Lao động Việt Nam ở Li-băng: Ngày đầu tiên của chiến dịch di tản

28/07/2006 23:40 GMT+7

Tôi gọi điện sang Li-băng khi bình minh bên ấy vừa lên. Đồng hồ tại VN chỉ 10 giờ 35 phút. Tấm ảnh do CTV Hoàng Trung chuyển về sau đó với chú thích: Bình minh sau những đêm không ngủ. Người thức trắng, đêm cũng là đêm trắng. Sau những cao ốc chưa bị bom tàn phá, khung trời Beirut trông nhợt nhạt làm sao!

1. "Chiến tranh mà! Ở VN bây giờ, anh không thể hình dung được chiến tranh đâu!" - Trung nói vội rồi phóng xe lên núi. Vâng! Chiến tranh. Đến cả sóng điện thoại di động cũng chập chờn, dù hôm nay sau khi kết nối, tôi được nghe đoạn nhạc kèm lời chào bằng 3 thứ tiếng Ả Rập, Pháp và Anh, tương tự ở VN người ta cài sẵn câu: "... Ngoài vùng phủ sóng, xin gọi lại sau". Gọi thêm vài lần, nghe được giọng của Hoàng Mạnh Hà. Anh đang vào chợ mua thức ăn về cho mấy chục người đang tá túc tại nhà. "Tối hôm qua, đoàn của ĐSQ từ Syria đã sang. Bà con tụ tập chờ suốt một ngày. Nhiều người sợ đoàn không sang, không nuốt nổi cơm, nước mắt ràn rụa. Em thì nghĩ, nếu quả thật đoàn không sang, chắc em tắc tử!".

Dừng xe, Hà than với tôi: "Cực lắm anh ơi! Em đã bán dàn máy DVD để có tiền đi chợ. Mọi người chẳng ai có mấy tiền". Trường hợp của các chị Hoàng Thị Tuyết, Đỗ Thị Lan, Đinh Thị Phương thế nào rồi? "Đã gặp để đưa về Beirut, nhưng lại lấn cấn chuyện tiền nong. Chị Tuyết còn 2.300 USD, chủ nhà bỏ chạy sang Syria. Em đã nhờ người tác động,


Bình minh Beirut, sau những đêm không ngủ (Ảnh Hoàng Trung chụp sáng 28/7/2006)

họ nói khả năng trả khoảng 50%. Chị Lan thì còn nhiều hơn, nhưng chủ nhà bảo không thể trả lúc này do nhà băng đã đóng cửa, tài khoản của họ đã bị khóa!". Còn chị Đinh Thị Phương? "Chiều qua, em đã đưa xe đến đón lên Beirut nhưng giờ chót chủ nhà yêu cầu ĐSQ cam đoan đưa thẳng về VN, không phải tỵ nạn tại Syria thì họ mới đồng ý cho rời khỏi nhà!". Hà cho biết thêm, nếu giải quyết được chuyện tiền nong, số người về sẽ đông hơn số 62 người đăng ký ban đầu.

Trong buổi làm việc sơ khởi với ông Tham tán Trần Việt Tú tối 27/7, anh có đề nghị ông can thiệp với Đài truyền hình Li-băng thông báo rộng rãi về tình trạng này cho các chủ nhà Li-băng được biết, cũng như làm sao giúp thuê một điểm tập trung khoảng 60-70 bà con để họ dễ giúp đỡ, đùm bọc nhau. "Chứ như hiện nay, nhà em có đến 20 người, nhà Bùi Văn Dũng khoảng 5 người, số còn lại ở rải rác nhiều nơi thật là bất tiện".

2. Trước lúc sang Syria, ông Tham tán Trần Việt Tú đã e.mail hẹn tôi "sẽ gặp nhau ở đầu cầu mới". Để chủ động, CTV Thanh Niên tại Beirut đã cho tôi số simcard sẽ dùng của ông tại Li-băng. Biết thời gian của ông lúc này rất quý, tôi chủ động gọi từ sáng sớm. Sau cuộc đầu chỉ nghe hai tiếng "A lô! A lô!" rồi mất sóng, dừng một lát đợi ông ra khỏi phòng,

Theo ông Lê Tiến Ba, Đại sứ VN tại Ai Cập, việc hiện nay có không ít lao động VN muốn tiếp tục ở lại Li-băng để mưu sinh với hy vọng chiến sự sẽ sớm dịu đi là "rất sai lầm". Theo nhận định của giới quan sát, tình hình giữa Israel và Li-băng đang có chiều hướng sẽ phức tạp hơn, chiến sự sẽ lan rộng hơn. Một suy luận tương tự, Mỹ là bạn thân của Israel, tất họ biết nhiều điều, nếu cuộc chiến sẽ nhanh chóng lụi tàn thì chẳng chuyện gì Mỹ lại phải vội vàng di tản toàn bộ công dân của mình khỏi Li-băng.

tôi gọi tiếp, sóng nghe rất tốt.

* Hình như hôm qua, anh bị kẹt xe khi từ Syria sang Li-băng?

- Chúng tôi phải chuyển sang đường khác. Cũng đường bộ. Đoàn tới đây tối qua, trễ mấy tiếng đồng hồ. Chỉ mới làm việc sơ bộ với những người đại diện của bà con. Hôm nay sẽ gặp đông đủ hơn.

* Thưa, đang có băn khoăn khoản chi phí từ Syria về VN sẽ do ai hỗ trợ hay đài thọ?

- Việc này, đài báo ở nhà đã đưa tin: IOM và VN sẽ đài thọ từ đây đến VN (ông không dùng từ hỗ trợ - PV).

* Kế hoạch di chuyển sẽ như thế nào, thưa anh?

- Sẽ theo đường bộ sang Syria, từ đó dự kiến về VN bằng máy bay. Nhưng tôi còn phải làm việc với IOM mới rõ ràng hơn về lộ trình, thời gian, phương tiện.

* Hiện đang có vài trường hợp mắc mứu tài chính giữa chủ nhà và người lao động. Chủ nhà đòi có đại diện của ĐSQ VN họ mới chịu giải quyết...

- Tôi có nghe. Với trường hợp của chị Đinh Thị Phương, nếu chủ nhà chưa tin chị sẽ về đến VN thì xin mời họ đến gặp chúng tôi. Một số trường hợp lấn cấn tiền bạc thì đây là vấn đề dân sự, hai bên cần đàm phán, thỏa thuận với nhau trước. Sau đó, nếu cần thiết, thì hãy gặp đoàn.

Chúng tôi ít người và cũng ít thời gian. Mục tiêu duy nhất hiện nay là chiến dịch di tản bà con về VN.


Cháu Hoàng Minh Trung, 3 tuổi, người có số thứ tự 1 trong danh sách di tản sang Syria để về VN (ảnh: H.M.H)
3. Theo Hoàng Mạnh Hà, để giải quyết rốt ráo những lấn cấn tại Li-băng có thể mất 1-3 ngày và thời gian tạm trú tại Syria có khi kéo dài cả tuần. Nếu vậy, trong anh chị em lao động VN sẽ xuất hiện một số vấn đề do tài chính của mọi người đã và đang cạn kiệt. Anh cho biết, sẽ đề đạt vấn đề này lên ông Trần Việt Tú để có hướng giúp đỡ bà con. Về lộ trình di tản, theo anh đường biển là an toàn nhất do đường bộ qua Syria bị kẹt, hỏng lại thường bị đánh bom. Anh nói: "Từ Li-băng qua đảo Síp chỉ mất vài tiếng thôi. Chính phủ mình phải làm việc với Israel do họ đã phong tỏa vùng biển Li-băng. Tuy nhiên, họ đã đồng ý mở đường nhân đạo trên biển cho các tổ chức quốc tế rồi".

Ngược lại, trả lời báo chí VN, ông Houver Vincent, đại diện IOM tại Li-băng, cho biết lộ trình khởi hành sẽ từ thủ đô Beirut của Li-băng sang thủ đô Damascus của Syria bằng đường bộ. Sau đó, người di tản VN sẽ về Hà Nội bằng máy bay. Trước những e ngại đường bộ sẽ không an toàn, ông nói: "Chúng tôi sẽ từ phía Nam đi dọc theo biên giới về phía Bắc Li-băng và qua cửa khẩu Al Aarida để vào đất Syria rồi ngược về thủ đô Damascus. Đây là cửa khẩu có thể nói là an toàn nhất tại Li-băng vào thời điểm này".

Phái đoàn VN đã đến. Người lao động VN đã có cuộc bày tỏ nỗi niềm sau nhiều ngày mỏi mòn chờ đợi. "Vấn đề lớn nhất bây giờ là làm sao di tản cho an toàn, nhanh chóng và hoàn hảo". Ông Trần Việt Tú nhấn mạnh với Thanh Niên.

Đặng Ngọc Khoa

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.