Lầu Năm Góc thời ông Trump

27/03/2017 10:00 GMT+7

Lầu Năm Góc dưới thời Tổng thống Mỹ Donald Trump được tự do tiến hành nhiều chiến dịch quân sự mà không cần phải có sự phê chuẩn của Nhà Trắng.

Sự chuyển hướng sang trao quyền tự quyết cho Lầu Năm Góc được thể hiện rõ nhất trong cuộc chiến chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) do Mỹ đứng đầu ở bắc Syria.
Dưới thời tổng thống Barack Obama, mọi động thái từ nhỏ đến lớn của quân đội Mỹ ở Syria đều phải được Nhà Trắng thông qua. Nhưng kể từ khi ông Trump nhậm chức vào ngày 20.1, lực lượng thủy quân lục chiến Mỹ đã đưa một khẩu đội pháo với những loại pháo hạng nặng đến Syria mà không cần sự phê chuẩn của Nhà Trắng, và quân đội đã triển khai thêm hàng trăm lính biệt kích, nâng tổng số binh sĩ Mỹ tại đây lên gần 1.000.
Các chỉ huy quân đội cũng đang cân nhắc khả năng triển khai thêm hàng trăm binh sĩ đến Syria. Lầu Năm Góc trong tuần này tuyên bố đã yểm trợ bằng pháo và trực thăng cho lực lượng địa phương trong nỗ lực tái chiếm một con đập chiến lược.
Phó thác trách nhiệm
Dưới thời ông Obama, Hội đồng An ninh quốc gia (NSC) chịu trách nhiệm điều phối chính sách quân sự và ngoại giao, cũng như thực hiện những kế hoạch về an ninh quốc gia của tổng thống. NSC giám sát mọi thứ liên quan đến cuộc chiến của Mỹ ở Iraq, Syria và Afghanistan, đồng thời kiểm soát chặt chẽ bộ trưởng quốc phòng lúc bấy giờ là ông Ashton Carter. Nhưng ông Trump đã tái cơ cấu NSC và cơ quan này không cần phải “nhúng tay” vào các chiến dịch quân sự, theo tờ The New York Times.
Bên cạnh đó, ông Trump nhiều lần phó thác cho Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis quyết định về các chiến dịch quân sự, theo AFP. Ông Mattis, một đại tướng về hưu trước khi được ông Trump bổ nhiệm, lại giao quyền định đoạt cho các chỉ huy ở chiến trường. “Mattis được trao quyền tiến hành những chiến dịch quân sự theo cách mà ông nhận định là tốt nhất”, phát ngôn viên Lầu Năm Góc Chris Sherwood lưu ý.
Mỹ đang tham chiến chống IS ở Iraq, Syria và Taliban ở Afghanistan thông qua lực lượng địa phương được Washington hậu thuẫn và không lực quân đồng minh. Chiến lược này dưới thời ông Trump vẫn không thay đổi, nhưng các chỉ huy hiện được tự do làm theo ý mình trong việc triển khai binh sĩ và vũ khí.
Thời ông Obama, việc tăng cường binh sĩ là vấn đề nhạy cảm bởi ông từng vận động tranh cử với cam kết chấm dứt những cuộc chiến của Mỹ ở Trung Đông và không triển khai lính Mỹ tham chiến. Nhưng thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa John McCain, Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ, là người lâu nay luôn lên tiếng chỉ trích cái mà ông gọi là kiểu quản lý vi mô của NSC. Ông McCain tuyên bố ủng hộ việc mở rộng quyền tự quyết cho các chỉ huy chiến trường.
“Chúng ta không phải xin phép những người tuổi 30 để đáp trả một vụ tấn công ở Afghanistan”, ông McCain nói, ám chỉ sự kiểm soát sát sao của NSC trước đây. Đồng quan điểm với ông McCain, nghị sĩ Mac Thornberry (đảng Cộng hòa) kể về một chuyến thăm của ông đến Afghanistan dưới thời Tổng thống Obama. Khi đó, ông Thornberry vô tình nghe được cuộc gọi từ một nhân viên NSC hỏi có bao nhiêu xăng trong những máy bay trên đường băng. “Mức độ quản lý vi mô thật không thể tin nổi, và tất nhiên trong lúc chúng ta loay hoay hoàn tất các thủ tục với NSC, mục tiêu tấn công đã cao chạy xa bay”, ông Thornberry chỉ trích.
Bất chấp sinh mệnh dân thường
Nhiều chỉ huy trong quân đội Mỹ hoan nghênh quyền tự quyết mới được cấp, nhưng giới quan sát cho rằng điều này có thể làm gia tăng tỷ lệ thường dân thiệt mạng, đe dọa tính mạng binh sĩ Mỹ và dẫn đến mất kiểm soát những cuộc chiến mà Mỹ khơi mào, theo AFP.
Các quan chức quân đội Mỹ nhấn mạnh đảm bảo an toàn cho dân thường là ưu tiên hàng đầu khi phê chuẩn bất kỳ cuộc không kích nào. Tuy nhiên, Lầu Năm Góc hồi đầu tháng 3 đã phải thừa nhận có 220 dân thường thiệt mạng kể từ khi chiến dịch không kích nhằm tiêu diệt IS ở Iraq và Syria bắt đầu vào cuối mùa hè 2014. Theo Airwars, một tổ chức bao gồm các nhà báo và nhà nghiên cứu ở Anh, con số thương vong thật sự cao hơn gấp 10 lần.
Mới đây nhất, Lầu Năm Góc ngày 25.3 thừa nhận chính liên minh do Mỹ dẫn đầu đứng sau cuộc không kích vào một khu vực do IS chiếm giữ ở Mosul ngày 17.3 mà theo các cư dân và giới chức địa phương là đã khiến hơn 200 dân thường thiệt mạng. Giới chức Mỹ đưa ra xác nhận sau khi lực lượng chính phủ Iraq quyết định tạm ngưng chiến dịch giải phóng Mosul do tỷ lệ thương vong của dân thường tăng cao.
Sau khi rà soát sơ bộ, phía Mỹ cho hay liên minh đã không kích theo yêu cầu của lực lượng Iraq vào “địa điểm khớp với nơi có các cáo buộc về thương vong của dân thường”. Theo tờ The Washington Post, tính đến ngày 25.3, giới chức Iraq đã khai quật được 83 thi thể từ một khu nhà bị sập trong cuộc không kích, trong đó có nhiều phụ nữ và trẻ em. Quá trình đào bới tìm kiếm thi thể vẫn đang diễn ra.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.