Lăng kính Bạn đọc: Tranh cãi chuyện ăn hay không ăn... thịt chó

Kim Lan
Kim Lan
18/09/2019 06:00 GMT+7

Tranh cãi bùng ra khi thông tin khuyên người dân 'bỏ thói quen ăn thịt chó ' xuất hiện mới đây trên trang web Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM.

Trao đổi với PV Thanh Niên chiều tối 16.9, một lãnh đạo Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM (Ban ATTP TP.HCM) cho biết thông tin "nên từ bỏ coi thịt chó là thực phẩm" đăng trên trang web của ban chỉ là một góc nhìn của Phòng Quản lý chất lượng (thuộc ban), chứ không phải là thông báo hay khuyến cáo của Ban ATTP TP.HCM.
Tuy nhiên, ở góc độ bạn đọc (BĐ), câu hỏi có nên tiếp tục coi thịt chó là một loại thực phẩm bình dân, quen thuộc như hiện nay hay không thực sự thu hút sự quan tâm và là đề tài nảy sinh những tranh cãi gay gắt.

Ăn thịt chó có văn minh ?

Chuyện “ăn thịt chó” cứ ngỡ chỉ bó gọn trong khuôn khổ sở thích cá nhân, nhưng qua lăng kính BĐ lại có thể dính dáng đến nhiều vấn đề “to tát” khác. BĐ Tâm Tít (TP.HCM) viết: “Tôi hoàn toàn ủng hộ không ăn thịt chó vì một dân tộc Việt Nam văn minh. Đừng để xấu xí trong mắt bạn bè quốc tế”.

Thịt chó chỉ là thực phẩm thôi chứ có gì mà phải cấm hay không cấm vậy?

Tuấn Anh (Bình Dương)

Ở chiều ngược lại, BĐ Tài (TP.HCM) hỏi vặn: “Thịt chó thì liên quan gì đến văn minh hay là tục lệ? Người ăn chay nói bạn ăn thịt là lạc hậu, là hủ tục được không? Quan điểm thôi, nhân sinh quan của mỗi người thôi”. Một BĐ từ Cần Thơ dẫn chứng: “Người Hàn cũng ăn thịt chó, vậy họ không văn minh à?”...
Các tranh cãi kéo dài từ phạm trù “văn minh” sang đến câu chuyện... trộm chó. BĐ Xuan Vo Thanh (Đồng Tháp) nêu: “Tôi ủng hộ không ăn thịt chó. Theo tôi, chó không được nuôi để ăn thịt mà nguồn cung cấp từ những người đi bắt chó. Thế nên ăn thịt chó là chúng ta ủng hộ nhóm tội phạm bắt chó. Tôi dứt khoát không ăn thịt chó”. BĐ Vietroad (TP.HCM) phản biện: “Trộm chó chả liên quan gì đến chuyện ăn thịt chó cả. Trộm xe, tiền, vàng còn nhiều gấp mấy lần trộm chó, vậy chẳng lẽ cấm hết?”. BĐ Trường (TP.HCM) lập tức tán thành, vì cho rằng “chó để làm thực phẩm không phải là chó kiểng” và chuyện bị trộm chó thì “người nuôi nên ý thức trông giữ, không nên thả rông, cắn người. Trộm thì cái gì cũng trộm, đâu riêng gì trộm chó?”.
Cũng có BĐ cho rằng: “Ăn thịt chó là đối xử tàn nhẫn với loài vật nuôi trung thành”. Nhưng một BĐ khác lại nói: “Chó chỉ là vật nuôi trung thành với chủ của nó. Còn đối với người khác, nếu không được quản lý, chó có thể là mối nguy hiểm của xã hội”.

Lo an toàn thực phẩm

Theo dõi những ý kiến tranh luận, BĐ Hoàng Nguyễn (TP.HCM) cho rằng câu chuyện “thịt chó” phải được đặt dưới một góc độ khác: “Ăn thịt chó hay không còn tùy quan niệm của mỗi người... Nếu ăn thịt gì không nấu chín đều có thể nhiễm bệnh. Lo là lo đến an toàn thực phẩm, là thức ăn hằng ngày của tất cả người dân và quán ăn vỉa hè đầy đường không biết sạch bẩn ra sao kìa”. BĐ Tài (TP.HCM) đồng ý nếu không thể cấm được việc ăn thịt chó thì “phải quản bằng cách đưa vào danh mục thực phẩm cần quản lý như trâu, bò, heo, gà... về nguồn gốc con giống, thức ăn, điều kiện chăn nuôi, sổ theo dõi dịch bệnh, tiêm ngừa, quy trình giết mổ...”.

Việc thả chó chạy ra đường cắn người, gây tai nạn giao thông, làm mất vệ sinh rất khó xử lý vì không ai nhận là chủ. Ai bắt, nhốt ở đâu, ai nuôi, xử lý thế nào rất phiền toái, tốn công.

Lê Lập Công (Bình Định)

Một BĐ nhận xét trang web của Ban ATTP phải là nơi cung cấp thông tin chính thức cho người dân tìm hiểu, chứ sao lại trở thành "diễn đàn" để đăng những “góc nhìn” không chính thức như vậy? BĐ Khải (TP.HCM) góp ý Ban ATTP TP.HCM là nên “mở thật nhiều đợt thanh, kiểm tra, chuyển cơ quan điều tra các tổ chức, cơ sở, doanh nghiệp, công ty vi phạm ATTP. Đó mới là trách nhiệm của ban, là yêu cầu đòi hỏi cấp thiết của người dân trước tình trạng vệ sinh, ATTP bị vi phạm trắng trợn như hiện nay”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.