Lần theo âm mưu khủng bố “khủng” nhất nước Anh (Kỳ 3)

09/09/2009 17:32 GMT+7

Kỳ 3: Chiến dịch Công khai (TNO) Chiến dịch Công khai diễn ra trong vòng bí mật suốt một thời gian dài, trong đó một phần của nó là theo dõi cách những kẻ khủng bố bào chế bom lỏng từ những vật dụng trông bình thường và vô hại nhất.

Sự biến mất bí ẩn

Cái tên Rashid Rauf lần đầu tiên khiến cảnh sát Anh phải để ý tới là vào cuối thập niên 90 của thế kỷ trước. Lúc đó, y đã dùng đủ mọi mánh khóe để sở hữu một chiếc điện thoại vệ tinh, phương tiện liên lạc hữu hiệu và khó bị phát hiện của các trùm khủng bố.

 

 Cảnh sát luôn túc trực ở Sân bay Heathrow (Anh), nơi những kẻ khủng bố định lên máy bay để kích hoạt bom lỏng - Ảnh: AFP

Đến năm 2002, Rauf bỏ chạy khỏi nước Anh sau khi chú của y bị đâm chết ở Birmingham (Anh). Tình báo Anh cho rằng Rauf đã sang Pakistan, làm việc cho tổ chức khủng bố đáng sợ nhất hành tinh al-Qaeda và dùng phần lớn thời gian của mình để lên các kế hoạch tấn công nhắm vào phương Tây.

Như đã đề cập ở kỳ trước, Rauf bị bắt hồi tháng 8.2006 ở Pakistan dưới áp lực của chính quyền Mỹ. Nhưng đó là một thời điểm bất lợi cho công tác chống khủng bố của Anh, gây ra tình trạng bứt dây động rừng, khiến lực lượng an ninh Anh buộc phải bắt tay vào hành động để tóm 3 nghi can trong âm mưu đánh bom 7 máy bay xuất phát từ Anh, dù thời điểm chưa phải là chín muồi.

Nhưng câu chuyện chưa kết thúc ở đó. Hãng truyền thông BBC đưa tin các luật sư của Rauf đã liên tục tố cáo là thân chủ của họ đã bị tra tấn dã man tại Paksitan sau khi bị bắt. Và một năm sau ngày bị bắt, nhân vật thuộc loại bị an ninh Mỹ, Anh “để mắt” nhiều nhất này đột nhiên… biến mất một cách thật ly kỳ.

Chuyện xảy ra sau một phiên tòa ở Pakistan. Hai cảnh sát dẫn Rauf về nhà giam đã “đột nhiên có ý tốt” cho y vào một đền thờ để cầu nguyện mà không bị canh giữ. Và kết thúc sau đó thật đơn giản: Rauf đã biến mất!

Những gì được thông báo khiến cho những người ngây thơ nhất cũng không tin nổi. Nhưng chẳng ai biết được chuyện gì đã thực sự xảy ra trong vụ này.

Rồi đến tháng 11 năm ngoái, các phương tiện truyền thông đại chúng đưa tin rằng Rauf đã bị giết chết tại Pakistan bởi một tên lửa do máy bay của Mỹ bắn ra. Nhưng không ai nhìn thấy thi thể của ông ta!

Riêng tình báo Anh thì đưa ra nhận định rằng khả năng Rauf đã chết là lớn hơn rất nhiều so với khả năng y còn sống.

Nhà máy sản xuất bom tại gia

Công chúng chẳng thể nào hiểu được thực hư về những gì xảy ra với Rauf, nhân vật được cho là điều khiển 3 nghi can vừa bị một tòa án ở Anh kết tội dùng bom lỏng để gây nổ trên máy bay. Chỉ biết rằng sau khi Mỹ bí mật gây áp lực bắt Rauf vào tháng 8.2006, an ninh Anh đã phải vội vã kết thúc Chiến dịch Công khai mà họ đã dày công triển khai suốt một thời gian dài qua, tóm 3 nghi can gồm Ahmed Ali, Tanvir Hussain và Assad Sarwar. 

 

 Hiện trường một vụ nổ gây ra bởi bom dạng lỏng. Sở cảnh sát London đã dựng vụ nổ này, dùng bom tương tự như loại nhóm khủng bố định mang lên máy bay - Ảnh: AFP 

Chiến dịch Công khai qua các con số:

26.000 tang vật bị thu giữ

80 máy tính và các thiết bị khác bị thu giữ

102 ngôi nhà bị lục soát

15.000 CD, 500 đĩa mềm bị thu giữ

Những nước lực lượng điều tra đã đến: Nhật, Pakistan, Nam Phi, Mauritius và Bỉ

Nguồn: Sở Cảnh sát London

Tất nhiên, trước khi nhóm này bị bắt, cả một đội ngũ rất đông các nhân viên tình báo, cảnh sát điều tra, chuyên viên bom đạn… đã triển khai Chiến dịch Công khai trong… bí mật.

Khi các nhân viên tình báo quân đội MI5 bí mật đột nhập vào căn hộ của Ali ở phía Đông London, họ đã thực sự bị choáng trước những gì nhìn thấy. Đây thực sự là một nhà máy sản xuất bom, nhưng là một nhà máy bom rất lạ kỳ. Trước khi ra khỏi nhà, MI5 đã “bỏ quên lại” camera và thiết bị thu âm nhỏ xíu được cất giấu thật kín đáo.

Tờ Guardian đưa tin, các hình ảnh và âm thanh ghi lén được cho thấy Ali và Hussain đã tự tạo những thiết bị rất lạ lùng và dùng chung nó với những chai nước ngọt  thông thường. Nếu đây là những quả bom, tại sao chúng lại nhỏ đến thế?

Một đội do thám sau đó đã nhìn thấy Ali tại một tiệm internet công cộng, ra sức tìm kiếm trên mạng lịch trình các chuyến bay trong suốt 2 giờ đồng hồ.

Mọi chuyện dần sáng tỏ: những quả bom không cần phải to, chỉ cần đủ mạnh để chọc thủng một lỗ trong thùng nhiên liệu của máy bay là cũng làm cho máy bay nổ tung rồi. Yếu tố bom được điều chế dưới dạng lỏng, được bơm vào những chai nước uống phổ biến với màu sắc được nhuộm giống hệt nước uống thật, nắp chai chưa hề được mở sẽ khiến cho những quả bom lỏng này dễ dàng qua mặt các nhân viên an ninh sân bay, gây ra thảm họa cho hàng ngàn người vô tội.

 

Cách nhóm khủng bố bào chế bom lỏng:

- Dùng syringe để bơm nước ngọt ra khỏi chai, vì thế nắp chai vẫn chưa hề bị mở.
- Cũng dùng syringe để bơm lại vào chai dung dịch bom lỏng, được điều chế từ hydrogen peroxide (một loại thuốc tẩy trắng tóc lưu hành hợp pháp nhưng có thể gây nổ), một loại bột làm nước giải khát và các thành phần khác
- Máy ảnh dùng một lần được cải biến thành một phần của quả bom. Trong máy có những viên pin AA trông vô hại, nhưng thực chất trong ruột pin là một hóa chất gây nổ khác.
- Chiếc máy ảnh sẽ trở thành nguồn điện để kích nổ viên pin AA, khi pin đã được thả vào trong chai chất nổ. Việc kích nổ được lên kế hoạch sẽ diễn ra rất nhanh trong nhà vệ sinh máy bay.

Đoan Nhật

Lần theo âm mưu khủng bố “khủng” nhất nước Anh (Kỳ 1)
Lần theo âm mưu khủng bố “khủng” nhất nước Anh (Kỳ 2)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.