(TN Xuân) Mình có mười năm sống ở phố cổ Hà Nội. Nhà mình ở phố Lò Sũ, con phố chỉ chừng vài trăm mét, từ đó ra hồ Hoàn Kiếm cũng chỉ vài trăm mét. Sáng nào mình cũng chạy ba vòng quanh Bờ Hồ rồi lững thững vòng quanh các phố hưởng cái tinh mơ Hà thành hoặc đi bộ đến phố Lý Quốc Sư rủ Lê Thiết Cương đi ăn phở, ở đấy có quán phở ngon nổi tiếng. Xong lại đi bộ nữa đến phố Nhà Chung rủ Nguyễn Việt Hà ra góc sân nhà thờ Lớn uống cà phê tán phét. Phố cổ Hà Nội như một ngôi làng cổ, nhà này đến nhà kia chỉ cần đi bộ, xa lắm cũng chỉ một cuốc xích lô.
Đôi khi mình cùng Phạm Xuân Nguyên đi bộ đến cà phê Lâm phố Nguyễn Hữu Huân, quán cà phê nổi tiếng Hà thành ngày xưa, nơi danh sĩ Bắc hà vẫn thường tụ bạ. Cà phê Lâm bây giờ vẫn ngon, cái ngon xưa cũ, ai sành cà phê mới thấm. Mình chẳng sành cà phê, ngồi ở đấy chỉ để nhớ ngày xưa Văn Cao, Bùi Xuân Phái, Dương Bích Liên… đã từng ngồi ở đấy.
|
Vào quán cà phê Lâm không phải để nói, một người một ly cà phê phin, một điếu thuốc cứ thế mà trầm ngâm, chẳng ai nói với ai. Từ nhà mình đến cà phê Lâm chỉ vài trăm mét, hầu như ngày nào mình cũng đến đấy ngồi một mình cả tiếng đồng hồ, chỉ ngồi im thế thôi, chẳng nghĩ ngợi gì. Ấy là cái thú của những ai có tâm trạng như Thi Hoàng: “Có những buổi chiều không biết cất vào đâu”.
Có lần mình gặp Trịnh Công Sơn ở đấy, anh cũng cà phê một mình. Anh nói mỗi lần ra Hà Nội dù bận rộn thế nào cũng tới cà phê Lâm, chỉ đến một mình không cùng ai. Không phải để nhớ các danh sĩ Bắc hà như Lập, chủ yếu để hưởng cái thú trầm ngâm của dân phố cổ Hà thành.
Bây giờ mình mới để ý nhiều đến những gì gọi là cá tính dân phố cổ, ấy là tĩnh, thong thả và trầm ngâm. Dân phố cổ vốn là dân Kẻ Chợ xưa, ra mặt ngoài xởi lởi ồn ào, chạy ngược ngước xuôi, nói năng bặm trợn, khi thu vào phía trong ngõ phố người ta thèm biết bao nhiêu cái tĩnh cái thong thả, và trầm ngâm cũng từ nỗi thèm khát ấy mà ra.
Mình đọc được một tài liệu nào đó nói rằng kiến trúc phố cổ bắt đầu từ kiến trúc ba gian, bố trí thành nhiều lớp cách nhau bằng một sân nhỏ. Khi con cái lớn lên, ngôi nhà ấy phát triển theo chiều cao và chiều sâu, có nhà sâu tới hàng trăm mét. Sau này các ngôi nhà lớn ấy trở thành một xóm dân cư, mỗi ngõ là một xóm. Cái xóm thiếu sáng thiếu khí ấy tuồng như nằm dưới đáy cuộc sống, tĩnh lặng và bí mật. Cái sân nhỏ xưa trở thành giếng trời, dân trong xóm chung nhau cái giếng ấy như ở thôn quê dân trong xóm chung nhau một cái giếng làng vậy. Ấy là nơi giao tiếp của cả xóm, rồi ai nấy thu về góc riêng nhà mình, tĩnh lặng và bí mật.
Phố cổ Hà thành mặt ngoài là phố thị, mặt trong là làng quê. Vào ngõ thấy yên tĩnh lạ thường, ai nấy khép kín trong ngôi nhà nhỏ của mình, đi nhẹ nói khẽ. Người trong xóm ít ai nói chuyện ồn ào, chào nhau bằng nụ cười bằng mắt, thế là quá đủ. Ở phố cổ nhiều xóm không có ngõ. Muốn vào nhà phía trong phải thông qua nhà ngoài. Khách khứa đi qua nhà ngoài cứ thế mà đi, khỏi cần chào hỏi. Người nhà cũng ít ai hỏi đi đâu đấy, vào đấy làm gì. Nếu khách đi qua nhà người ta cứ nhìn ngắm lung tung, chào hỏi linh tinh thế nào cũng bắt gặp cái nhìn khinh khỉnh khó chịu. Có lẽ những va chạm do chật chội, những giao tiếp nặng tính xã giao không thích hợp với văn hóa làng vốn là hồn cốt của phố cổ nên người phố ghét sự vồn vã đãi bôi dù hằng ngày họ phải dùng nó mỗi khi nháo ra mặt ngoài kiếm sống.
Tạo hóa đã cho phố cổ một khoảng lặng lớn, ấy là Bờ Hồ. Dân phố cổ ra đấy để ngồi ngắm mặt hồ phẳng lặng, chẳng ai ra đấy để tụm năm tụm ba nói chuyện ồn ào, cái đấy dành cho khách vãng lai. Nhiều người đi lại thong thả quanh hồ, chỉ đi một mình với vẻ trầm ngâm rất chi là dân phố cổ, ít ai cặp đôi cặp ba vừa đi vừa nói chuyện như khách vãng lai. Thế mới biết dân phố cổ thèm yên tĩnh biết nhường nào, thèm và sợ mất đi yên tĩnh và thong thả ngàn năm tạo hóa đã dành cho họ.
Cho nên nhiều khi mình cứ nghĩ vẩn vơ, rằng giá phố cổ Hà thành không có ô tô xe máy, cả xe đạp xích lô cũng không, sự nháo nhác ồn ào người và xe chen chúc chẳng những chèn ép tâm tính phố cổ mà còn phá vỡ kiến trúc tĩnh ngàn năm ông bà mình để lại.
Mình cứ nghĩ vẩn vơ, rằng mình và hầu hết những ai bây giờ về phố cổ không phải muốn về nơi phố xá ồn ào mà muốn về ngôi làng - phố chợ, một siêu thị cổ xưa, ấm áp và thân thiện. Dân Việt cổ xưa đi chợ cũng là đi chơi, bán mua là phụ rong chơi là chính, vậy thì tại sao chính quyền lại đổ lên phố cổ trách nhiệm của một trung tâm thương mại?
Ép cũng chẳng được. Cùng với thời gian phố cổ đã dần tước bỏ tính thương mại để lấy lại vẻ đẹp văn hóa ngàn năm của nó. Hàng Than chẳng còn than, Hàng Tre chẳng còn tre, Hàng Bạc Hàng Gai Hàng Chai Hàng Thùng… chẳng còn dấu vết hàng hóa mang tên chúng. Không bán mua không ra chợ nhưng mình cứ nghĩ vẩn vơ, rằng chợ Đồng Xuân chắc rồi cũng sẽ rũ bỏ nốt trách nhiệm thương mại để trở thành cái chợ làng cổ xưa, nơi người ta đi chợ như đi hội.
Ừ, mình cứ nghĩ vẩn vơ rằng bảo tồn phố cổ là trả về cái tĩnh, cái thong thả, cái trầm ngâm đất Thăng Long ngàn năm trước, bên một Hà Nội hiện đại ồn ào náo nhiệt và gấp gáp. Sao cho khi đã mệt mỏi với những ồn ào náo nhiệt của Hà Nội hiện đại, người ta có thể về với Thăng Long xưa, yên tĩnh và thong thả trên những nẻo đường thiêng, đất tiên tổ nghìn năm trước. Cho tất cả những ai chưa có điều kiện trở về ngôi làng cũ của mình để hưởng thụ cái tĩnh, cái thong thả, cái trầm ngâm ngàn vàng khôn chuộc, người ta có thể rảo bước về phố cổ.
Mình nghĩ vẩn vơ vậy đó, chẳng biết có đúng không?
Nguyễn Quang Lập
>> Cháy ở khu phố cổ Hà Nội
>> Sống ở phố cổ Hà Nội - Kỳ 1: Nhật ký một đêm phố cổ
>> Phố cổ Thới Bình
>> Khách 'Tây' khốn khổ ở phố cổ
>> Sẽ di dời 70% dân phố cổ
Bình luận (0)