Lãng phí tài nguyên du lịch

19/02/2010 01:27 GMT+7

VN chính thức mở cửa đón khách quốc tế đã hơn 20 năm, nhưng trong khu vực vẫn lận đận xếp hàng sau Thái Lan, Singapore, Malaysia, Indonesia với một khoảng cách rất xa về số lượng khách đến, và đang lo lắng trước sự trỗi dậy của Campuchia, Philippines! Trên thực tế, những lợi thế của các tài nguyên du lịch (biển, văn hóa...) đang được VN khai thác kém hiệu quả. Nói cách khác là đang lãng phí!

Khóa kín mặt tiền biển

80% du khách chọn biển làm nơi nghỉ ngơi khi tới VN, hơn 70% điểm đến trong nước là biển. Thế nhưng, việc thiếu quy hoạch tổng thể đã khiến nhiều bãi biển tuyệt đẹp ở VN bị khóa kín bằng những dự án resort chật như nêm.

Hậu quả của chuyện biến bãi biển chung thành của riêng là không thể phát triển các dịch vụ hậu cần du lịch và mở rộng hạ tầng du lịch vào sâu bên trong, mà chỉ hạn chế ở mặt tiền biển.

“Về nguyên tắc, khi quy hoạch bãi biển là không đụng tới bãi biển… Theo tôi, các bãi biển VN nên được quy hoạch lại sao cho mang tính đặc thù và khác biệt; đồng thời đảm bảo cảnh quan, môi trường… Muốn như vậy, cần phải có nhạc trưởng cho quy hoạch biển” - Ông Nguyễn Văn Mỹ - Giám đốc Công ty du lịch Lửa Việt

Phân lô bán bãi biển

Phuket của Thái Lan được xem là thiên đường của du khách, là “thành phố không bao giờ ngủ”. Năm ngoái, Phuket đón hơn 5 triệu lượt khách quốc tế; số lượng phòng lên tới 40.000, với 720 khách sạn, resort trên 3 sao, trong khi dân số chỉ khoảng 330.000 người! Dọc theo chiều dài hàng chục cây số của bãi biển Patong ở đâu cũng có bóng dáng khách nước ngoài. Họ thoải mái đi dạo trên bãi biển, hoặc sử dụng các dịch vụ tắm nắng, nghỉ ngơi. Tuyệt nhiên không có nhà nghỉ, khách sạn, nhà hàng, quán bar, cửa hàng mua sắm... trên bãi biển. Tất cả đều nằm phía bên kia đường và sâu vào trong khu dân cư. Pattaya, một địa điểm du lịch nổi tiếng khác của Thái Lan, cũng được quy hoạch giống như vậy. Ngành du lịch nước này luôn đặt mục tiêu ngày càng thu hút nhiều hơn du khách VN.

Trong khi đó, các bãi biển nổi tiếng của VN, nơi thu hút một lượng lớn du khách đến nghỉ ngơi, đang được khai thác như thế nào? Mũi Né (Phan Thiết, Bình Thuận) chỉ trong vòng 15 năm, từ một vùng cát hoang vắng, nhờ khách tới xem nhật thực hồi năm 1995, đã nhanh chóng trở thành địa chỉ du lịch không chỉ của khách quốc tế. Nhưng khoảng chiều dài bãi tắm hơn 15 cây số bờ biển này là resort, nhà hàng, quán xá chen lẫn. Bãi biển không còn của chung du khách và người dân nữa, mà bị xé vụn thành những khu riêng thuộc sự quản lý của mỗi nhà đầu tư. Thực trạng này cũng đang diễn ra ở một số vùng biển khác của tỉnh Bình Thuận, Đà Nẵng, Quảng Nam, Phú Quốc, đặc biệt là Bà Rịa - Vũng Tàu. Cả Bãi Trước và Bãi Sau ở thành phố Vũng Tàu nhiều nơi được cho phép xây dựng nhà hàng, nhà nghỉ, che chắn tầm mắt nhìn ra biển.

Dân hết đường xuống biển

Bãi biển Dương Đông, Phú Quốc, từ Dinh Cậu đến Cửa Lấp có đến hàng chục dự án được cấp phép đầu tư khai thác bãi biển. Mỗi dự án đều gắn với một đoạn bờ biển dài từ vài trăm mét đến khoảng 1.000 mét. Các chủ dự án này đều thực hiện việc chiếm giữ bãi biển làm “của riêng”. Có nơi còn rào lại phần bãi biển trên diện tích đất của dự án được cấp phép. Một số dự án khác thì cho bảo vệ canh giữ ở hai đầu, cấm khách bên khu khác qua lại.

Bình Thuận, nơi được mệnh danh là “thủ đô resort” của Việt Nam, đang có khoảng 120 resort từ 3 sao trở lên. Tất cả các resort của Bình Thuận đều nằm sát phía bờ biển và nối liền nhau, không hề còn một khoảng trống nào cho người dân có thể xuống biển. Chiều dài bờ biển hiện nay đều thuộc “chủ quyền” bởi các... resort. Bãi biển khu vực P.Hàm Tiến (TP Phan Thiết) chỉ có một hoặc hai con hẻm nhỏ cho người dân địa phương “lách” resort mà xuống biển. Nhìn rộng ra hết tỉnh, suốt chiều dài 192 km bờ biển từ Thắng Hải (H.Hàm Tân, giáp Bà Rịa- Vũng Tàu) đến Cà Ná (H.Tuy Phong, giáp ranh với Ninh Thuận) đều được cấp cho các dự án xây dựng các resort hoặc các khu biệt thự, chung cư cao cấp. Bãi biển duy nhất gọi là nơi tắm biển công cộng của TP Phan Thiết còn sót lại chính là bãi biển Đồi Dương (TP Phan Thiết).

Trúc Lâm - Chí Nhân - Quế Hà

Chỉ khai thác phần ngọn

Theo ông Boris Fabres, cố vấn cao cấp của Trung tâm Bảo tồn sinh vật biển và phát triển cộng đồng, Hiệp hội vườn quốc gia và Khu bảo tồn thiên nhiên VN, 80% du khách chọn biển làm nơi nghỉ ngơi khi tới VN; hơn 70% điểm đến trong nước là biển; kế hoạch của VN là tới năm 2020 khu vực biển sẽ đóng góp 50% GDP quốc gia.

VN có chiều dài hơn 3.260 km bờ biển, 2.273 đảo ven bờ, 44 vũng vịnh nhỏ, 1.120 rạn san hô, 225.500 ha rừng ngập mặn... Tuy nhiên, hiện tại ngành du lịch chỉ tập trung khai thác phần ngọn là các bãi biển dọc bờ, mà không đầu tư phát triển những sản phẩm du lịch biển khác, chẳng hạn hệ thống các đảo. Phú Quốc, Hòn Lao (Nha Trang) thì quy hoạch manh mún; Côn Đảo bị hạn chế về các phương tiện đi lại; những đảo còn nhiều hoang sơ để cho khách du lịch khám phá như Phú Quý, Cù Lao Câu... thì không được chú trọng.

Ngoài ra, với hơn 200 ngọn hải đăng trải dài trên khắp vùng biển cả nước, cũng là địa chỉ thật sự thu hút du khách. Đáng kể có hải đăng mũi Đại Lãnh (Phú Yên), nơi đón ánh nắng mặt trời đầu tiên trên cả nước; hải đăng Khe Gà ở Phan Thiết hơn 100 năm tuổi; hải đăng trên Núi Nhỏ ở Vũng Tàu...

Năm 2006, Công ty Lửa Việt từng đưa tour mới tham quan hải đăng chào bán cho khách, nhưng nhanh chóng “phá sản” vì không nhận được bất kỳ sự hợp tác nào. “Kinh doanh du lịch là phải luôn tìm tòi ý tưởng xây dựng sản phẩm mới lạ, sáng tạo để đưa ra sản phẩm mới hoặc làm mới sản phẩm cũ. Hải đăng là điểm tham quan tuyệt vời nếu chúng tôi nhận được sự hợp tác và ủng hộ của các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương”, ông Nguyễn Văn Mỹ, Giám đốc Lửa Việt, than thở.

Trả giá đắt

Hậu quả của việc thiếu quy hoạch trong quá trình phát triển bãi biển ở VN phục vụ du lịch để lại những hệ lụy dài lâu, khó khắc phục. Trong đó, nổi cộm hai vấn đề: ô nhiễm môi trường biển và hạn chế khả năng phát triển dịch vụ du lịch biển.

“Đối với Mũi Né, ngoài việc thu tiền của khách thuê phòng ngủ, còn lại Phan Thiết không có nguồn thu nào đáng kể khác từ dịch vụ hậu cần du lịch. Trong khi, nguồn thu từ dịch vụ mới chính là nguồn thu lớn. Nếu các resort ở Mũi Né được quy hoạch bên trong, không tiến ra bãi biển, tôi cho rằng tiềm năng của nơi này còn được khai thác nhiều hơn, chứ không phải dừng lại như hiện nay”, ông Trần Vĩnh Lộc, Giám đốc Công ty du lịch Lạc Hồng Viễn Du, nói.

Ngành du lịch ở các tỉnh miền Trung nói chung và Đà Nẵng nói riêng thường gánh chịu cảnh... nghỉ đông kể từ tháng 9 cho đến tháng 1 hằng năm. Một phần do mưa, bão và liên tiếp có không khí lạnh từ miền Bắc tràn xuống; nhưng một phần khác cũng không kém quan trọng, đó là thiếu rất nhiều các loại hình dịch vụ, thể thao, vui chơi gắn với biển! Tại Quảng Nam, tình hình cũng không khá hơn khi chỉ mới tập trung khai thác được một “rẻo” rất nhỏ ở ven Hội An và Điện Dương (H.Điện Bàn).

Gia Thạnh

Theo lý giải của ông Lộc, vì bãi biển bị chiếm hết nên phía bên trong khó phát triển dịch vụ hay xây dựng thêm khách sạn, bởi khách không còn đường nào để ra biển tắm hay sử dụng các dịch vụ thể thao trên biển. Kinh nghiệm của Thái Lan và các nước có bãi biển đẹp cho thấy điều đó. Không nơi nào resort, khách sạn... ngang nhiên án ngữ mặt tiền biển như ở VN!

Trong khi hệ thống resort, khách sạn, nhà hàng thi nhau mọc lên ven biển, thì vấn đề môi trường đang bị bỏ ngỏ. Theo một nghiên cứu của Viện Tài nguyên - Môi trường TP.HCM, mỗi ngày các khu du lịch, khách sạn ở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thải ra 1.600m3 nước thải, nhưng chỉ có khoảng 300m3 được xử lý, còn lại hầu như đổ thẳng ra biển. Tại Nha Trang, mỗi ngày có khoảng 10 tấn rác thải du lịch thải xuống biển, chưa tính rác thải của tàu thuyền du lịch trên sông. Hầu hết các bãi biển dọc khu vực miền Trung, đặc biệt từ Bình Định trở vào tới Vũng Tàu, đều bị ô nhiễm hữu cơ nước biển ven bờ. PGS-TS Nguyễn Văn Phước, Viện trưởng Viện Tài nguyên - Môi trường TP.HCM, cho biết nhiều bãi biển VN bị đục hóa với hàm lượng bùn vượt quá mức cho phép, nguyên nhân chủ yếu do khai thác du lịch biển trong thời gian qua.

N.Trần Tâm

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.