Làng hoa Việt 8 thế kỷ: Vùng đất tổ của nghề trồng hoa

Nằm ven đê sông Hồng, đoạn chạy qua huyện Nam Trực, làng Vị Khê được coi là vùng đất tổ của nghề trồng hoa, cây cảnh lâu đời nhất nước ta.

Một nghệ nhân thuộc Hội Sinh vật cảnh làng Vị Khê cho biết: “Hoa kiểng Vị Khê phát triển rực rỡ từ thời nhà Trần, chủ yếu phục vụ cho triều đình và đáp ứng nhu cầu của nhân dân vào dịp tết”. Làng Vị Khê có nhiều khu vườn rộng trên 1 ha, 100% hộ dân tham gia trồng hoa, cây cảnh và các dịch vụ liên quan.
Nhiều doanh nhân lập ra công ty chuyên doanh tại đây, nhưng mở vườn cây tại Hà Nội để thâm nhập các thị trường tiềm năng. Nhiều nghệ nhân được phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân tài năng”. Với tay nghề và kiến thức ngày càng chuyên sâu, ngoài các loại cây thế truyền thống như cây sanh, các loại bonsai, vạn tuế, làng Vị Khê nay có thêm nhiều giống cây nhập về từ Thái Lan, châu Âu, đưa sản phẩm ra thị trường, bán hàng qua mạng internet.
Vị Khê ngày càng nổi tiếng và trở thành điểm đến cho nhiều du khách kể từ 5 năm nay sau khi Tổng cục Du lịch và UBND tỉnh Nam Ðịnh xây dựng làng du lịch sinh thái Vị Khê. Trước đó, từ năm 2009, Vị Khê đã được nhà nước phong tặng là “làng nghề tiêu biểu Việt Nam”.
Thị trường mở rộng, thị hiếu thay đổi nhưng Vị Khê vẫn giữ được những giống hoa, cây truyền thống như trà mi, hải đường, mộc hương, trúc quân tử và quất. Riêng giống quất, tuy có lịch sử lâu đời, nhưng nay diện tích phải thu hẹp để nhường chỗ cho bonsai, cây thế có giá trị cao. Nhiều nghệ nhân có vườn cây trị giá hàng chục tỉ đồng và hiện đang giữ những cây “độc” có giá trị rất cao trên thị trường.
Từ đầu thế kỷ 13, quan thái úy phụ chính triều Lý, Tô Trung Tự, về làng Vị Khê xây dựng cơ sở phòng thủ bảo vệ cửa ngõ Biển Đông. Ngọc phả đình làng này ghi rằng, nghề trồng hoa cây cảnh làng Vị Khê có từ thế kỷ 13 do thái úy Tô Trung Tự truyền dạy.
Hai câu ca dao: Vua chơi lan, quan chơi trà là xuất phát từ đất này với loại địa lan “tiến vua” nổi tiếng trong lịch sử.
Vào năm 938, vị tướng của Ngô Quyền là Nguyễn Công Thành, người Cao Bằng, sau khi dẹp xong giặc, đã về Vị Khê lập ấp dựng làng. Đến thế kỷ 13 như đã nói, thái úy Tô Trung Tự cho xây dựng thành, hào và đặt tên là Bảo Bình Giã, rồi truyền nghề trồng hoa, cây cảnh cho người dân làm kế sinh nhai.
Sau khi ông mất, để tỏ lòng biết ơn, dân làng đã tôn ông là ông tổ nghề trồng hoa, cây cảnh và lập đền thờ trong làng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.