Lắt léo chữ nghĩa: Khóc tu oa

03/10/2021 06:30 GMT+7

Khóc tu oa là một ngữ vị từ khá phổ biến của phương ngữ Nam bộ. Đại Nam quấc âm tự vị của Huình-Tịnh Paulus Của đã ghi nhận ngữ vị từ này và giảng là “tiếng con nít mới lọt lòng mà khóc”.

Hoàn toàn đúng với thực tế mà chúng tôi đã nghe từ thời còn nhỏ. Riêng hai tiếng oa oa cũng được ghi nhận và giảng đúng như thế.

Việt Nam tự điển của Khai trí Tiến đức ghi nhận oa-oa (với dấu gạch nối) và giảng là “tiếng trẻ khóc to”. Từ điển tiếng Việt 2020 của Trung tâm Từ điển học do Hoàng Phê chủ biên ghi nhận oa oa và ghi chú là “động từ hoặc tính từ” rồi giảng là “như oe oe”. Tất cả đều bắt đầu ở từ oa Đại Nam quấc âm tự vị đã ghi nhận riêng và giảng là “tiếng con nít khóc”. Với Từ điển tiếng Việt 2020 thì oa oa cũng “như oe oe” mà riêng oe được ghi chú là “ít dùng” rồi giảng là “từ mô phỏng tiếng khóc to của trẻ sơ sinh”.

Thực ra, oe oe là điệp thức của oa oa mà riêng từ oe thì chính bản thân nó lại là điệp thức của oa, một hình vị Hán Việt mà chữ Hán là [哇], mà Từ hải giảng là “tiểu nhi đề thanh” (nghĩa 3), nghĩa là “tiếng con nít khóc”. Ngay từ trong tiếng Hán, oa [哇] đã là một từ tượng thanh (onomatopoiea) ghi nhận tiếng khóc của trẻ con rồi (chứ không đợi đến oe oe).

Có thể có ý kiến cho rằng trong tu oa thì tu là một yếu tố vô nghĩa nhưng không phải như thế. Chúng tôi chủ trương - và đã nhiều lần nói - rằng tiếng Việt không có những âm tiết vô nghĩa. Đó chỉ là những từ cổ, đã mất nghĩa. Và nhà Việt ngữ học có nhiệm vụ truy tìm cho ra những cái nghĩa đó, vì với chúng tôi thì tiếng Việt là một ngôn ngữ quốc gia hiện đại thuộc loại còn dung chứa trong lòng nó nhiều từ cổ nhất. Đây là một đặc trưng cực kỳ quan trọng của tiếng Việt chứ tuyệt đối không phải là sự tồn tại của hiện tượng gọi là “từ láy” và “tiếng đệm”.

Trong tu oa thì tu không phải là một tiếng đệm, mà chính cũng là tu trong tu hú tu trong tu huýt/hít. Đây là một biến thể ngữ âm rất cổ xưa của động từ tru trong chó tru mà ta có thể thấy được dùng ghép với hú trong tru hú, như trong đoạn trích dẫn dưới đây:

“Có lẽ vì vậy mà chó tru hú vào ban đêm là điều mà mọi người lo sợ. Giữa đêm mà bỗng chó tru hú lên quả thật rất đáng sợ, có cảm giác rợn người [...]. Ông bà ta xưa quan niệm rằng, âm thanh của tiếng chó tru hú là một điềm báo cho biết gia đình, chủ nhân của chó sắp có điều xảy ra, đây như là lời cảnh báo trước”.

(Liêm Lê, “Chó tru vào ban đêm là điềm báo gì? hên hay xui?”, Đồ thờ Bát Tràng, 10.5.2018).

Từ điển tiếng Việt 2020 của Trung tâm Từ điển học do Hoàng Phê chủ biên giảng là “rú lên thành tiếng to và kéo dài” (nghĩa 1). Đây cũng chính là nghĩa của tu, một từ cổ mà Từ điển tiếng Nghệ của Trần Hữu Thung - Thái Kim Đỉnh (NXB Nghệ An, 1998) giảng là “kêu rống lên (phỏng âm)” (nghĩa 1). Vậy tu oa, tu hú, tu huýt/hít là những cấu trúc đẳng lập gồm có hai từ độc lập cùng trường nghĩa. Tu là một từ cổ, vốn có nghĩa.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.