Lật tẩy đường dây bán vé lụi: Nhà nước thất thu, 'nhà tàu' đầy túi!

03/07/2019 05:09 GMT+7

Hằng ngày, có hai lực lượng tích cực cung cấp vé lụi cho khách, đó là những người môi giới, còn gọi là 'cò' vé, và một số nhân viên quầy hướng dẫn tư vấn cho khách.

Theo tiết lộ của chính giới “cò” vé, mỗi ngày họ bỏ túi hàng triệu đồng tiền chênh lệch vé khi môi giới cho khách, nhưng số tiền này chẳng thấm vào đâu so với những nhân viên trong đường dây vé lụi.
Trong khi đó, thực trạng ngành đường sắt lâu nay vẫn ì ạch, không có tiền tái đầu tư phát triển và tụt hậu xa so với những ngành vận tải khác.

[VIDEO ĐIỀU TRA] Lật tẩy đường dây người "nhà tàu" bán vé lụi - Kỳ 1: Chợ đen trong ga Sài Gòn

Khách vô quầy thì tụi nó làm. Khách dì bắt qua cửa tốn phí 50.000 đồng, có bữa một ngày tốn 3 triệu đồng tiền qua cửa đó. Con ở đây rồi sẽ thấy cái bề trái ở ga Sài Gòn này

Bà Nga, bán vé chợ đen trên 30 năm ở ga Sài Gòn
Quá trình điều tra, PV Thanh Niên ghi nhận hằng ngày có hai lực lượng tích cực cung cấp vé lụi cho khách, đó là những người môi giới, còn gọi là “cò” vé, và một số nhân viên quầy hướng dẫn tư vấn cho khách. Do số tiền trục lợi lớn nên hai “kênh phân phối” này tranh giành khách, thậm chí xung đột nhau.
Đáng chú ý, trong thời gian thâm nhập giới “cò”, chúng tôi được nghe tiết lộ những bí mật “làm ăn” mà chỉ có người trong cuộc mới biết. “Dì Nga nói cho con nghe nè, con nghĩ ai đưa vé cho khách vô? Cũng là khách vận (nhân viên hướng dẫn - PV) đưa. Tụi khách vận một ngày làm biết bao nhiêu tiền mà nói. Ví dụ nghen, khách lại quầy hỗ trợ là người ta đang hoang mang, nghe nhân viên chèo kéo họ tin tưởng, đồng tình ngay. Nhân viên hướng dẫn ăn không chừa cho đám chợ đen ở ngoài luôn!”, bà Nga, bán vé chợ đen trên 30 năm, “tố”.
Theo tìm hiểu của PV, mỗi khách qua cửa soát vé trót lọt, “cò” sẽ trả cho nhân viên hướng dẫn 50.000 đồng. Trong khi đó, các nhân viên hướng dẫn được bố trí từ 3 - 4 người/ngày làm việc, ngoài nhiệm vụ hướng dẫn, tư vấn cho hành khách còn thay nhau “kiêm” thêm nhiệm vụ soát vé cổng vào ga. “Khách vô quầy thì tụi nó làm. Khách dì bắt qua cửa tốn phí 50.000 đồng, có bữa một ngày tốn 3 triệu đồng (tương đương 60 khách - PV) tiền qua cửa đó. Con ở đây rồi sẽ thấy cái bề trái ở ga Sài Gòn này. Một ngày tụi nó (nhân viên hướng dẫn - PV) kiếm cả trăm triệu đồng đó (!?)”, bà Nga tỏ ra tường tận.

[VIDEO ĐIỀU TRA] Lật tẩy đường dây người “nhà tàu” bán vé lụi - Kỳ 2: Luật ngầm trắng trợn trên toa xe

“Cò” Mỹ Linh đang bán vé lụi và thu tiền của một hành khách

Bà Nga kể, trưa 14.6, bà bắt được 2 khách đi giường nằm tuyến Sài Gòn - Hà Nội từ ngoài đường với giá 1,6 triệu đồng/người. Nhưng khi vào trong, hai khách mua vé từ nhân viên hướng dẫn tên Tr. với chỉ 3 triệu đồng nên đổi ý không mua của bà Nga. “Dì bức xúc vào quầy hướng dẫn nói mày để dì Nga làm mở hàng nha. Mấy chục năm rồi tao chưa bao giờ vào đây tranh giành khách với mày. Nhưng tao đưa từ ngoài đường vô. Lúc đó dì tức rớt nước mắt luôn”, bà Nga kể lại chuyện bị nhân viên hướng dẫn hớt tay trên.
Nếu thương vụ trên thành công, bà Nga cho biết kiếm được 1 triệu đồng, trừ tiền đưa nhân viên hướng dẫn 100.000 đồng (2 vé), bà còn 900.000 đồng. “Đó người ta mới gọi là làm vé chợ đen chứ kiếm hai, ba chục ngàn thì làm cái gì? Cửa miệng mình xin khách cho vài chục nhưng mình còn “ăn trong phạm vi của nhân viên nữa”. Nhưng hiện giờ, đời sống chợ đen phế lắm, nhân viên ga cạnh tranh gắt gao”, bà Nga tiết lộ và lắc đầu: “Nếu khách vận không làm chợ đen thì một ngày tụi dì làm nhiều lắm...”.

[VIDEO ĐIỀU TRA] Lật tẩy đường dây người “nhà tàu” bán vé lụi - Kỳ 3: Choáng váng với thu nhập "khủng"

Bát nháo vé lụi

Để “kiểm chứng” thu nhập của đường dây bán vé lụi, PV Thanh Niên túc trực tại ga Sài Gòn và ghi hình. Chỉ trong vòng một giờ, từ 21 - 22 giờ ngày 28.6, nhóm “cò” bán vé lụi cho không dưới 20 hành khách. Trong đó, Quắn hoạt động vô cùng tất bật. Hết gọi điện, Quắn đi ra, đi vào thăm hỏi, trấn an khách đang ngồi đợi tới giờ tàu chạy. Trong khi đó, “cò” Mỹ Linh hớn hở đi từ trong nhà ga ra trước cổng số 2 để gặp khách. Theo ghi nhận, chỉ trong vòng 15 phút, Linh đã cung cấp 4 vé lậu cho khách.
 

“Cò” Tâm đang chèo kéo khách

Cách đó không xa, “cò” Tâm cũng hoạt động hết công suất. Ông này tích cực chèo kéo khách tại bảng ghi thông tin giờ chạy, giá vé. Ngay sau đó, ông quay qua người phụ nữ đang ngồi uống nước để đưa 2 tờ vé lụi. Người phụ nữ tỏ ra nghi ngờ và ông Tâm ra sức giải thích, rồi lấy bút ghi vào tờ vé để tạo niềm tin nên vị khách nữ đồng ý rút tiền ra trả.
Theo PV tìm hiểu, giới “cò” bán vé chợ đen ở ga Sài Gòn đã hành nghề vài chục năm nay, có nhiều trường hợp "cha truyền con nối" - vợ chồng, mẹ con cùng theo nghiệp “cò”. Hoạt động ở ga, hầu hết họ sử dụng “bí danh” để che giấu thân phận. Như bà Nga, tên thật B.T.K.L (66 tuổi, ngụ P.10, Q.3), có thâm niên trên 30 năm. “Nói nghe nè, dì làm nghề chợ đen lúc con dì chưa đẻ. Làm nghề này chẳng ăn cắp ăn trộm gì cả. Chứ vào ga móc túi một ngày cỡ 50 cái túi kiếm cả trăm triệu, nhưng làm mắc công mang tiếng, có khi tội lỗi nhà tù”, bà Nga tỏ ra đầy nhân văn.

[VIDEO ĐIỀU TRA] Lật tẩy đường dây người “nhà tàu” bán vé lụi - Kỳ 4: Ký sinh trùng đường sắt

Tương tự, Quắn, tên thật N.N.C (32 tuổi, con gái bà Nga) hành nghề khoảng 10 năm ở ga Sài Gòn. Quắn được cho là “quái” nhất nhóm chợ đen vì miệng lưỡi lanh lẹ, mọi thao tác đều nhanh nhẹn mỗi khi gạ gẫm hành khách mua vé. “Chị làm chợ đen, chồng chị cũng làm chợ đen luôn”, Quắn nói. Theo tìm hiểu của PV, Quắn từng đánh nhân viên bảo vệ của ga Sài Gòn vì dám đẩy đuổi, ngăn cản mua bán vé chợ đen và bị công an bắt giữ, truy cứu trách nhiệm hình sự.
Một tay “cò” kỳ cựu khác, cùng tuổi với bà Nga thua tuổi nghề, tiếng tăm khá dữ dằn là bà N.T.Th, “bí danh” Linh (66 tuổi, ngụ P.10, Q.3), bán vé chợ đen hơn 20 năm nay. Trong khi đó, bà L.K.H (63 tuổi, ngụ P.12, Q.10), bán vé chợ đen khoảng 30 năm... Sau hàng chục năm hành nghề, 2 bà này đúc kết: “Làm nghề này phải khéo. Đừng bao giờ đụng độ với nhóm bảo vệ ở ga. Họ đuổi mình bỏ đi, phải ngọt ngào chứ đừng làm căng với bảo vệ. Thế mới tồn tại được”.

Khu vực bảng ghi giờ tàu chạy tại ga luôn có “cò” túc trực để lôi kéo khách mua vé lụi

Ngoài ra, cũng phải kể đến các “cò” khác, tuy tuổi đời, tuổi nghề có thể ít hơn nhưng hoạt động hiệu quả, doanh số thuộc loại khủng như: bà Xuân “nám”, bà Mỹ Linh, bà Lùn, ông Sơn... Trong đó, đáng chú ý là ông Tâm (khoảng 50 tuổi), dù chỉ mới vào nghề 2 năm nhưng với vẻ ngoài lịch sự, lối ăn nói lưu loát, ông Tâm được cho là một trong những “thợ săn” giỏi nhất trong nhóm “cò” vé ở ga Sài Gòn.
Đối trọng chia phần “lãnh địa” với “cò” là một số nhân viên quầy hướng dẫn như P., V., Tr., M.N… Với vị thế “nhân viên nhà nước”, họ ngang nhiên lôi kéo khách mua vé lụi thông qua hình thức “tư vấn” mà Thanh Niên đã lột tả trong các số báo ra ngày 1 - 2.7. (còn tiếp)

Làm đồng bộ thì “cò” hết đất sống !

Ngày 2.7, trả lời PV Thanh Niên, ông Nguyễn Văn Thành, Phó giám đốc Chi nhánh khai thác đường sắt Sài Gòn kiêm Trưởng ga Sài Gòn, thừa nhận “cò” vé hoạt động ở ga Sài Gòn đã tồn tại hàng chục năm nay; trong đó có cả những trường hợp “cha truyền con nối” cùng hành nghề. Ông Thành cho rằng nếu trong ngành đường sắt không có tiêu cực và các bộ phận cùng làm đồng bộ, “cò” vé sẽ hết đất sống. “Nếu khâu soát vé vào cổng; khâu kiểm vé khi lên tàu; các đoàn kiểm tra và nhân viên trên tàu không dính dáng tiêu cực, tất cả cùng vào cuộc một cách đồng bộ thì chẳng cần đẩy đuổi, “cò” cũng sẽ không tồn tại được”, ông Thành nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.