Lãng phí ở tỉnh nghèo - Kỳ 9: Những công trình... dân chê

15/04/2014 00:30 GMT+7

Trong các tỉnh phía nam, Tây Ninh đến nay vẫn được coi là tỉnh nghèo, mỗi năm ngân sách T.Ư phải hỗ trợ gần 750 tỉ đồng. Tuy nhiên, thực trạng lãng phí tài sản ở địa phương này rất đáng báo động.

Trong các tỉnh phía nam, Tây Ninh đến nay vẫn được coi là tỉnh nghèo, mỗi năm ngân sách T.Ư phải hỗ trợ gần 750 tỉ đồng. Tuy nhiên, thực trạng lãng phí tài sản ở địa phương này rất đáng báo động.

Lãng phí ở tỉnh nghèo

Chợ biên giới Long Khánh hoang phế ảnh: Giang Phương

Chợ biên giới hoang tàn

 

Trao đổi với Thanh Niên, bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Trưởng phòng Văn hóa - Thể thao (Sở VH-TT-DL tỉnh Tây Ninh), cho biết toàn tỉnh hiện có 95/95 xã, phường, thị trấn có trung tâm văn hóa, trong đó có 76 trung tâm chưa có cơ sở vật chất đạt chuẩn. Số liệu thống kê năm 2013, có đến 32 trung tâm văn hóa hoạt động chưa hiệu quả, 63 trung tâm còn lại hoạt động “làng nhàng”, chỉ có 9 trung tâm hoạt động tốt. Bà Phụng cho rằng, nguyên nhân khiến các trung tâm văn hóa không thu hút được người dân là do cơ sở vật chất nghèo nàn, ít phòng chức năng và vị trí xây dựng xa khu dân cư.

Tại xã Long Khánh (H.Bến Cầu), chợ Long Khánh nằm ở khu vực vùng biên, giáp xã Svay Tiep, tỉnh Svay Rieng (Campuchia), nhiều năm nay đã hoang phế, không một bóng người. Theo một lãnh đạo UBND xã, chợ xây dựng từ 2006, mục đích nhằm tạo điều kiện giao thương hàng hóa, nông sản của người dân 2 tỉnh Tây Ninh và Svay Riêng. Nhưng khi đưa vào hoạt động chỉ có vài tiểu thương vào chợ buôn bán. Cầm cự kinh doanh khoảng 2 năm không hiệu quả, bà con tiểu thương cũng bỏ chợ ra ngoài. Lý giải nguyên nhân tiểu thương chê chợ, Chủ tịch UBND xã Long Khánh Đào Công Minh nhìn nhận: “Người dân trong xã không có nhu cầu, bởi gần đó đã có chợ Long Thuận nên người dân tìm đến đây mua bán là chính”.

Tương tự, chợ vùng biên xã Suối Ngô (H.Tân Châu), được quy hoạch trên diện tích hơn 3.000 m2, với vốn đầu tư khoảng 1,7 tỉ đồng (nguồn vốn từ Chương trình 135 của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất cho các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới...), sau hơn 5 năm đi vào hoạt động thì đến nay cũng được... dự kiến phải đập bỏ để cải tạo chợ mới vì không hiệu quả. Thời gian đầu khi mới khánh thành, chợ này cũng thu hút gần 40 hộ đăng ký kinh doanh buôn bán nhưng chỉ một thời gian ngắn sau thì bà con đều lần lượt bỏ đi. Chính quyền xã quyết định không thu tiền thuê sạp để “lôi kéo” tiểu thương vào chợ nhưng hiện chỉ còn vài hộ bám trụ lại với hy vọng có một “suất” ở khu chợ mới, dự định sẽ được xây dựng trong thời gian tới.

Nhiều người cho rằng nguyên nhân khiến các tiểu thương phải bỏ chợ là vì khu chợ được thiết kế nhà lồng có hình chữ Y, bên trong rất âm u, khó bố trí được các sạp dẫn đến buôn bán ế ẩm. UBND xã Suối Ngô cũng cho rằng, để đưa bà con tiểu thương vào chợ thì phải phá bỏ chợ cũ để xây lại vì cấu trúc không phù hợp. Chợ mới sẽ tận dụng lại nền bê tông nhà lồng cũ, xây mới nhà lồng chợ, khu kinh doanh ngoài trời, 2 dãy ki ốt hai bên và các hạng mục khác... với kinh phí gần 10,2 tỉ đồng.

Trung tâm văn hóa... xa dân

Trong khi các chợ xã vùng biên hoang tàn xuống cấp thì thực trạng các công trình sinh hoạt văn hóa cộng đồng ở Tây Ninh cũng không khá hơn được.

Có mặt tại Trung tâm văn hóa xã Long Khánh (H.Bến Cầu) hôm 13.4, PV ghi nhận cả 4 phòng chức năng đều đóng cửa im ỉm dù là ngày trong tuần và cũng không có người trực. Ông Đào Công Minh, Chủ tịch UBND xã Long Khánh, phân trần: “Nhu cầu của người dân thì có nhưng do vị trí của trung tâm không nằm giữa các ấp nên hầu như chỉ phục vụ cho người dân ở ấp Long Châu. Trong khi đó, người dân ở 3 ấp khác là Long Phú, Long Cường, Long Thịnh nằm cách xa hơn nên ít tìm đến. UBND xã cũng đã đề nghị cấp trên dời trung tâm sang vị trí mới để phục vụ tốt hơn". Ông Minh cho biết, dự kiến vị trí mới được quy hoạch rộng gần 2 ha với hội trường 250 chỗ ngồi và 5 phòng chức năng. Ước tính đầu tư công trình này khoảng 4 tỉ đồng.

Tương tự, các trung tâm văn hóa xã Thái Bình, Trí Bình, Thanh Điền, Hòa Hội, Hòa Thạnh (H.Châu Thành); Thạnh Bắc, Hòa Hiệp (H.Tân Biên); Tân Đông, Tân Hòa, Tân Hưng (H.Tân Châu) cũng chung tình trạng “vắng như chùa Bà Đanh”.

Trong khi đó, nhiều nơi lại đang chuẩn bị quy hoạch để xây dựng trung tâm mới khiến nhiều người hoài nghi, lo lắng về tính hiệu quả cũng như sự lãng phí ngân sách của nhà nước.

Giang Phương

>> Lãng phí ở tỉnh nghèo - Kỳ 7: Công trình tiền tỉ... ngập phân bò
>> Lãng phí ở tỉnh nghèo - Kỳ 8: Nhà tang lễ thành nơi... nuôi heo  

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.