Lắt léo chữ nghĩa: Xép hay xếp?

27/10/2019 07:17 GMT+7

Liên quan đến vấn đề ' xép hay xếp ?' trong một số địa danh ở miền Tây (Nam bộ), đã có một cuộc trao đổi thân mật và thú vị trên Facebook.

Bạn Cá Vàng cho biết địa danh cụ thể Xép Bà Lý nay đã chính thức được ghi nhận thành Xếp Bà Lý. Vậy hình thức ngữ âm - chính tả gốc là xếp hay xép?
Đó là xép. Những quyển từ điển hàng đầu về tiếng Việt từ Việt Nam tự điển của Khai trí Tiến Đức (1931) đến Từ điển tiếng Việt của Trung tâm từ điển học do Hoàng Phê chủ biên (2007) đều chỉ có xép chứ không có xếp. Sở dĩ Từ điển từ ngữ Nam bộ của TS Huỳnh Công Tín ghi nhận cả hai là do nương theo thực tế: đã bắt đầu có nhiều người khoái “chuyển âm” từ xép thành xếp. Bằng chứng “hot” nhất là Xép Bà Lý đã bị đổi thành Xếp Bà Lý. Nhưng từ gốc thì vẫn là xép. Đại Nam quấc âm tự vị của Huình-Tịnh Paulus Của đã giảng một cách khái quát rằng xép là “cái hói, cái hóc; cái đàng nước nhỏ mà chẹt”. Nếu có chi tiết hóa thành “con lạch nằm giữa một cù lao và đất liền”, chẳng hạn, thì đó vẫn cứ là “cái đàng nước nhỏ mà chẹt” chứ không phải cái gì khác.
Xép là một từ Việt gốc Hán, bắt nguồn ở một từ ghi bằng chữ thiếp [淁], mà Hán ngữ đại tự điển (Thành Đô, 1993) giảng là “thủy chi lưu” [水支流], nghĩa là “sông nhánh”. Về tương quan IÊPEP giữa thiếp xép, ta còn có thể thấy với một số trường hợp khác, như:
- diệp [葉] là mỏng ↔ dẹp;
- diệp [偞] là đẹp ↔ đẹp, biết rằng diệp [枼] cũng hài thanh cho điệp [牒];
- hiệp [狹] ↔ hẹp;
- niệp [籋], cái nhíp ↔ nẹp;
- nhiếp [囁], Hán điển (zdic.net) dịch là “move lips as when speaking” (Anh), “bouger la bouche” (Pháp) ↔ nhép trong nhép miệng; v.v...
Về tương quan phụ âm đầu TH ↔ X thì ta cũng có nhiều dẫn chứng:
- thảm [黲] ↔ xám;
- thanh [青] ↔ xanh;
- thát [擦] ↔ (chà) xát;
- thâm [深] ↔ (xa) xăm;
- thức [拭] ↔ xức (dầu, thuốc, v.v...);
- thước [皵], da dẻ nứt nẻ ↔ xước (da); v.v...
Cứ như trên thì rõ ràng xép là một từ Việt gốc Hán. Nhưng đây không phải là một từ riêng của phương ngữ Nam bộ, vì nó vốn là một từ của tiếng Việt toàn dân. Ngay cả xẻo là một từ cùng trường nghĩa với nó cũng vậy: cả hai đều được ghi nhận trong Việt Nam tự điển của Khai trí Tiến Đức nhưng quyển này ghi chữ xẽo với dấu ngã. Trong quá trình đi xuống phía nam để sinh cơ lập nghiệp, lưu dân người Việt đã đem theo hai từ xép xẽo, từng tồn tại ở Đàng Ngoài. Do thực tế của Nam bộ là vùng sông rạch chằng chịt giữa những cánh đồng cò bay thẳng cánh nên hai từ này đã được sử dụng với một tần số cao hơn khi chúng còn ở quê hương Đàng Ngoài.
Đã thế, tại quê hương miền Bắc của nó, càng ngày người ta càng ít dùng đến xépxẽo nên mới làm phát sinh cái sự ngộ nhận cho rằng đây là “đặc sản” của tiếng Việt ở Nam bộ. Cũng do sự ngộ nhận này mà chữ xẽo dấu ngã bây giờ hầu như đã được ghi một cách nhất quán với dấu hỏi thành xẻo, kể cả trong Từ điển tiếng Việt do Hoàng Phê chủ biên. Dĩ nhiên là chuyện này có nguyên nhân của nó. Số là dân Nam kỳ đã “thống nhất” hỏi - ngã làm một từ lâu và cứ viết chữ xẻo với dấu hỏi nên các sĩ phu Bắc Hà cũng nói theo dân Nam kỳ mà “hỏi hóa” nó vì có lẽ tại chính quê hương của họ thì cái từ mang âm xẽo cũng đã tuyệt tích giang hồ từ lâu.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.