Làng nghề hồi sinh: Nghiêng nghiêng vành nón

31/01/2015 10:31 GMT+7

Men theo dòng Ô Lâu, có một làng nón nằm nghiêng nghiêng trên rẻo đất nhô ra từ khúc cua ngặt của con nước, rất đỗi hữu tình.

Men theo dòng Ô Lâu, có một làng nón nằm nghiêng nghiêng trên rẻo đất nhô ra từ khúc cua ngặt của con nước, rất đỗi hữu tình.

Chằm nón, ngón nghề truyền thống có từ lâu đời của làng quê Vân Quỹ (xã Hải Tân, H.Hải Lăng, Quảng Trị) Chằm nón, ngón nghề truyền thống có từ lâu đời của làng quê Vân Quỹ (xã Hải Tân, H.Hải Lăng, Quảng Trị) - Ảnh: Nguyễn Phúc

Đông con, nhiều nón...

Tôi gặp may ngay từ cổng làng Văn Quỹ (xã Hải Tân, H.Hải Lăng, Quảng Trị), đã bắt gặp một bà cụ đang kẹp nách dăm chiếc nón đi bộ thủng thẳng bên đường. Tôi đồ rằng, cụ đang lên chợ huyện để “rao bán hồn quê mình”, là những chiếc nón còn thơm mùi lá mới. Cụ gật đầu khi tôi dừng lại hỏi chuyện và toan “tạm hoãn” chuyến lên chợ huyện để làm hướng dẫn tôi tham quan làng nghề. Còn ông Nguyễn Bá Hỷ, Trưởng thôn Văn Quỹ, dù đang đi thăm đồng, nhưng qua điện thoại vẫn hẹn chắc nịch với chúng tôi rằng cứ yên tâm, để ông sắp xếp, muốn gặp bao nhiêu người làm nón cũng có. “Làng Văn Quỹ tôi từ “trẻ trâu đến người nậy ai nõ biết” chằm nón. Nhà đông con thì nhiều nón... như là cái lẽ tất yếu”, ông nói tỉnh rụi. Và chính sự tự hào... ra mặt của bà cụ tôi gặp nơi cổng làng hay ông trưởng thôn làm tôi thực sự tin câu chuyện rằng ở vùng đất này, nón là một thứ đặc biệt.

Được bố chỉ đạo từ xa, con trai ông Hỷ, một sinh viên ĐH Sư phạm vừa ra trường dẫn tôi sang nhà bà Nguyễn Thị Hoa (48 tuổi), người mà theo cậu là người chằm nón đẹp và nhiều nhất nhì làng. Từ ngoài ngõ, khuất sau những hàng cau cao vút đang đung đưa cành lá, đã nghe phía trong nhà những tiếng rì rầm to nhỏ mà người không biết cứ tưởng đang có một lớp học cho con trẻ đâu đây. Bước vào, mới hay, có 7-8 người phụ nữ trung và cao niên đang ngồi chật cả một gian phòng, miệng mấp máy chuyện trò như đồng điệu với đôi tay thoăn thoắt.

Cụ Nguyễn Thị Cháu, tuổi đã ngoài 80, da mồi tóc bạc nhưng đôi mắt hẳn còn sáng lắm, bởi việc của bà chính là ngồi vót những thanh tre thành những sợi mảnh, thứ được ví như “bộ xương” của cái nón lúc hoàn thành. Không ngơi tay và cũng không ngước mắt lên nhìn tôi, cụ bảo, hồi mới 10 tuổi đã biết chằm nón rồi. “Hồi đó, cứ đi học về đã thấy bà cô đặt sẵn đó 3 vành. Muốn ăn, muốn chơi, muốn ngủ hay gì gì thì cũng phải hoàn thiện 3 vành nón ấy mới nói chuyện...”, cụ chép miệng. Thuộc thế hệ con cháu của cụ Cháu, bà Nguyễn Thị Minh (40 tuổi) thêm thắt vào rằng nghề chằm nón ở địa phương ít ra cũng có tuổi đời vài trăm năm có lẻ. “Phải như thế thì nhà nhà trong làng mới biết làm nón chứ, đàn ông thì bắt vành trong khi đàn bà chằm nón. Phàm là người làng này, ít nhất trong nhà cũng có một cái khuôn làm nón. Con nít trong làng giờ bận học chứ nếu bảo ngồi vào cũng chằm thua chi bố mẹ”, bà Minh nói.

Nón lá vô tận... Sài Gòn

“Ở ngôi làng bé tẹo này, cái nón cũng không lấy gì làm lớn lắm nhưng như có những đôi cánh, chúng chu du đây đó mặc cho  người làm ra chúng có khi suốt cả đời chưa bước qua cánh cổng làng rêu phong”, tôi đã nghe lỏm được những câu nói tự trào của người Văn Quỹ như vậy. Và sự thật đó, không làm ảnh hưởng đến niềm kiêu hãnh của người dân quê rằng với đôi bàn tay lấm bùn, họ có thể làm nên những tuyệt tác. Ấy là chưa nói đến chính những chiếc nón đã mang áo cơm đến cho người dân vùng quê chiêm trũng vốn quen với cảnh ngập đến tận nóc nhà chỉ sau vài trận mưa lớn. Chị Hoa bảo với tôi rằng nếu làm chuyên cần, mỗi ngày chị hoàn thành 3 cái nón. Với giá 30.000 đồng/sản phẩm thì thu nhập hàng ngày của chị là không tệ ở chốn nhà quê, sau khi trừ nguyên liệu gồm lá kè, lá đọt, tre và những sợi cước mảnh. Chị cũng tự hào rằng cả trăm ngàn chiếc nón chị đã làm ra suốt 30 năm qua đã có thể chu du khắp vùng Bình Trị Thiên, thậm chí vào tận Sài Gòn hoặc miền Tây Nam bộ.

Phần vì có tiếng nón Văn Quỹ nên chị Hoa sẽ không phải lo về đầu ra khi chỉ năm bữa nửa tháng các thương lái lại tìm về để hốt hết hàng, không chừa cái nào rồi đưa đi muôn nẻo. Còn những hộ chằm nhỏ lẻ hoặc chằm giết thời giờ cho vui thì có thể mang ra chợ huyện bán như cụ bà ở đầu bài hay đơn giản là tự thưởng cho mình một cái nón mới. Vào những ngày cận tết, khi lúa đã gieo khắp cánh đồng, những người dân Văn Quỹ tụm năm tụm bảy để đan nón. Ai thắc mắc thì bị vặc ngay: “Bộ tết nhất đến, các bà, các cô chỉ ăn thôi chứ không cần làm đẹp à. Không có nón lấy gì làm đẹp, đừng tưởng nón chỉ để che đầu...”. Có lẽ vậy, nên chị Hoa cho biết rằng giá nón những ngày này lên mức 40-45.000 đồng/cái là chuyện bình thường.

Giữa cuộc cạnh tranh khốc liệt với chiếc mũ vải đa màu sắc, chủng loại và thậm chí là... mũ bảo hiểm, những người làm nón ở Văn Quỹ vẫn tin rằng ngón nghề truyền thống ở địa phương có thể hư hao theo thời gian chứ không bao giờ mất. Cái lý của họ giản đơn rằng: “Là người VN, ai cũng tin rằng, chiếc nón chỉ mất đi khi tà áo dài và bộ đồ bà ba truyền thống không còn nữa. Tất nhiên, đó là điều gần như không thể!”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.