Lắt lay nhịp cầu

03/11/2019 09:00 GMT+7

Hàng trăm cây cầu tự phát, tiềm ẩn tai họa bất cứ lúc nào, đặc biệt trong mùa mưa lũ, đang tồn tại ở Gia Lai. Nhiều người dân vẫn đang đánh đu với tính mạng của mình qua những nhịp cầu lắt lay như thế.

Nhiều cung đường lên các khu sản xuất của người dân ở Gia Lai phải vượt qua những con suối dữ. Không ít cây cầu dân sinh nằm cheo leo, hiểm nguy đã được dựng lên để người dân vượt suối, lên rẫy. Cuộc mưu sinh khó nhọc, hiểm nguy đó đang hiện hữu hằng ngày ở những thôn làng xa xôi.

Đánh đu với tính mạng

Con suối Đăk Roong mùa khô nước chảy hiền hòa như thế, chỉ sau vài trận mưa lớn là nước từ đâu cứ ào về. Cách vài chục mét đã nghe tiếng nước réo đến rợn người. Hai bờ cách nhau cả vài chục mét. Từ nhiều năm qua, người dân đã chung tay làm một cây cầu tạm bắc qua suối. Vài sợi dây thép cố định ở hai bờ, dây rừng chằng buộc và ván mỏng lát lấy lối đi, vậy là xong! Cây cầu treo nằm lay lắt, chênh vênh ấy là lối lên rẫy duy nhất của hơn 50 hộ dân với hơn 200 nhân khẩu làng Hde, xã Đăk Tơ Ve, H.Chư Pah.
Mỗi ngày, hàng trăm lượt người vẫn qua lại cây cầu treo tử thần này. Cứ mỗi lần xe máy chạy qua, cây cầu kêu những tiếng kẽo kẹt, rung lắc đến rợn người. Song vì gánh nặng mưu sinh, người làng chỉ biết nhắm mắt làm ngơ, mặc cho tính mạng bản thân có thể bị ảnh hưởng bất cứ lúc nào khi vượt suối bằng cây cầu chênh vênh như thế.
Ông Bôn, người làng Hde nói: “Lúc đầu đi sợ lắm. Người làng chắc cũng có nỗi sợ giống mình. Những ngày mưa lớn, nước suối cuồn cuộn rất nguy hiểm. Hễ trượt chân ngã xuống là mất mạng như không. Nhưng bụng đói thì phải lên rẫy thôi. Xe máy chở nặng chỉ chạy đến chân cầu. Nông sản làm ra phải vác qua cầu mới chở về nhà được”.
Dọc sông Ba, một trong những sông lớn ở Gia Lai cũng xuất hiện những cây cầu tự phát như thế, phục vụ nhu cầu đi lại, sản xuất của người dân. Chỉ một đoạn sông dài hơn 1 km đã có vài cây cầu tạm như thế do người dân tự làm. Những cọc gỗ được cố định dưới lòng sông và ghép nối lại, bên trên lát ván. Hai bên không hề có lan can bảo vệ. Người dân xã Chư Gu, H.Krông Pa hằng ngày vẫn đi về trên những chiếc cầu cheo leo, hiểm nguy này.

Lúc đầu đi sợ lắm. Người làng chắc cũng có nỗi sợ giống mình. Những ngày mưa lớn, nước suối cuồn cuộn rất nguy hiểm. Hễ trượt chân ngã xuống là mất mạng như không. Nhưng bụng đói thì phải lên rẫy thôi

Ông Bôn (làng Hde, xã Đăk Tơ Ve, H.Chư Pah, Gia Lai)

Hay cầu treo bắc qua suối sâu ở xã Đăk Ta Ley, H.Mang Yang. Cây cầu dài khoảng 40 m, được treo bằng các dây thép nhỏ, cố định vào những thân cây ở hai bên bờ suối. Cầu cao hơn 20 m so với mặt nước. Bên dưới là đá lởm chởm. Người dân ba làng Đắk Ve, Chơ Rơng 1 và Chơ Rơng 2 đều phải đi lại trên cây cầu này bởi khoảng 300 ha đất sản xuất của họ ở bên kia suối. Cây cầu này tồn tại đã nhiều năm nay. Hằng năm dù người các làng góp tiền tu sửa nhưng cây cầu đã xuống cấp nghiêm trọng. Các thanh tre nứa hai bên cầu qua thời gian đã bị khô, mục. Đã có trường hợp người, gia súc rơi xuống cầu nhưng may mắn chưa có tổn hại đến nhân mạng. Tuy vậy, dòng nước lớn hằng năm xói vào một bên chân cầu khiến cây cầu càng tiềm ẩn hiểm nguy khó lường.
Ước vọng có những cây cầu kiên cố đang là khát khao bỏng cháy hơn lúc nào hết của những cư dân bản địa. Hầu như huyện nào ở Gia Lai cũng tồn tại những cây cầu dân sinh tự phát đầy hiểm nguy như thế.
Lắt lay nhịp cầu1

Cầu treo ở xã Đăk Taley, H.Mang Yang, Gia Lai

Ảnh: Trần Hiếu

Thiệt mạng dưới chân cầu treo

Người dân làng Hde hơn 5 năm trước đã có dịp ăn mừng vì được ngân sách của tỉnh Gia Lai rót về xây dựng một cây cầu bê tông khá chắc chắn. Nhiều người còn mổ heo khao làng vì có cây cầu mới, người làng thoát cảnh đánh đu với tử thần khi qua cầu treo trong mùa nước dữ. Song mùa lũ năm ấy, nước từ thượng nguồn đổ về xoáy sâu vào chân cầu. Cây cầu bê tông vững chãi là thế, mới đầu hôm còn hiện hữu nhưng đến đêm đã bị lũ cuốn phăng xuống lòng suối. Người làng Hde lặng đi, chẳng buồn nói với nhau câu nào. Và họ lại quay về với cây cầu treo chênh vênh như cũ.
Mỗi khi mưa to, nước dâng ngập cầu không thể đi lại được, người làng lại mạo hiểm dùng thuyền vượt suối. Cách đây chưa lâu, ông Trần Công Quyền ở tỉnh Kon Tum cùng vài người làng Hde dùng thuyền vượt suối khi mưa to, chẳng may gặp nước lớn gây lật thuyền khiến ông tử vong. Số người còn lại vật lộn trong dòng lũ dữ bơi vào bờ, thoát chết trong gang tấc.
Ông Ma Huyên ở buôn Chư Bang, xã Chư Gu, H.Krông Pa, chỉ vào cái cầu treo tạm bợ, nói: “Bà con phải đi qua cái cầu tạm này. Nước sông Ba mùa lũ làm trôi cầu thì làm lại nhưng cũng không đảm bảo an toàn. Mới đây có người làng đi xe máy chở cỏ về cho bò, khi đi qua cầu đã bị rơi cả người và xe xuống sông. Ông ấy biết bơi, nước sông hôm ấy cũng chưa chảy xiết nên thoát chết. Đám trai làng phải ra lặn xuống sông kéo xe lên giúp ông ấy. Cây cầu rất nguy hiểm đến tính mạng con người. Khổ, nguy hiểm vậy nhưng vẫn phải đi thôi!”.
Không ít trường hợp bị chấn thương do trượt ngã khi lưu thông qua những cây cầu tạm như thế. Dẫu vậy, nhiều người bản địa vẫn phải chọn cách đi qua những cây cầu đầy hiểm nguy này bởi đó là lối đi duy nhất để lên rẫy. Gánh nặng mưu sinh đã lấn át nỗi sợ hãi.
Lắt lay nhịp cầu

Cầu treo đầy nguy hiểm ở làng Hde, xã Đăk Tơ Ve, H.Chư Pah, Gia Lai

Ảnh: Trần Hiếu

Khát khao những cây cầu

Chương trình 186 của Bộ GTVT triển khai hơn 5 năm trước đã đem lại niềm vui cho nhiều người dân vùng sâu, vùng xa của Gia Lai. Đã có 7 cây cầu treo được xây dựng tại tỉnh này, thay cho những cây cầu treo dân sinh tự phát. Song, số cầu treo xây mới cũng chỉ đáp ứng được một phần nhu cầu đi lại, sản xuất, vận chuyển nông sản… của người dân vì khổ rộng của cầu chỉ là 1,5 m.
Còn lại, rất nhiều khu vực khá đông dân cư vẫn đi lại trên những cây cầu dân sinh tự phát. Ông Ksor Thép, Phó chủ tịch UBND xã Chư Gu, H.Krông Pa, cho biết: “Do nhu cầu của bà con để phát triển kinh tế hộ gia đình nên người ta buộc phải đi trên những cây cầu nguy hiểm như thế. Cấm thì không cấm được. Tiếp xúc cử tri hằng năm, bà con rất mong muốn nhà nước quan tâm để làm cầu, bảo đảm an toàn tính mạng cho họ. Mong vậy nhưng chưa biết khi nào có cầu mới”.
Theo một thống kê của Sở GTVT Gia Lai, trên địa bàn tỉnh này có trên dưới 45 cầu treo dân sinh do dân tự làm để đi lại, sản xuất. Ngoài ra, còn có rất nhiều cầu dân sinh khác đang tồn tại ở những vùng khó khăn. Đây thực sự là những ẩn họa khôn lường khi cầu xuống cấp, lũ lớn hoặc không có lan can bảo vệ người và phương tiện khi lưu thông.
Ông Phạm Xuân Điệp, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông Gia Lai, cho biết: “Hiện dự án Xây dựng cầu dân sinh và quản lý tài sản đường địa phương đang được triển khai tại Gia Lai do Tổng cục Đường bộ VN làm chủ đầu tư. Theo đó, tỉnh Gia Lai có 83 cây cầu được xây dựng với số vốn khái toán là 9,7 triệu USD, vay của WB. Có 25 cây cầu đã hoàn thành. Dự kiến đến năm 2020 sẽ xây dựng xong số cầu còn lại”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.