Lãnh đạo Liên Xô Brezhnev từng lái xe chở Tổng thống Mỹ Nixon

Phạm Bá Thủy
Phạm Bá Thủy
28/06/2018 20:26 GMT+7

Tháng 6.1973, tại sân bay Vnukovo-2 ở Moscow, Tổng bí thư Ban chấp hành trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô Leonid Ilyich Brezhnev bước lên chiếc chuyên cơ số 1 IL-62, bắt đầu chuyến thăm chính thức tới Mỹ.

Căng thẳng quốc tế được giảm tải nhưng bùng nổ bê bối Watergate
Brezhnev đến Washington đúng một năm sau chuyến thăm đầu tiên của Tổng thống Mỹ Richard Nixon đến Liên Xô. Năm 1972, tại Moscow, hai bên đã ký kết một số thỏa thuận hòa bình như Hiệp ước chống tên lửa đạn đạo (ABM) và Hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược (SALT-1). Cuộc gặp gỡ của hai nhà lãnh đạo khi đó cũng diễn ra trong bầu không khí được đánh giá là "giảm thiểu căng thẳng quốc tế" hay đơn giản là “hòa hoãn”.
Mãi 6 năm sau, Liên Xô mới tiến hành can thiệp vũ trang vào Afghanistan. Hiệp định Paris về chiến tranh Việt Nam được ký kết, và đơn vị đặc biệt số 5 của Lực lượng Đặc nhiệm Chiến dịch Hoa Kỳ đã trở về căn cứ tại Fort Bragg ở Bắc Carolina. Về sau, các nhà sử học đánh giá chuyến thăm Mỹ của Brezhnev là đỉnh điểm của quá trình “hòa hoãn”.
Tại Washington khi đó, các tờ báo hàng đầu và những kênh truyền hình lớn đều tập trung khai thác tối đa chi tiết, tình tiết trong vụ bê bối Watergate. Mức tín nhiệm của dân chúng Mỹ đối với tổng thống Nixon bắt đầu giảm mạnh. Chỉ vì đang có chuyến thăm của Brezhnev, người Mỹ đã phải tạm gác lại một số phiên điều trần trước Quốc hội về vụ việc này.
Chương trình chuyến đi của Brezhnev rất phong phú: nhà lãnh đạo Liên Xô thăm Nhà Trắng, dinh tổng thống tại Trại David, có một cuộc gặp gỡ với các thượng nghị sĩ Mỹ. Và dĩ nhiên là không thể thiếu một cuộc tiếp xúc với đại diện giới doanh nhân Mỹ, những người biết rất rõ về thú đam mê xe sang của nhà lãnh đạo Liên Xô.
Nixon và Brezhnev trong vườn nhà riêng của Tổng thống Mỹ ở California, bên bờ Thái Bình Dương Chụp màn hình TASS
Chiếc xe Lincoln đời mới và rượu whisky pha soda
Ở Washington, các doanh nhân Mỹ đã giới thiệu với Brezhnev chiếc xe Lincoln Continental – loại xe sedan thời trang cỡ lớn kiểu Mỹ có màu xanh đậm. Trên bảng điều khiển của xe có khắc dòng chữ: "Món quà kỷ niệm. Với tất cả niềm tin và hy vọng".
Được biết, Tổng bí thư Brezhnev đã để mắt đến loại xe này từ năm 1972. Cụ thể, khi nhìn thấy chiếc Lincoln của Tổng thống Mỹ tại Moscow, ông đã hỏi: "Tôi có thể có được một chiếc xe như thế này không nhỉ?". Các doanh nhân Mỹ chớp ngay lấy câu nói dường như rất “bâng quơ” này của nhà lãnh đạo Liên Xô, và thế là một chiếc xe trị giá 10.000 USD thời điểm đó (tương đương khoảng 60.000 USD vào năm 2018) được chuẩn bị sẵn dành cho ông.
Nhưng trước khi chiếc xe này được gửi đến Moscow, Brezhnev muốn được lái thử. Không phải lái một mình, mà phải có chủ nhân của Nhà Trắng Richard Nixon ngồi cạnh. Nixon đã được nghe nói nhiều về đam mê tốc độ của nhà lãnh đạo Liên Xô nên rất sợ hãi khi buộc phải chiều lòng khách mà ngồi vào xe do Brezhnev lái. Ông đã phải nhắm nghiền mắt khi Tổng bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô (lúc đó đã 67 tuổi) giữ nguyên vận tốc 80 km/giờ phóng đến sát khúc cua rồi mới nhả ga và đánh ngoặt tay lái, ôm cua cực ngọt.
“Ngài quả là một tay lái xuất sắc! Tôi không bao giờ có thể vào cua với tốc độ như vậy”, Nixon thốt lên, thực lòng khâm phục.
Không khí thoải mái tại nhà riêng của Tổng thống Nixon Chụp màn hình TASS
Trong chuyến thăm Mỹ đó, vào những lúc rỗi rãi, Brezhnev không chỉ giết thì giờ với chiếc xe mới mà còn được làm quen với truyền thống Mỹ - phục vụ rượu khai vị trước bữa ăn. Về sau, ông Viktor Sukhodrev, thông dịch viên của các nhà lãnh đạo Liên Xô kể lại, khi nhân viên phục vụ đặt whisky và soda lên bàn trước mặt Brezhnev, Tổng bí thư tỏ ra ngạc nhiên và thắc mắc rằng không hiểu tại sao họ không phục vụ… mồi.
Tuy vậy, Brezhnev rất biết cách làm hài lòng người dân Mỹ. "Ông ấy nhiệt tình vẫy tay chào đám đông dân chúng đang hoan nghênh khách quý bằng cách vẫy cờ Mỹ và cờ Liên Xô, rồi sau đó đi đến với họ với một phong thái giống hệt như một chính trị gia người Mỹ làm việc với đám đông tại một hội chợ tỉnh lẻ" - Tổng thống Nixon nhớ lại trong hồi ký của mình. 
Nói không với chiến tranh hạt nhân
Tổng bí thư Brezhnev và Tổng thống Nixon khi ký Hiệp ước cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược Chụp màn hình TASS
Trong năm 1973, Washington và Moscow luôn chú trọng đẩy nhanh tiến độ ký kết các văn bản song phương - từ những thỏa thuận về hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp đến các hiệp ước ngăn ngừa chiến tranh hạt nhân.
Moscow và Washington cam kết "mỗi bên sẽ kiềm chế đe dọa sử dụng vũ lực chống lại đối phương". Ngoài ra, hai bên cũng đã ký kết một tài liệu khác là "Nguyên tắc cơ bản của các cuộc đàm phán về hạn chế vũ khí tấn công chiến lược", vốn có tính chất ràng buộc để hai nước tiếp tục đàm phán tích cực cho một thỏa thuận lâu dài về vũ khí tấn công chiến lược.
Chỉ một năm sau đó, Brezhnev và Nixon ký Hiệp định về giới hạn các thử nghiệm hạt nhân ngầm trong lòng đất. Đến năm 1979, Hiệp ước về giới hạn vũ khí tấn công chiến lược (SALT-2) mới được ký kết, nhưng là do Brezhnev ký với Tổng thống Jimmy Carter, vì Nixon đã phải từ chức do vụ bê bối Watergate.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.