Lắt léo chữ nghĩa: 'Ngựa cu' và mấy chữ vần u

14/04/2019 09:00 GMT+7

Một số từ hoặc hình vị nay đã đọc thành 'câu' thì hồi giữa thế kỷ 17, thậm chí đến cuối thế kỷ 18, vẫn còn đọc là cu.

Từ điển Annam - Bồ Đào Nha - Latinh (Roma, 1651) của A.de Rhodes còn ghi chếm cu thay vì chấm câu, cu lan thay vì câu lan (lơn), bồ cu thay vì bồ câu. Nhưng đến Tự vị Annam - Latinh (1772 - 1773) của Pierre Pigneaux de Béhaine thì đã thấy ghi chấm câu, bồ câu, câu lơn, chứ không còn ghi “cu” cho những trường hợp này nữa. Riêng chữ câu trong bạch câu quá khích thì vẫn còn được ghi là bạch cu.
Cứ như trên thì trong những trường hợp này, u xưa hơn âu. Tru, trù trong tiếng Nghệ Tĩnh là âm xưa của trâu, trầu trong tiếng Việt hiện nay. Bu trong ruồi bu kiến đậu của tiếng Nam bộ là âm xưa của bâu trong tiếng miền Bắc. Đặc biệt đậu của cả hai miền thì chữ Hán là [逗], mà âm cực xưa là… đụ vì nó thuộc vận bộ ngụ [遇], nay đã đọc thành ngộ. Với cái âm cực xưa này, và với cái nghĩa thô tục vẫn thông dụng ở trong Nam để chỉ việc “hành sự” của nam đối với nữ, thì đụ đích thị là một từ Việt gốc Hán, mà nghĩa hữu quan là “vật khớp với nhau” (nghĩa 2), “đâm thủng, xuyên qua” (nghĩa 6), như đã cho trong Hán ngữ đại tự điển (Thành Đô, 1993).
Cu trong ngựa cu cũng chính là cu trong bạch cu, nay đã đọc thành câu, chữ Hán là [駒], có nghĩa là: 1. ngựa non mà khỏe; 2. động vật còn non tuổi; 3. còn non tuổi nói chung. Trên đây là những nghĩa đã cho trong Hán ngữ đại tự điển (đã dẫn) và chúng tôi đã ghi đúng theo thứ tự đã cho trong quyển từ điển này. Nhưng đây thực ra chỉ là một thứ tự ngược chiều vì đúng ra thì phải là: 1. còn non tuổi; 2. động vật còn non tuổi; 3. ngựa non mà khỏe. Sở dĩ nói đây là một thứ tự ngược chiều là vì chữ câu [駒] bộ [馬] chỉ là trường hợp ứng dụng nghĩa 2 (động vật còn non tuổi) cho loài ngựa (còn nghĩa 2 thì chỉ là ứng dụng từ nghĩa 1) mà thôi. Chữ này còn có một số đồng nguyên tự chỉ những con vật non tuổi thuộc giống khác, như dê, bò (hoặc trâu), gấu, hổ, mà Vương Lực đã nêu trong Đồng nguyên tự điển (Bắc Kinh, 1997, tr.182, ảnh) và chim, lợn rồi cả người nữa, như Lưu Quân Kiệt đã bổ sung trong Đồng nguyên tự điển bổ (Bắc Kinh, 1999, tr.65).
Vậy, cu trong ngựa cu chính là âm xưa của chữ câu trong bạch câu quá khích, còn được bảo lưu trong phương ngữ Nam bộ. Ngựa cu vốn có nghĩa là ngựa non mà khỏe, về sau đã chuyển nghĩa một cách “phóng khoáng” để chỉ một giống ngựa vóc nhỏ, bất kể cá thể được nói đến còn non hay đã già. Nếu không phải vì một sự nhạy cảm mà Cao Xuân Hạo từng nói đến (*) thì có lẽ là dân VN đầu thế kỷ 21 vẫn còn nói bạch cu chứ không phải bạch câu vì thực ra câu [駒] là một chữ thuộc vận bộ ngu [虞], như đã cho rõ ràng trong tự thư và vận thư.
-------------
(*) Cao Xuân Hạo đã viết như sau: “Người Việt nhận diện ra các tiếng tục ngay cả khi không hề có calembour (một kiểu chơi chữ bằng hiện tượng đồng âm - A.C) và trong những ngữ cảnh ít thuận lợi cho việc nhận diện nhất như trong các tên riêng ngoại quốc đa âm tiết chẳng hạn. Những tiếng như cu, đít, ghe ngay trong bối cảnh này cũng bị hiểu như tiếng tục và do đó thường được ghi trẹ đi để tránh cách hiểu đó” (“Về cương vị ngôn ngữ học của tiếng”, Ngôn ngữ, số 2-1985, tr.28).
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.