Lãng phí cơ hội

27/04/2020 04:33 GMT+7

Tận dụng dịch bệnh, Thái Lan đã xuất khẩu gạo với giá cao nhất trong gần 1 thập kỷ; Cuba không chỉ thu ngoại tệ mà còn nâng cao hình ảnh đất nước khi "xuất khẩu bác sĩ" tới nhiều nước làm việc...

Chỉ tiếc là không ít cơ hội hiếm hoi trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay lại bị chúng ta bỏ lỡ chỉ vì thiếu phối hợp hay những thận trọng không cần thiết.
Xuất khẩu gạo là ví dụ điển hình. Đến giờ vẫn khiến nhiều người "ấm ức" vì lượng gạo tồn ngoài cảng khiến chi phí oằn lưng doanh nghiệp (DN) trong khi hoạt động xuất khẩu bị giới hạn. Bỏ qua chuyện hạn ngạch lúc nửa đêm; chuyện các bộ, ngành vẫn liên tục có công văn "hỏa tốc" để điều hành một việc vốn dĩ không cần thiết phải nghiêm trọng hóa đến thế thì chuyện bỏ lỡ cơ hội xuất khẩu gạo với giá cao nhất mới là điều đáng tiếc hơn cả.
Tất nhiên trong bối cảnh dịch bệnh, an ninh lương thực phải được đặt lên hàng đầu. Nhưng nếu các bộ, ngành có liên quan làm hết trách nhiệm, phối hợp đồng bộ để nắm rõ lượng lúa gạo trong nước, rằng đặc thù của VN là vụ này nối tiếp vụ kia và năm nay là năm thuận lợi cho sản xuất lúa gạo để tham mưu ngay từ đầu thì rõ ràng chúng ta có thể tận dụng bán gạo với giá cao như nhiều nước đã và đang làm.
Mới đây, lãnh đạo nhiều địa phương ở "vựa lúa" ĐBSCL đã kiến nghị mở cho xuất khẩu gạo bình thường trở lại vì nguồn cung dồi dào, sản lượng thoải mái cho tiêu dùng nhưng câu trả lời vẫn chưa có. Thế là gạo cứ tồn ngoài cảng, giá trên thị trường thế giới cứ cao, các nước khác cứ tận dụng đẩy mạnh xuất khẩu còn DN trong nước thì vẫn cứ phải canh lúc 0 giờ để mở tờ khai vì lượng xuất có giới hạn.
Cũng vì một kiểu "hạn ngạch" theo đề xuất của Bộ Y tế mà các DN sản xuất khẩu trang đành thúc thủ. Cụ thể, muốn xuất khẩu, họ phải bán hoặc hỗ trợ cơ sở y tế trong nước số lượng tối thiểu bằng 20% số lượng ghi trong tờ khai xuất khẩu. Nhưng đâu phải DN nào cũng ký bán ngay được cho cơ sở y tế và ngược lại, đâu phải cơ sở nào cũng có nhu cầu, hoặc có nhu cầu nhưng ít hơn 20%. Vậy DN không lẽ phải chạy tìm nhiều cơ sở để ký bán hay hỗ trợ đến khi đạt tỷ lệ theo yêu cầu mới được xuất khẩu? Đó là chưa kể giá bán khẩu trang y tế cho các cơ sở trong nước lại thấp hơn nhiều so với thị trường trong khi chi phí nguyên liệu đã tăng cao... nên DN cũng chẳng mặn mà. Thế nên dù sản lượng trong nước dư, khẩu trang vẫn tắc đường ra thế giới. Điều này khiến nhiều DN "ngắc ngoải" trên đống tồn kho, không ít đơn vị dư năng lực sản xuất nhưng cũng bó tay trong khi nhu cầu thị trường thế giới vẫn cao. Cơ hội xuất khẩu khẩu trang nói chung... tưởng cứu cho nhiều DN trong bối cảnh kinh tế khó khăn, lại có nguy cơ bị lãng phí dù Thủ tướng đã cho chủ trương, dù VN được đánh giá cao rằng có thể trở thành công xưởng sản xuất khẩu trang của thế giới, dù nhiều DN đã nỗ lực xoay chuyển sang sản xuất khẩu trang, trang phục phòng hộ, trang thiết bị y tế phục vụ phòng chống dịch... để giữ thu nhập và việc làm cho người lao động.
Trong khó khăn, vẫn có cơ hội. Nhưng nếu ai cũng chỉ chăm chăm lo phần trách nhiệm của mình mà không vì cái chung thì cơ hội bị lãng phí.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.