Lãnh đạo thế giới ca ngợi cựu Tổng thống Pháp Jacques Chirac nhã nhặn, quyết đoán

26/09/2019 23:34 GMT+7

Các lãnh đạo trên thế giới đã gửi lời chia buồn trước sự ra đi của cựu tổng thống Pháp Jacques Chirac. Nhiều người nhớ đến ông với hình ảnh vị lãnh đạo “nhã nhặn” và quyết chống lại cuộc chiến của Mỹ tại Iraq.

Ngay sau khi gia đình thông báo cựu tổng thống Jacques Chirac từ trần vào ngày 26.9 ở tuổi 86, lãnh đạo các quốc gia châu Âu cùng một số nước khác như Nga đã lần lượt gửi lời chia buồn sâu sắc đến gia đình cùng nhân dân nước Pháp, theo AFP.
Theo thông báo của Điện Kremlin, Tổng thống Nga Vladimir Putin gửi lời điện chia buồn, ca ngợi ông Chirac là “chính khách khôn ngoan, tri thức uyên bác và có tầm nhìn xa”. Ông Putin nhấn mạnh cố tổng thống Pháp là người đàn ông luôn đấu tranh bảo vệ lợi ích của đất nước.

Một người dân chụp ảnh cựu tổng thống Jacques Chirac ngồi bên ngoài quán cà phê nổi tiếng Le Senequier ở thị trấn Saint-Tropez, Pháp vào năm 2011

AFP

Còn Thủ tướng Anh Boris Johnson ca ngợi ông Chirac là “nhà lãnh đạo định hình số phận đất nước”. “Người dân khắp châu Âu và nhiều nước trên thế giới tiếc thương trước sự ra đi của ông”, theo Thủ tướng Johnson. Bên cạnh đó, Thủ tướng Đức Angela Merkel gọi ông Chirac là “người bạn và đối tác tuyệt vời”.
Trong những năm gần đây, ông Chirac ít xuất hiện trước công chúng do bị mất trí vì mắc bệnh Alzheimer và đột quỵ nhẹ. Ông Chirac được xem là một trong số lãnh đạo có sự nghiệp chính trị dài nhất ở châu Âu. Từ 1995 - 2007, ông hai lần làm Tổng thống. Trước đó, ông giữ chức Thủ tướng 2 nhiệm kỳ (1974-1976, 1986-1988) và từng là thị trưởng Paris trong 18 năm (1977-1995).

Tổng thống Chirac gặp gỡ người dân sau sự kiện duyệt binh trước Điện Elysee năm 1997

Reuters

Trên chính trường quốc tế, ông nổi tiếng với việc chống lại cuộc chiến của Mỹ tại Iraq hồi năm 2003, làm leo thang căng thẳng giữa Paris - Washington trong nhiều năm sau đó. Lúc bấy giờ, ông Chirac tuyên bố: “Chiến tranh luôn là giải pháp cuối cùng, nhưng luôn dẫn đến thất bại và là giải pháp tồi tệ nhất bởi vì nó mang đến sự chết chóc và cảnh nghèo khổ”.

Tổng thống Pháp Jacques Chirac chào người dân London khi đang ngồi trên xe ngựa cùng Nữ hoàng Anh Elizabeth II trong chuyến thăm chính thức Vương quốc Anh năm 1996

AFP

Vào ngày 18.3.2003, ông Chirac tuyên bố Pháp kịch liệt phản đối cuộc xâm lược do Mỹ đứng đầu vào Iraq nhằm lật đổ chính quyền Tổng thống Saddam Hussein vốn bị Washington cáo buộc sở hữu vũ khí giết người hàng loạt. Lúc đó, các cuộc khảo sát dân ý cho thấy 3/4 người dân Pháp ủng hộ quan điểm của ông Chirac. Đây được cho là thành tựu lớn nhất của ông trong sự nghiệp chính trị.
Trong nước, cố tổng thống Pháp dày dặn kinh nghiệm luôn xuất hiện với hình ảnh một người nhã nhặn, thích uống bia và luôn lắng nghe, thấu hiểu người dân.

Ông Chirac học cách chặt mía cùng người nông dân tại làng Le Francois ở Martinique năm 1988

Reuters

Kết quả cuộc khảo sát vào năm 2015 cho thấy đa số người dân Pháp vẫn bình chọn ông là vị tổng thống “tử tế nhất” thời hậu chiến, bất kể ông từng bị xét xử hồi năm 2011 về tội tham nhũng lúc còn là thị trưởng Paris và lãnh án hai năm tù treo.

Cựu tổng thống Jacques Chirac thưởng thức  bia trong chuyến thăm thành phố Aachen, Đức năm 2004

Reuters

Ông Chirac và phu nhân Bernadette có hai con gái Laurence và Claude, cùng con gái nuôi gốc Việt Anh Dao Traxel. Sau thời gian dài chống chọi với chứng bệnh chán ăn, Laurence qua đời hồi năm 2016, theo AFP.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.