Lãng phí ở tỉnh nghèo - Kỳ 3: Sửa, sửa nữa, sửa mãi…

09/04/2014 03:00 GMT+7

Ở Quảng Bình, có khu đất “vàng” bị bỏ hoang nhiều năm; còn công trình xây dựng rồi để không, không ít công trình được xây thêm hay phá đi một cách khó hiểu.

Ở Quảng Bình, có khu đất “vàng” bị bỏ hoang nhiều năm; còn công trình xây dựng rồi để không, không ít công trình được xây thêm hay phá đi một cách khó hiểu.

Lãng phí ở tỉnh nghèo - Kỳ 3: Sửa, sửa nữa, sửa mãi…

Trụ sở còn mới của Chi cục Dân số và Kế hoạch hóa gia đình Quảng Bình bị cắt để cơi nới vì quá chật hẹp - Ảnh: Trương Quang Nam

Mới hoàn thiện đã sửa chữa

Rất nhiều trụ sở hành chính hay công trình công cộng được thiết kế không phù hợp nhưng đều được chủ đầu tư chấp thuận. Tình trạng này dẫn đến việc thi công không được, mà nếu hoàn thiện thì chẳng phù hợp để sử dụng, thậm chí sớm xuống cấp. Thế là lại có công trình cải tạo, sửa chữa và tiền ngân sách tiếp tục ra đi.

Điển hình là công trình cải tạo, sửa chữa trụ sở Chi cục Dân số và Kế hoạch hóa gia đình, với số tiền 1,2 tỉ đồng. Bà Nguyễn Thị Ngọc Hà, Chi cục trưởng, cho biết vì bị thấm dột và phòng làm việc quá chật nên phải cơi nới. Đơn vị thi công đã cắt, đập bỏ hơn một nửa bề mặt ngoài của tòa nhà còn khá mới và những mảng tường, ô kính phút chốc thành phế thải. Nguyên bản trụ sở 4 tầng này có lẽ được xếp vào diện “hàng độc” bởi có rất nhiều góc cạnh và “siêu mỏng”. Sau khi cải tạo, tòa nhà còn kỳ lạ hơn bởi lối đi hẹp và uốn lượn như thử thách tài trốn tìm.

Ngược thời gian một chút, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh chuyển đến làm việc ở trụ sở mới bề thế hơn nên trụ sở cũ (còn rất tốt) được nhượng lại cho Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh. Mặc dù trước đó Bộ Chỉ huy quân sự đang hoạt động bình thường nhưng ngay sau khi giao cho Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh, tòa nhà này lập tức bị “tùng xẻo” mặt tiền, chỗ thì bị cắt, chỗ lại được xây đắp thêm gạch vào các trụ ở hành lang. Rồi trụ sở của Sở GD-ĐT cũng phải cắt sửa vì thiết kế không phù hợp. Sở Xây dựng thì liên tục thay đổi cổng; Sở NN-PTNT thì đục bỏ lớp đá ốp bên ngoài bền vững để quét sơn…

Ngoài ra, nhiều công trình khác tốn tiền tỉ như đường và hệ thống điện chiếu sáng trục 32 m ở Phong Nha (xã Sơn Trạch, H.Bố Trạch) có giá trị dự toán hơn 41 tỉ đồng (đã thanh toán hơn 32 tỉ đồng), nhưng không có hiệu quả sử dụng vì bố trí ở khu vực chưa có dân cư; công trình giờ đã xuống cấp, hư hỏng. Cũng tại Phong Nha có công trình hệ thống nước sạch với tổng vốn hơn 7 tỉ đồng (đã thanh toán hơn 4 tỉ đồng) mà không sử dụng được vì công trình chưa hoàn thành nhưng phải tạm ngưng vì thay đổi quy hoạch. Hệ thống này dang dở phơi mưa nắng hơn 10 năm nay.

Đất “vàng” bỏ hoang

 

Vung tiền tỉ của nhà nước

Cuối năm 2013, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Bình thành lập đoàn kiểm tra việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong quản lý đầu tư một số công trình, dự án của Sở VH-TT-DL đã phát hiện nhiều sai phạm. Như nghiệm thu thanh toán một số hạng mục thi công không đúng thiết kế, thi công thiếu khối lượng, với số tiền sai phạm hơn 413 triệu đồng. Khi thi công công trình hệ thống nước sạch Phong Nha, Ban Quản lý dự án của Sở VH-TT-DL đã thiếu trách nhiệm, không bảo vệ để mất một số vật tư, thiết bị với số tiền 166 triệu đồng. Khi đoàn kiểm tra thực tế tại công trình mới phát hiện sự việc này. Ngoài ra, Sở VH-TT-DL cũng thiếu chặt chẽ trong việc cho tạm ứng, thu hồi tạm ứng và thanh toán giá trị xây lắp cho đơn vị thi công. Vì thế đến nay chưa thu hồi được hơn 2,6 tỉ đồng tiền tạm ứng, thanh toán vượt khối lượng.

Năm 2005, UBND tỉnh Quảng Bình chấp thuận cho Công ty CP xây dựng công trình 525 (Công ty 525) phân lô bán nền tại dự án Khu trung tâm thương mại và dân cư Hữu Nghị ngay trung tâm TP.Đồng Hới theo cơ chế “đổi đất lấy hạ tầng”. Tổng diện tích của dự án là 99.578 m2, trong đó diện tích đất ở: 34.231 m2 (với 200 lô đất, trong đó có 54 lô biệt thự); diện tích xây dựng khu thương mại: 8.895 m2; diện tích xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, đất dự trữ phát triển: 56.488 m2. Thời gian thực hiện 3 năm. Công ty 525 đã chuyển quyền sử dụng 200 lô đất gần 133 tỉ đồng nhưng chỉ phải nộp ngân sách hơn 30 tỉ đồng. Trong việc này, UBND tỉnh giao đất không qua đấu giá cho Công ty 525, cho phép nhà thầu này tự “chịu trách nhiệm thẩm định, phê duyệt hồ sơ thiết kế, dự toán, tổng dự toán các hạng mục của dự án”. Vì vậy chủ đầu tư đã kê nhiều khoản chi khó hiểu và được trừ trong tiền bán đất.

Trong các văn bản cũng không hề đả động gì đến trách nhiệm của nhà đầu tư với việc xây dựng khu trung tâm thương mại, nên công ty đã bán đất kiếm tiền mà “quên” chuyện xây dựng trung tâm thương mại từ đó đến nay. Lẽ ra hiện phải có một trung tâm thương mại hoành tráng như mong đợi của người dân Quảng Bình, thì ở đó chỉ là bãi cỏ hoang; dĩ nhiên cũng không hề có các khu chức năng, hệ thống cây xanh như “bánh vẽ” ban đầu.

Trong một buổi làm việc với Công ty 525 vào năm 2011, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hữu Hoài kết luận: Dự án triển khai quá chậm, tạo dư luận không tốt trong cán bộ và nhân dân, UBND tỉnh nhiều lần có công văn nhắc nhở, đôn đốc nhưng công ty vẫn không thực hiện. Yêu cầu Công ty 525 phải tích cực, tập trung hoàn thiện các hạng mục còn lại của dự án, khẩn trương bàn giao những hạng mục hoàn thành cho các cơ quan chức năng của tỉnh quản lý.

Tuy nhiên, từ đó đến nay chẳng có động tĩnh gì ở “khu thương mại” đầy cỏ dại, không biết khi nào người dân mới thấy bóng dáng trung tâm thương mại cũng như các hạng mục khác. Hiện tỉnh Quảng Bình phải bắt đầu lại khi tiếp tục kêu gọi đầu tư trung tâm thương mại ở đó.

Trương Quang Nam

>> Lãng phí ở tỉnh nghèo: Tái định cư không thể... định cư
>> Lãng phí ở tỉnh nghèo - Kỳ 2: Xây trường, chợ rồi bỏ không

 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.