussen đã gọi những xung đột đang xảy ra là một cuộc “khủng hoảng toàn cầu”, trong đó Đan Mạch chịu ảnh hưởng về ngoại giao và tổn thất về kinh tế nhiều nhất. Giá cổ phiếu của nhiều công ty Đan Mạch giảm mạnh do sản phẩm của họ bị tẩy chay mạnh tại Trung Đông. Tại Thổ Nhĩ Kỳ, một nghị sĩ cho biết ông đã ra lệnh cho hệ thống siêu thị gồm 110 cửa hàng của mình dỡ bỏ tất cả các sản phẩm xuất xứ từ Đan Mạch ra khỏi các quầy hàng.

Một đài truyền hình Angieri đã sa thải các phóng viên cho phát 12 bức biếm họa. Một nữ giáo sư người Mỹ giảng dạy tại một trường đại học ở Các tiểu vương quốc A-rập thống nhất đã bị sa thải sau khi phân phát cho sinh viên những bản sao bức biếm họa đấng tiên tri Hồi giáo Muhammad.

Trước làn sóng biểu tình bạo lực ngày càng leo thang, nhiều nhà lãnh đạo trên thế giới và các thủ lĩnh Hồi giáo đã bày tỏ lo ngại vụ việc có thể vượt ra ngoài tầm kiểm soát, đe dọa gây mất ổn định tại nhiều nơi trên thế giới. Nhiều tổ chức quốc tế lên tiếng kêu gọi thế giới Hồi giáo bình tĩnh và tìm một giải pháp đối thoại thông qua ngoại giao để giải quyết vấn đề. Liên hợp quốc, Tổ chức Hội nghị Hồi giáo (OIC) và Liên minh châu u (EU) ra tuyên bố chung cảnh báo các vụ bạo động đã vượt quá giới hạn biểu tình hòa bình, chỉ trích các hành động tấn công các đại sứ quán, nhưng đồng thời khẳng định rằng tín ngưỡng phải được tôn trọng.

Tại Indonesia, chính phủ và các lãnh đạo Hồi giáo hàng đầu cũng kêu gọi những người Hồi giáo không để cuộc biểu tình phản đối trở nên không thể kiểm soát được. Sự phẫn nộ của người Indonesia đối với các bức biếm họa có vẻ đã giảm bớt hôm 8/2 khi chỉ có một vài cuộc biểu tình nhỏ ở nước này.

Áo, nước đang giữ chức chủ tịch luân phiên EU, đã đề nghị Cao ủy phụ trách chính sách đối ngoại của EU Javier Solana gặp gỡ đại diện OIC ở Saudi Arabia để thảo luận các biện pháp chấm dứt căng thẳng.

Hôm ngày 8/2, tuần báo trào phúng Pháp Charlie-Hebdo đã đổ thêm dầu vào lửa khi cho đăng lại các bức biếm họa về nhà tiên tri Mohammad bất chấp sự phản đối của cộng đồng Hồi giáo ở nước này.

Đ.Huân
(tổng hợp)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.