Lắt léo chữ nghĩa: Kính ngữ dành cho bậc đế vương

Vương Trung Hiếu
Vương Trung Hiếu
30/10/2022 07:30 GMT+7

Xem phim cổ trang hay tuồng cổ ta thường nghe cách xưng hô “thánh thượng”, “thánh giá”, “thiên tử”, “bệ hạ”, “vạn tuế”… Những từ này có ý nghĩa gì?

Xin thưa, đây là những từ tôn kính dành cho bậc đế vương thời xưa ở VN và Trung Quốc. Đế vương (帝王) là thuật ngữ chung của giới sử học dành cho các vị vua thời phong kiến; còn thánh thượng (圣上) là từ mà thần dân trong thời đại phong kiến dùng để gọi hoàng đế một cách tôn kính. Từ này có thể do Ban Cố sáng tạo trong bài Phú Đông Đô vào thời nhà Hán.

Giá (駕) có nghĩa là xe cộ hoặc vua xuất hành; loan giá (鸞駕) là xe vua. Nếu chuyến đi của vua có nhiều xe theo hầu thì gọi là đại giá (大駕), ít xe gọi là pháp giá (法駕); theo phò vua là hộ giá (護駕); còn thánh giá (聖駕) là xe thánh, tức cỗ xe của vua hoặc hoàng hậu, từ này còn dùng để chỉ hoàng đế hoặc hoàng hậu, từng được sử dụng trong bộ sách Ngũ đại sử bình thoại. Lương sử (quyển thượng).

Thiên tử (天子) là danh hiệu danh dự do thần dân thời xưa gọi bậc đế vương. Thời xưa, các vị đế vương tin rằng việc thành lập chính quyền của họ là do mệnh lệnh của Trời, thay Trời hành đạo, vì thế hoàng đế còn được gọi là thiên tử (con Trời). Điều này đã ghi trong quyển Bạch hổ thông đức luận thời Đông Hán: “Thiên tử giả, tước xưng giả”.

Bệ hạ (陛下) là kính ngữ dành cho hoàng đế. Bệ (陛) là các bậc thang của cung điện. Theo sách Độc đoán của Thái Ung thời Đông Hán, bệ hạ có nghĩa gốc là từ dùng để chỉ những cận thần đứng dưới bậc thềm để bảo vệ vua. Ngày xưa, quan hoặc dân không được trực tiếp tâu với vua, mà phải nhờ vị cận thần đứng ở bậc thềm tâu lại. Sau này, bệ hạ trở thành danh hiệu kính trọng dùng để gọi vua. Trong Đông Chu liệt quốc chí có câu: “Thiên tử tự xưng là “trẫm”, các quan tấu trình sự việc gọi vua là bệ hạ (Thiên tử tự xưng viết: “trẫm”; thần hạ tấu sự xưng “bệ hạ” (chương 108).

Vạn tuế (萬歲) ban đầu có nghĩa là tồn tại vĩnh viễn hoặc là từ chúc mừng dành cho quân vương. Điều này đã được ghi nhận trong quyển Sự vật kỷ nguyên (tập 1). Trong phim cổ trang ta thường nghe cách gọi vạn tuế gia (萬歲爺), đây là từ dùng để chỉ hoàng đế, các vị quan trong triều không ai dám sử dụng từ vạn tuế, mà chỉ dám tự xưng là cửu thiên tuế (九千歲). Ngoài hoàng đế, thái hậu cũng được gọi là vạn tuế. Tuy nhiên, từ thời nhà Hán đến nhà Đường, nhiều người trong hoàng gia được tôn xưng là vạn tuế, ví dụ như em trai của Hán Hòa Đế được gọi là Lưu vạn tuế (劉萬歲).

Vào thời tiền Tần, vạn tuế là một tên gọi khác của Trời, vì Trời là toàn năng tồn tại vĩnh viễn, còn ngày nay vạn tuế có nghĩa là lời ca tụng muôn năm.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.