(iHay) Tháng 12, những ngày Đà Lạt rục rịch đón Giáng sinh và năm mới, thời tiết đẹp đến nao lòng. Mùa đông năm nay không lạnh như mọi năm, không có những đợt gió rét đến mức làm người đi đường co ro không muốn bỏ tay ra khỏi túi áo khoác.
>> Đà Lạt tuyệt đẹp trong nắng và sương
Đêm. Đà Lạt có những cơn mưa phùn lay phay nhè nhẹ với những cơn gió lạnh luồn từng cơn sau tóc.
Không có sự ồn ã tấp nập, chèo kéo nhuốm màu thương mại như các chợ đêm ở Hà Nội và TP.HCM, chợ đêm Đà Lạt diễn ra đúng như tính cách của người bản xứ: nhẹ nhàng và thân thiện.
Trời lạnh mà ăn món nướng thì tuyệt. Bánh tráng nướng mỡ hành và trứng gà, bắp nướng, khoai nướng, mực khô nướng, xúc xích nướng, bạch tuột nướng… đều có thể coi như đặc sản nướng ở Đà Lạt. Hít hà món nướng chấm với tương ớt cay nồng trong cái lạnh của mùa Giáng sinh lại càng tuyệt.
Tuy nhiên, để thưởng thức những món nướng đỉnh cao nhất như nhím nướng ngói, thỏ nướng ngói, chị Hằng bán hàng tại chợ đêm Đà Lạt khuyên tôi: “Muốn ăn các món nướng tươi ngon em nên đến đường Lương Văn Bằng. Còn ở chợ, tụi chỉ chỉ bán “dã chiến” thôi”.
Chị nói bằng giọng Quảng, nhưng cách phục vụ, thái độ, đúng nghĩa của một người Đà Lạt. Quả thật, Đà Lạt được rất nhiều người đến từ miền Bắc, Huế, Quảng Nam... nhận làm quê hương từ mấy mươi năm nay. Đi đâu cũng nghe giọng Đà Lạt nhè nhẹ như sương, như khói, thảng hoặc lại chen vào giọng miền Trung rất thú vị.
Em gái tên Hà bán bánh tráng nướng bên bờ hồ Xuân Hương đang phụ bán cho mẹ kể nhà của em ở cách đây hơn chục cây số tận trong xã Lát, huyện Đơn Dương. Hà có nét mặt là lạ của cô gái người Mông Cổ: mắt một mí, hai má đỏ hây hay. Em nói đang đi học nhưng vào mùa du lịch hầu như đêm nào cũng ra đây phụ bán cho mẹ, rồi về ngủ hôm sau đi học.
Một trái bắp nướng em bán 8.000 đồng. Khách lấy 2 trái đưa 20.000 đồng và nói khỏi thối lại. Em cầm nhưng ánh mắt cứ e ngại, chần chừ và cả lúng túng. Hà chỉ là cô bé quê phụ mẹ bán hàng, nên em chưa thể biết cách lấy tiền từ khách một cách chuyên nghiệp như các bé ở vùng cao đã bị thương mại du lịch hóa như Sa Pa.
Đồ len, thổ cẩm không thể thiếu tại chợ đêm Đà Lạt. Và muốn tậu một chiếc áo ấm đẹp, rẻ, bạn có rất nhiều sự lựa chọn. Trong khi tìm mua chiếc khăn choàng len được đan tay của người phụ nữ Đà Lạt, bạn đừng bỏ qua một dịch vụ hấp dẫn khách là vẽ truyền thần bằng bút chì.
“Vẽ chân dung 10 phút”, quảng cáo là vậy nhưng xong một bức phải hơn 30 phút. Nên muốn có chân dung bút chì đẹp, bạn nên quan sát kỹ ai vẽ có hồn nhất, rồi đặt vẽ, ngồi để vẽ hoặc đưa hình để vẽ lại. Vẽ trước, đi dạo xong chợ rồi quay lại lại lấy là vừa. Một bức vẽ trên gỗ có giá từ 150.000 - 200.000 đồng/bức.
|
Nếu chịu khó đi len vào bên hông chợ, đôi khi bạn bắt gặp được mùi hương thơm nồng, đặc trưng của buồng chuối la ba đặc sản Đà Lạt. Những quả chuối còn thâm kim (hay còn xanh) khi chín tự nhiên sẽ ngon và an toàn nhất. Khí hậu của vùng cao này cho ra những quả chuối có vị bùi, dẻo, thơm mà không phải xứ nào cũng có được.
Dâu tất nhiên không thiếu tại Đà Lạt. Nếu mua dâu, khuyên bạn đừng chọn những quả dâu to mọng đỏ, chính người bán cũng nói nó được bơm đầy thuốc. Những quả dâu nhỏ quắt queo xấu xí lại được khuyên nên mua ăn và làm quà.
|
Đi bộ đến rã chân trong chợ đêm, ăn đồ nướng rồi thì bạn nên ăn thêm chén đậu hũ nóng tráng miệng. Nếu còn "sung sức", nếu vẫn muốn tiếp tục lang thang với đêm Đà Lạt trong không khí và không gian lãng mạn hiếm có này, bạn có thể dạo quanh bờ hồ Xuân Hương.
Đà Lạt những ngày cuối năm, thời tiết đủ lạnh để bạn có thể diện đồ đẹp, trở nên dễ thương hơn và cảm thấy yêu đời hơn. Nhưng Đà Lạt những ngày cuối năm cũng đủ “nóng" để bạn nạp thêm năng lượng, cảm thấy đầy sức sống chào đón một năm mới cận kề.
Du ký của Nguyên Nga
>> Đà Lạt vàng rực mùa dã quỳ
>> Đà Lạt mộng mơ và xao xuyến
>> Tham quan trọn vẹn Đà Lạt trong 8 phút
Bình luận (0)