Lăng kính Bạn đọc: 'Mổ xẻ' cấp cứu

17/07/2019 05:00 GMT+7

Để cải thiện khâu cấp cứu ở các bệnh viện, bạn đọc cho rằng bên cạnh việc siết chặt y đức, quy trình... còn phải xử nghiêm, truy tố răn đe những người có thói côn đồ hành hung bác sĩ.

Rất nhiều câu chuyện của "người trong cuộc" được bạn đọc kể lại sau khi Báo Thanh Niên đăng tải bài viết Bất an bác sĩ cấp cứu bỏ mặc người bệnh.

Nghĩ đến lần chết hụt ấy...

Bạn đọc (BĐ) Đoàn Ngân Tranh (TP.HCM) kể: “Cách đây 4 năm, tôi bị hóc xương. Chạy ra trung tâm y tế gần nhà, họ bảo vào bệnh viện (BV) tuyến quận chứ họ không dám nhận. Tôi vào BV quận chờ tầm nửa tiếng mới có bác sĩ (BS). Họ nói khuya rồi (hơn 7 giờ tối) không có BS trực tai - mũi - họng nên kêu qua BV X. Tôi phải tự thuê xe ôm chạy qua BV X. Vào BV X, tôi rất khó thở, nhưng BV vẫn để tôi ngồi chờ. Mãi sau có một bác y tá lớn tuổi thấy tôi khó thở quá mới cho nằm giường cấp cứu chờ BS. Thế nhưng cũng cả tiếng đồng hồ nằm trên giường cấp cứu mới có BS đến, và cũng câu: “Khuya rồi không có BS trực tai - mũi - họng” nên yêu cầu tôi qua BV tai - mũi - họng. Nhưng BV này cũng không tiếp nhận chuyển tuyến (vì hồ sơ còn chưa làm), nên tôi lại một lần nữa thuê xe ôm đến BV tai - mũi - họng. Hơn nửa đêm (2 giờ sáng), anh trai chở tôi về. Nghĩ đến lần chết hụt ấy, tôi không muốn đặt chân vào BV công”.
BĐ Nguyễn Lý Thành (TP.HCM) cũng kể câu chuyện của chính mình: “Tôi từng vô cấp cứu với vết thương bị rách rất sâu và dài gần 10 cm. Vậy mà BV không đủ người xử lý (BS không đúng chuyên môn nên gọi cho BS chuyên ngành thì được báo đang bận), họ để tôi đợi gần 1 tiếng. Tôi rất lo vết thương hở lớn sẽ bị nhiễm trùng nặng bị cưa tay hoặc có thể chết nếu nhiễm trùng máu. Cuối cùng họ cho một y tá ra may vết thương; còn vị BS thì không xuất hiện để may cho bệnh nhân. Nguyên do trực cấp cứu ca khuya ít ai nhận nên không đủ người xử lý cho bệnh nhân”.

Siết y đức, nghiêm trị thói côn đồ...

Nhiều BĐ bày tỏ rất thông cảm cho sự vất vả, căng thẳng của đội ngũ y, BS. Tuy nhiên, BĐ cũng đề nghị y, BS đặt mình vào vị trí của bệnh nhân và thân nhân. “Cảm giác chờ đợi bao giờ cũng thấy lâu. Theo tôi, nên nói sơ qua tình trạng bệnh cho người nhập viện cấp cứu và nói với họ đợi kết quả xét nghiệm sẽ hỗ trợ thêm rồi sau đó mời người nhà ra ngoài chờ thì người nhà yên tâm hơn”, BĐ Chánh Minh (Đồng Nai) viết.
Tương tự, BĐ Đỗ Hòa (Long An) chia sẻ: “Tôi đang nuôi bệnh (vừa vào cấp cứu được 5 ngày). Nói về khâu cấp cứu thì đúng là “nhiều điều để nói”, nhất là với người nhà bệnh nhân. Công tâm mà nói, BS và nhân viên nơi đây rất áp lực. Họ bị kêu réo liên tục, thậm chí yêu cầu người nhà bệnh nhân nhường lối đi đã là một điều rất vất vả. Về phía BS, phần đông tôi thấy rất có thiện tâm, lo cho bệnh nhân, nói năng hòa nhã nhưng cũng có một vài BS còn cộc cằn, cứng nhắc...”.
Để cải thiện khâu cấp cứu ở các BV, BĐ Nguyễn Y Vân (TP.HCM) cho rằng bên cạnh việc siết chặt y đức, quy định cụ thể quy trình khám chữa và cấp cứu bệnh nhân…; pháp luật phải nghiêm, điều tra, truy tố răn đe những người thân có thói côn đồ hành hung BS. Như vậy mới gọi là công bằng!
Một BS có tâm sẽ không bao giờ để cho bệnh nhân của mình chạnh lòng. Dẫu biết ở VN thiếu về số lượng BS và cơ sở vật chất nhưng nhất quyết không được để BS thiếu về tâm đức tồn tại.
Mạnh Hùng (TP.HCM)
“Bạn có hiểu một nhân viên y tế 1 ngày phải làm bao nhiêu việc và phải chịu trách nhiệm bao nhiêu bệnh nhân không? Muốn trách thì trách hệ thống y tế nhà nước và nhận thức của người dân, để cho bây giờ ai cũng “chê” tuyến cơ sở; còn tuyến T.Ư luôn đông bệnh nhân. Là một nhân viên y tế, không ai muốn bỏ mặc bệnh nhân đâu! Rất mong Bộ Y tế có thay đổi về quản lý”.
Nguyễn Thị Lệ (TP.HCM)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.