Lắt léo chữ nghĩa: Mang và mển trong mang mển

20/09/2020 06:10 GMT+7

Trước nhất, cần phân biệt mang trong mang thai (ghi là mang 1) với mang trong có mang (ghi là mang 2).

Trong mang thai thì mang 1 là một động từ mà Từ điển tiếng Việt 2008 do Hoàng Phê chủ biên giảng là “có ở trên người, trên mình, ở một vị trí nhất định nào đó”, với mấy ví dụ, trong đó có mang thai. Còn có mang thì được chuyển giảng về có thai mà có thai thì được giảng là “[người phụ nữ] đang mang thai trong bụng”. Chúng tôi chỉ muốn dựa vào lời giảng trên đây để khẳng định rằng trong có mang thì mang 2 là một danh từ đồng nghĩa với thai, dùng làm bổ ngữ cho động từ có. Cả hai chữ mang đều là những từ Việt gốc Hán.
Mang 1 bắt nguồn ở một từ ghi bằng chữ [蒙] mà âm Hán Việt hiện hành là mông trong mông ân [蒙恩], có nghĩa là “mang ơn, đội ơn”. Tương quan ÔNG ↔ ANG giữa mông và mang là một mối quan hệ rất xưa, còn có thể thấy được qua việc chữ công [工] vần ÔNG hài thanh cho các chữ giang [江,杠,扛,肛] vần ANG.
Mang 2 bắt nguồn ở một từ ghi bằng chữ [萌], mà âm Hán Việt là manh, có nghĩa là “cái mầm cây” và nghĩa rộng là “cái mầm của sự sống đang nằm trong bụng của người mẹ tương lai”. Trong Đồng nguyên tự điển (Thương vụ ấn thư quán, Bắc Kinh, 1997), Vương Lực đã chứng minh rằng manh [萌] là đồng nguyên tự của hai chữ mang [芒 và 鋩] (tr.372 - 373). Với quan hệ đồng nguyên như trên giữa manh
[萌] và mang [芒, 鋩] thì không có gì lạ nếu mang 2 là điệp thức của manh [萌].
Mang 2 thì như thế; còn
mển thì sao? Dictionarium Anamitico Latinum (viết tay, 1772 - 1773) của Pierre Pigneaux de Béhaine và từ điển cùng tên của J.L.Taberd ấn hành tại Serampore năm 1838 đều có ghi nhận mang mển và đối dịch là “in utero gestare” (mang thai trong tử cung). Đại Nam quấc âm tự vị của Huình-Tịnh Paulus Của giảng mang mển là “có nghén” và có mang có mển là “có thai, có nghén”. Việt Nam tự điển của Lê Văn Đức giảng mang - mển là “có chửa nặng - nhọc”. Vậy mển có nghĩa là “thai” hoặc “có thai”. Đây là một từ Việt gốc Hán, bắt nguồn ở một từ ghi bằng chữ [娩], mà âm Hán Việt hiện hành là miễn, có nghĩa là “đẻ con, sinh con”.
Về tương quan IÊN ↔ ÊN giữa miễn và mển, ta còn có: biên [邊] ↔ bên trong kế bên; điện [殿] trong cung điện ↔ đền trong đền đài; kiển [繭] ↔ kén trong kén tằm; phiên [藩] ↔ phên trong phên giậu; tiễn [箭] ↔ tên trong mũi tên... Về tương quan thanh điệu (ngã ↔ hỏi) thì thực ra không có quy tắc chặt chẽ cho mọi trường hợp. Vả lại, “ngã ↔ hỏi” ở đây đều xuất phát từ thượng thanh của âm vận học truyền thống.
Vậy mang mển là một cấu trúc đẳng lập gồm có hai hình vị đồng nghĩa liên quan đến khái niệm “thai nghén”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.