Lão nông 83 tuổi 'mắc màn' nuôi ếch

01/12/2017 07:43 GMT+7

Dù đã 83 tuổi nhưng ông Chu Trọng Tại (ngụ tại tổ 1, phường Hòa Nghĩa, quận Dương Kinh, thành phố Hải Phòng) vẫn say mê làm trang trại với nhiều sáng kiến nổi tiếng trong vùng.

Khi chúng tôi đến gặp, ông Tại đang hì hục đổ cát san vườn để nuôi gà Đông Tảo. Nhìn bề ngoài, không ai nghĩ ông Tại đã 83 tuổi vì ông vẫn làm việc nhanh thoăn thoắt. Ông Tại là cựu chiến binh, từng chiến đấu ở chiến trường Điện Biên Phủ. Sau khi rời quân ngũ, ông công tác ở Điện lực Hải Phòng rồi nghỉ chế độ. Lão nông này cũng từng đảm nhiệm chức Chủ nhiệm Hợp tác xã Hòa Nghĩa (thuộc huyện Kiến Thụy cũ ở Hải Phòng). Từ năm 2001, ông Tại là 1 trong 10 người đi tiên phong trong việc phát triển mô hình trang trại chăn nuôi tổng hợp ở huyện Kiến Thụy.
“Việc nuôi ếch tôi từng triển khai từ năm 2004, lúc đó tôi có 5.000 con, nuôi theo kiểu bán hoang dã. Ếch được thả tự do trong vườn, lớn nhanh như thổi, nhưng không hiểu tại sao sau một đêm, 5.000 con ếch, đã to bằng cái chén uống nước, biến đâu hết. Buồn quá, tôi bỏ, cho đến năm 2016 mới bắt đầu lại”, ông Tại vừa dẫn chúng tôi ra ao nuôi ếch, vừa kể chuyện.
Khi bắt đầu nuôi ếch trở lại, ông Tại đi tìm hiểu nhiều nơi để học hỏi kinh nghiệm. “Tôi thấy người ta chủ yếu nuôi ếch trong bể xây bằng bê tông. Như thế khá tốn kém mà ếch dễ thoát ra ngoài, hoặc bị chuột, chim tấn công. Tôi nghĩ ra việc nhờ người ta may lưới thành 1 cái màn kín rồi mắc xuống ao. Trong màn thả vài miếng xốp, bèo cho ếch sống, thế mà ổn”, lão nông này chia sẻ.

tin liên quan

Làm giàu nhờ nuôi ếch kết hợp ba ba
Ông Nguyễn Thanh Khuê (thôn Thanh Ly 1, xã Bình Nguyên, H.Thăng Bình, Quảng Nam) đã thành công với mô hình nuôi ếch, ba ba kết hợp, giúp thu về hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Trong thửa ao rộng 300 m2, ông Tại dựng 4 chiếc màn, nuôi hơn 6.000 con ếch. Mỗi màn có chiều dài 7 m, rộng 3 m, cao 2,5 m. Ếch giống mua về được chia ra các màn khác nhau, tùy theo con to, con nhỏ cho ếch khỏi bắt nạt nhau. Lúc nhỏ ếch được ăn lòng đỏ trứng gà sao khô trong 1 tuần, sau đó mới cho ăn cám gia súc. Trung bình 1.000 con ếch cần 4 kg thức ăn, chia thành cho 2 bữa một ngày. Ếch trong 4 màn của ông Tại đã nuôi được gần 3 tháng, mỗi con nặng khoảng 3 lạng. Đây là lứa ếch cuối trong năm của ông. “Ít ngày nữa, ếch nặng 3,5 lạng mỗi con là có thể xuất chuồng, với giá khoảng 55.000 đồng/kg và đã có người đặt hàng từ lâu rồi. Ếch là đặc sản và dễ bán hơn vịt gà”, ông Tại tự tin nói.
Lão nông 83 tuổi cũng cho biết, ếch dễ nuôi nhưng cũng dễ mắc bệnh nấm, cần phải phòng ngừa. “Vết loét cứ to dần ra làm ếch chết hàng loạt nên tôi phải chủ động phòng bệnh hơn là chữa bệnh, bằng cách vài ngày lại phun thuốc tím vào màn để sát trùng. Nếu màn nào mà ếch có bệnh thì phun dày hơn”, ông Tại chia sẻ.
Doanh thu tiền tỉ
Từ ao ếch, ông Tại dẫn chúng tôi đi thăm một vòng khu trang trại rộng hơn 10.000 m2 mà ông đã gây dựng 16 năm nay. Để xây dựng chuồng trại, ông Tại đi tìm nhà cung cấp vật liệu thân quen, xin họ bán chịu rồi trả dần. Những thứ có thể tự túc, ông Tại cùng các con làm ngày, làm đêm. “Như cái chuồng gà 2 tầng này cần đến 10 cột thì tôi chỉ thuê thợ mộc làm 1 cái cột thôi, rồi bố con tôi tự đóng theo mẫu đó”, ông Tại kể.
Trang trại của ông Tại đang nuôi hàng nghìn con gà theo hợp đồng bao tiêu với Công ty cổ phần chăn nuôi Việt Nam. Ngoài ra, ông còn có 2 ao cá rộng 5.000 m2, mỗi năm cho 7 tấn cá rô phi, trắm, mè… Một năm, trang trại của ông Tại có doanh thu khoảng 4 tỉ đồng. Trừ các loại chi phí, bố con ông có lãi khoảng 400 triệu đồng. “Ở nông thôn, đây là nghề bền vững chú ạ”, ông nói. Ổn định là thế, nhưng ông Tại chưa thỏa mãn và đang âm thầm phát triển việc nuôi gà Đông Tảo và lên cả kế hoạch nuôi đà điểu. “Làm cái này như một đam mê đấy. Mỗi lần nuôi thành công một con gì đấy, tôi vui lắm”, ông cụ 83 tuổi nói về dự định của mình sôi nổi như chàng trai mới đôi mươi.
Khi chúng tôi đề cập đến chuyện tuổi già, sức yếu, ông Tại tự hào nói: “Hàng ngày tôi thức dậy từ 5 giờ, làm đến 18 giờ mới thôi, nhưng 10 năm qua chưa đi viện lần nào”.
Nói về ông Tại, ông Nguyễn Văn Tiến, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Kiến Thụy, tấm tắc khen: “Bác Tại tuy đã chuyển sang quận Dương Kinh khi quận này thành lập, nhưng vẫn là một tấm gương lớn với nhiều mô hình chăn nuôi đang được học hỏi của huyện chúng tôi. Nhiều năm nay, bác Tại luôn được mời đi các hội nghị nông dân làm kinh tế giỏi để báo cáo và biểu dương”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.