Lãng phí tài nguyên du lịch: Vắng khách trên “hành lang du lịch”

24/02/2010 22:59 GMT+7

Sự thiếu hợp tác đang làm lãng phí tiềm năng phát triển du lịch lớn của Hành lang kinh tế Đông - Tây. Đó là điều thật sự đáng lo ngại.

Tuyến Hành lang kinh tế Đông - Tây (EWEC) nối từ Myanmar qua Thái Lan, Trung Lào đến Đà Nẵng (VN) dài 1.450 km chính thức thông tuyến từ tháng 11.2006 với vốn đầu tư trên 200 triệu USD là niềm hy vọng phát triển và giao lưu to lớn - đặc biệt là du lịch - cho khu vực. Nhưng những gì ghi nhận được cho thấy tiềm năng vẫn... còn tiềm ẩn.

Theo đánh giá của ông Ayumi Konishi, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại VN, vẫn tồn tại 4 trở ngại lớn bao gồm: Những hạn chế về hoạt động của các phương tiện cơ giới nước ngoài, cũng như những tiêu chuẩn khác nhau về kích cỡ phương tiện, về trọng tải và an toàn. Thủ tục hải quan không đồng bộ, không tương thích... Vận chuyển, đi lại quá cảnh khó khăn. Cuối cùng là những hạn chế về thị thực. Bên cạnh đó, theo ông Ayumi Konishi, vẫn còn những hạn chế đáng kể về hoạt động của người điều hành phương tiện vận tải nước ngoài và điều hành dịch vụ xe buýt trong lãnh thổ các nước EWEC...

Rào cản đối với các đoàn caravan

Ghi chép của chúng tôi khi làm việc với cơ quan xuất nhập cảnh tại cửa khẩu Lao Bảo về lượng khách du lịch qua cửa khẩu này cho thấy: Trong 8 tháng đầu năm 2008, lượng du khách Thái Lan đến VN là 95.552 lượt, giảm 4% so với 8 tháng đầu năm 2007 (99.873 lượt). Trong năm 2009, tổng lượt khách qua lại cửa khẩu này là 240.322 lượt chia đều cho cả đi và đến.

Một giám đốc công ty lữ hành tại Đà Nẵng và Quảng Nam thường xuyên mở nhiều tour du lịch trên tuyến EWEC cho biết tuy đã có nhiều cải thiện trong 5 năm qua về thủ tục qua lại cửa khẩu cho phương tiện và người, nhưng vẫn tồn tại nhiều bất cập. Chính vì vậy việc đầu tư hàng trăm triệu USD cho dự án lớn này vẫn còn nhiều lãng phí.

Trước hết là vấn đề tay lái thuận nghịch. Các đoàn caravan tay lái nghịch quốc tịch Thái nay được phép vào VN theo đoàn, nhưng đơn vị dịch vụ ở VN vẫn phải mất thời gian ít nhất 1 tuần trước khi đón khách để lấy giấy phép từ Bộ VH-TT-DL. Nếu đoàn xe mang quốc tịch khác như Malaysia, Singapore... thì phải có giấy phép của Chính phủ sau khi có chữ ký của nhiều bộ, ngành khác. Do vậy thời gian có khi kéo dài cả tháng.

Các doanh nghiệp VN tham gia hội chợ, triển lãm về du lịch ở Thái, Lào có thể mang hiện vật dễ dàng qua cửa khẩu, nhưng các doanh nghiệp Thái mang hàng hóa vào tham dự hội chợ, triển lãm tại VN thường chịu kiểm tra đến vài ba ngày ở cửa khẩu nếu không có sự can thiệp trước của các đơn vị hữu quan.

Một hướng dẫn viên (HDV) du lịch trên tuyến cho biết đến nay, thủ tục xuất nhập cảnh cho người tuy đơn giản hơn nhưng vẫn chưa thống nhất về biểu mẫu giữa 3 nước. Do thủ tục rườm rà, mỗi chuyến xe chở khách du lịch qua cửa khẩu Lao Bảo và Cầu Treo thường mất thời gian gấp đôi so với cửa khẩu Lào và gấp 3 - 4 lần so với cửa khẩu Thái Lan.

Chính các thủ tục còn rườm rà và nhiêu khê đó, theo các công ty lữ hành VN hoạt động tại miền Trung, đã tạo ra những

rào cản không nhỏ cho các luồng du khách đổ vào.

“Cùng ôm nhau... chết”

Người viết bài này năm nào cũng có ít nhất một lần đi trên tuyến EWEC và ghi nhận thêm những việc cụ thể sau đây.  

Trước hết là việc cạnh tranh không lành mạnh và thiếu chuyên nghiệp của các công ty lữ hành phía VN. Giám đốc Công ty lữ hành Hội An Travel Nguyễn Sơn Thủy khái quát rằng: “Đó là sự cạnh tranh để cùng ôm nhau... chết”. Một khách Thái đi VN trong 7 ngày thường mua tour tại Bangkok với giá 99.000 baht (300 USD), nhưng có đơn vị sẵn sàng hạ xuống mức 89.000 baht để giành khách. “Giảm giá tour sẽ kéo theo giảm chất lượng các dịch vụ, sẽ làm hạ uy tín chung của cả ngành, đó là điều cấm kỵ”, anh Vivalam Hoang, một HDV Việt kiều tại Bangkok nói.

Một sự bất tương thích lớn nhất của du lịch trên tuyến EWEC là các dịch vụ trên đường. Suốt từ cửa khẩu Lao Bảo về đến Đông Hà, Đà Nẵng, Hội An (gần 300 km) không có những trạm dừng chân đúng tiêu chuẩn mà người Thái và người Lào đã có từ rất lâu. Các HDV thường cho xe dừng ở các quán ăn, khách sạn, cây xăng dọc đường để... tiểu tiện. Điều đơn giản này đã được nhiều doanh nghiệp Thái Lan nêu lên tại Hội nghị du lịch 3 nước Việt - Lào - Thái hồi năm 1998 ở Savannakhet và gần đây, tại Roadshow du lịch miền Trung tổ chức tại Bangkok đã được lặp lại rất gay gắt. Nhưng đâu vẫn vào đấy.

Dọc miền Trung mỗi năm còn có hàng trăm lễ hội văn hóa - lịch sử đặc sắc. Đó là nguồn vốn quý của phát triển du lịch lẫn giao lưu văn hóa. Nhưng chắt lọc và tổ chức thành một chuỗi sự kiện để đưa vào các tour mời chào du khách quốc tế thì vẫn chưa ai làm.

Lực lượng HDV tiếng Thái yếu cũng là một vấn đề. Một thị trường du khách đầy tiềm năng trên EWEC cần một lượng HDV tiếng Thái, thậm chí tiếng Mã Lai, tiếng Lào đông đảo, nhưng nhìn kỹ chỉ đếm được trên đầu ngón tay ở Huế và Đà Nẵng. Còn Quảng Nam chưa có HDV nào nói được tiếng Thái. Gần đây có vài sinh viên du học tại Thái và vài người lớn tuổi từng ở Thái Lan về tranh thủ làm thêm, nhưng chất lượng chưa cao vì vốn văn hóa hạn chế.

Cuối cùng, sự kết hợp để cùng chia sẻ lợi ích trong chuỗi giá trị mà du lịch đem lại ở miền Trung cũng là điều đáng quan tâm. Ở Thái Lan, HDV du lịch làm việc không có lương, nhưng họ là sợi dây kết nối giữa du khách - công ty lữ hành - nhà hàng - khách sạn - siêu thị, chủ xe vận chuyển và cả điểm bán hàng lưu niệm. Họ được du khách trả tiền tip, được các cơ sở trên trả hoa hồng trên doanh thu nên làm việc cật lực và chuyên nghiệp. Trong khi đó, một giám đốc lữ hành ở Đà Nẵng nói: HDV du lịch ở ta có lương, có phụ cấp đi đường, công tác phí nên “ăn cây nào, rào cây đó”. Vài HDV năng nổ tuy làm được các thao tác trên, cũng chỉ được coi là các “mánh” riêng lẻ.

Trương Điện Thắng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.