Lập “phố nhạy cảm”?

22/08/2015 09:00 GMT+7

Đề xuất này được đưa ra tại Hội nghị giao ban công tác phòng, chống tệ nạn xã hội năm 2015, do Bộ LĐ-TB-XH tổ chức ở TP.HCM hôm qua (21.8).

Đề xuất này được đưa ra tại Hội nghị giao ban công tác phòng, chống tệ nạn xã hội năm 2015, do Bộ LĐ-TB-XH tổ chức ở TP.HCM hôm qua (21.8).
Kiểm tra quán bar, vũ trường ở TP.HCM - Ảnh: Nguyên Bảo
Kiểm tra quán bar, vũ trường ở TP.HCM - Ảnh: Nguyên Bảo
Theo báo cáo tại hội nghị, hiện số người bán dâm có hồ sơ quản lý trên cả nước là 11.240, còn thực tế cao hơn rất nhiều do đây là hoạt động rất khó kiểm soát. Cả nước có 97.347 cơ sở kinh doanh dịch vụ có điều kiện được cho là “dễ phát sinh tệ nạn mại dâm” với 59.571 nhân viên nữ làm việc. Đã xuất hiện và có xu hướng phát triển các tổ chức, đường dây hoạt động mại dâm chuyên nghiệp, tinh vi, các sex tour bán dâm quốc tế...
Tập trung để dễ quản lý
Tại hội nghị, bà Lê Thị Hà, Phó cục trưởng Cục Phòng chống tệ nạn xã hội (TNXH), đặt vấn đề: “Chúng ta có nên chấp nhận mại dâm là một nghề hay không, có chấp nhận sự tồn tại của mại dâm như một sự tồn tại lịch sử xã hội hay không?”.
Ông Lê Văn Quý, Phó chi cục trưởng Chi cục Phòng chống TNXH TP.HCM, cho rằng tuy pháp luật hiện hành không công nhận mại dâm là một nghề nhưng thực tế mại dâm đã tồn tại rất lâu đời, vì vậy “chúng ta phải tạm thời chấp nhận như là một sự tồn tại lịch sử, nhưng phải có một chế định phòng chống như thế nào cho hiệu quả”.
Ông Quý đề xuất: “Trung ương nên mạnh dạn chỉ đạo cho thí điểm tại một số địa phương trọng điểm như TP.HCM, Hải Phòng, Hà Nội… tập trung các cơ sở kinh doanh ngành nghề dịch vụ nhạy cảm như khách sạn, quán bar, vũ trường, mát xa, xông hơi xoa bóp, karaoke, hớt tóc có tiếp viên nữ… vào một khu vực để tăng cường các biện pháp quản lý nhà nước tốt hơn. Không thể chấp nhận mại dâm phát triển tràn lan như hiện nay, nơi nào cũng có, huyện nào cũng có, thậm chí xã nào cũng có, rồi chúng ta cứ chạy theo phòng chống suốt đời, chống mãi mà nó vẫn còn”.
Tuy nhiên ông Quý lưu ý, không gọi đây là "khu đèn đỏ" như một số nước mà chỉ là “tập trung” để có cơ chế quản lý chặt chẽ, tránh lây lan ra cộng đồng, đảm bảo sức khỏe, an ninh trật tự cho người vào vui chơi giải trí.
 
Múa cột ở quán bar “chui” tại TP.HCM
Đoàn kiểm tra liên ngành xử lý karaoke “ôm” ở TP.HCM
Càng phạt, mại dâm càng tăng
Đồng tình quan điểm trên, ông Triệu Huy Tạo, Phó chi cục trưởng Chi cục Phòng chống TNXH tỉnh Thanh Hóa, cũng cho rằng “dù có công nhận hay không thì mại dâm vẫn tồn tại”. Theo ông Tạo, nhiều năm qua, các ban, ngành đã rất quyết liệt trong phòng chống mại dâm nhưng hiệu quả rất thấp. “Thay vì chống thì tập trung vào các biện pháp phòng ngừa và giảm hại sẽ phù hợp hơn”, ông Tạo nói.
Trong khi đó, ông Phùng Quang Thức, Chi cục trưởng Chi cục Phòng chống TNXH TP.Hà Nội, lại cho rằng công tác phòng chống mại dâm cần phải quyết liệt hơn.
"Không thể xem đó là một thực trạng tồn tại xã hội mà chấp nhận nó. Nếu vậy, mại dâm sẽ phát triển và ảnh hưởng lớn đến thuần phong mỹ tục", ông Thức nói và kiến nghị cần luật hóa hoạt động phòng chống mại dâm, nâng pháp lệnh Phòng, chống mại dâm thành luật. “Cũng cần xem lại biện pháp xử phạt đối với hoạt động mại dâm, bởi phạt càng nhiều thì người bán dâm càng hoạt động mạnh hơn để bù lại! Do vậy, để giải quyết tình trạng này cần tập trung các biện pháp giảm hại bằng các mô hình, bằng cơ chế, bằng chính sách để người bán dâm có công ăn việc làm ổn định”, ông Thức nói.
Kết luận hội nghị, ông Nguyễn Xuân Lập, Cục trưởng Cục Phòng chống TNXH, nhìn nhận: Nhu cầu mua, bán dâm là có trên thực tế. Vì vậy, vấn đề quan trọng là phải quản lý như thế nào cho hiệu quả. Ông Lập cũng ghi nhận kiến nghị của các đại biểu và cho rằng nên quy hoạch cho phù hợp những ngành nghề nhạy cảm để có biện pháp quản lý hiệu quả hơn.
Ý kiến:
Không phù hợp thuần phong mỹ tục
Hiện nay, một số nước phát triển đã công nhận mại dâm là một nghề hợp pháp nhằm giảm bớt tình trạng bóc lột tình dục, lây lan bệnh tật và tăng thu ngân sách... Tuy nhiên, sau thời gian cho phép, nhiều nước cũng phải chấn chỉnh lại vì phát sinh nhiều phức tạp. Ở VN, nếu tập trung các cơ sở kinh doanh ngành nghề nhạy cảm vào một khu, tuy chưa công nhận mại dâm nhưng cũng có thể được ngầm hiểu là cho phép hoạt động. Theo tôi, với phong tục, tập quán của người VN, hiện nay vẫn chưa phù hợp để thực hiện việc này mà nên tập trung vào công tác tuyên truyền, hỗ trợ những phụ nữ hành nghề bán dâm, giúp họ ổn định cuộc sống.
Luật sư Nông Thị Hồng Dung
Công ty luật Hồng Dung (TP.HCM)
Sẽ là “con dao hai lưỡi”
Dưới góc độ xã hội, tôi cho rằng việc tập trung những cơ sở nhạy cảm là con dao hai lưỡi. Nó nhằm mục đích thuận tiện cho công tác quản lý nhưng cũng đồng nghĩa với việc các nhà quản lý đồng tình công khai đối với những hoạt động mại dâm. Vấn đề này sẽ gây nên những phản ứng xã hội và nhiều hệ lụy liên quan đến văn hóa, truyền thống đạo đức ở nước ta. Đối với những loại hình mang tính dịch vụ làm đẹp - giải trí như mát xa, xông hơi... nếu có quan tâm thì cũng lưu ý đến cả nam giới làm trong lĩnh vực này, nếu không sẽ tạo nên sự bất bình đẳng giới.
Thạc sĩ xã hội học Phạm Thị Thúy
giảng viên Học viện Hành chính quốc gia cơ sở TP.HCM
Cấm đoán triệt để không khả thi
Giải pháp cấm đoán triệt để hoạt động mại dâm là không thực tế và không khả thi. Đã có nhiều bằng chứng cho thấy, nơi nào hoạt động mại dâm bị đặt ngoài vòng pháp luật thì ở đó nó có thể đi vào bí mật và không thể kiểm soát được. Hoạt động mại dâm lén lút dẫn đến tình trạng tội phạm buôn bán phụ nữ, bạo lực tình dục, bóc lột tình dục, trong đó có cả trẻ em. Ngoài ra, bệnh tật không được kiểm soát thì nguy cơ lây lan HIV/AIDS qua đường tình dục ra cộng đồng là rất lớn. Quản lý tập trung là việc nên làm và là giải pháp để quản lý hoạt động mại dâm tốt hơn. Nếu chúng ta đưa vào một khu vực riêng sẽ không làm ảnh hưởng tới khu vực khác. Các nước đã làm việc này rồi và làm khá là ổn. Mặt khác, việc quản lý tập trung sẽ cung cấp cho những người hoạt động trong lĩnh vực nhạy cảm dịch vụ hỗ trợ pháp lý tốt hơn, bảo vệ quyền lợi khi họ bị xâm phạm.
Bà Khuất Thị Thu Hồng
Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội
Phù hợp cho dân, cho nước thì nên làm
Những ý kiến của các đại biểu là hoàn toàn đúng. Bộ LĐ-TB-XH và Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội phải ngồi với nhau để tính toán lại, quan điểm nào, chính sách nào phù hợp cho dân, cho nhà nước thì nên làm.
Ông Đặng Thuần Phong
Phó chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội
Như Lịch - Thu Hằng (ghi)
Cần có cái nhìn thoáng hơn
Trao đổi riêng với Thanh Niên, Cục trưởng Cục Phòng chống TNXH Nguyễn Xuân Lập chia sẻ: “Hiện vẫn có những luồng ý kiến khác nhau về việc tăng cường quản lý người bán dâm hay dành khu vực riêng cho các loại hình kinh doanh dịch vụ nhạy cảm. Tới đây, tất cả khu đô thị mới như đặc khu Phú Quốc (Kiên Giang), Vân Đồn (Quảng Ninh) hay khu du lịch Đồ Sơn (Đồ Sơn), tất cả nhà hàng, khách sạn, karaoke, tẩm quất... sẽ được tập trung vào một khu để khỏi ảnh hưởng tới dân cư và văn minh hơn.
Tại biên giới Trung Quốc, Lào, Campuchia rất nhiều người VN sang bên đó bán dâm. Trong khi khách nước ngoài sang VN không có casino, không có mại dâm họ lại bay sang Ma Cau, Thái Lan.
Hiến pháp 2013 có các điều 14 và điều 20 nói đến quyền công dân, quyền con người. Tôi đã tiếp xúc nhiều cô gái bán dâm thấy họ bị thiệt thòi, bị chà đạp, bóc lột, không ai bênh vực. Trong khi đó, hoạt động mại dâm hết sức tinh vi, ngay cả trong pháp lệnh Phòng chống mại dâm chưa có những quy định về người nước ngoài vào VN bán dâm, nam bán dâm, người VN ra nước ngoài bán dâm... Đó là một thực tế, chúng ta cần phải có cái nhìn thoáng hơn, đánh giá lại và đây là việc cần thiết phải đưa lên bàn nghị sự.
Việc đưa các hoạt động nhạy cảm vào quản lý tập trung sẽ được đưa ra lấy ý kiến các chuyên gia trong và ngoài nước tại hội thảo dự kiến do Bộ LĐ-TB-XH chủ trì vào tháng 9 tới. Quan điểm của tôi, mình nên nhìn nhận lại tồn tại thế nào và thừa nhận thế nào, để tiếp cận và quản lý tốt hơn”.
Thu Hằng
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.