Lắt léo chữ nghĩa: Xép trong ga xép

03/11/2019 07:08 GMT+7

Trên Thanh Niên ngày 27.10.2019, chúng tôi đã bàn về nguồn gốc của từ xép trong địa danh Xép Bà Lý. Sau đó, bạn đọc Lê Hùng Tiến có nêu ý kiến: 'Tôi biết một từ xép, tôi hiểu là nhỏ bé, không quan trọng, trong ga xép. Vậy xép trong ga xép có liên quan gì với Xép Bà Lý ?'.

Xép trong ga xép không có liên quan gì với Xép Bà Lý cả. Còn riêng danh ngữ ga xép thì có thể làm cho những người yêu mến nhóm Tự Lực Văn Đoàn liên tưởng đến truyện ngắn Hai đứa trẻ của Thạch Lam thuở nào trong một niềm nhớ nhung lãng mạn buồn mênh mang…
Tác giả Vi Li đã viết: “Bao lần về Hải Phòng, tôi đều chọn đi tàu hỏa. Để sống chậm. Để mỗi lượt ngang qua ga xép Cẩm Giàng, được nhớ Thạch Lam và hình dung ông trong khu vườn xanh um kia. Tôi vừa đến, và đã gặp […] chị em Liên và An, trông quầy hàng xén gần ga xép phố huyện buồn. Nguồn vui duy nhất mỗi ngày của họ, là ngóng và ngắm đoàn tàu từ Hà Nội chạy qua […]” (tùy bút Gặp Thạch Lam ở Cẩm Giàng, Nhân dân hằng tháng, 18.9.2013). Khúc Hà Linh thì: “Ga Cẩm Giàng là một ga xép như bao ga khác, nhưng là nơi chứa đựng tình yêu, kỷ niệm ấu thơ của nhà văn Thạch Lam, một trong bát tú của Tự Lực Văn đoàn những năm 30 - 40 thế kỷ trước” (Về Cẩm Giàng, nhớ Thạch Lam, Văn nghệ [baohaiduong.vn], 16.2.2013).
Còn đây là Văn Công Hùng: “Từ lâu đã nghe cái tên Cẩm Giàng. Có thể nói ai có tí tình yêu văn chương đều từng nghe tới cái tên ấy. Bởi nó gắn với Tự Lực Văn Đoàn, với cái ga xép lừng danh, với hai đứa trẻ, với bóng hoàng lan...” (ghi chép Một trưa Cẩm Giàng, Sức khỏe & Đời sống, 18.1.2015).
Thực ra thì trong ga xép Xép Bà Lý, ta có hai từ xép khác nhau. Xép trong ga xép được Từ điển tiếng Việt 2008 của Trung tâm Từ điển học do Hoàng Phê chủ biên giảng là “nhỏ, phụ” (như bạn Lê Hùng Tiến đã hiểu), với các ví dụ: cái buồng xép; phiên chợ xép; dân phố xép.
Xép là một từ Việt gốc Hán, bắt nguồn ở một từ ghi bằng chữ [接], mà âm Hán Việt hiện hành là tiếp. Ngoài nghĩa quen thuộc trong liên tiếp, giao tiếp, tiếp đãi, tiếp xúc..., tiếp còn có nghĩa mà Dictionnaire classique de la langue chinoise của F.S.Couvreur giảng là “contigu, proche” (liền kề, kế bên, gần, gần gũi). Chính nghĩa này đã đưa đến nghĩa phái sinh là “nhỏ, phụ” của tiếp trong tiếng Việt hiện đại, vì ta có: - liền kề → cái kế bên → không phải cái chính được nói đến → cái phụ.
Đó là nói về nghĩa. Còn về tương quan vần giữa iêp ↔ ep thì chúng tôi đã chứng minh trên Thanh Niên ngày 27.10.2019 nên ở đây chỉ xin nói về tương quan phụ âm đầu T ↔ X, mà dẫn chứng thì không ít:
- tao [騷], rối loạn; buồn rầu → xao trong xôn xao, xao xuyến; với nghĩa là gây rối thì → xáo trong xáo trộn, xào xáo;
- tịch [夕], vẹo, tà vạy → xệch trong méo xệch, xếch trong mắt xếch;
- tiên [煎], đun, nấu cho cạn → xên trong xên đường, xên mứt;
- tiễn [剪], cắt cho bằng → xén trong cắt xén;
- toàn [鑽], kim cương → xoàn trong hột xoàn;
- tuy [綏] ổn thỏa, yên ổn → xuôi trong xong xuôi.
Cứ như trên thì xép trong ga xép không có liên quan gì đến xép trong Xép Bà Lý.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.