'Lâu rồi bố mẹ không nói chuyện với con'

10/07/2016 07:46 GMT+7

Được bố mẹ quan tâm, cùng trò chuyện, chơi đùa... là nhu cầu chính đáng của con cái. Vậy mà điều ấy đã trở thành ước mơ xa xỉ đối với nhiều đứa trẻ.

Nguyễn Tường An, học sinh lớp 5 tại một trường tiểu học quốc tế (ở Q.10, TP.HCM), cho biết cứ sáng thức dậy chỉ thấy tờ tiền 200.000 đồng được đặt ở đầu giường, chứ chẳng bao giờ thấy bóng dáng của bố mẹ. “Em ước được bố mẹ quan tâm, hỏi han động viên nhưng chẳng bao giờ thấy”, Tường An rầu rĩ kể.
Còn Lê Thảo Nguyên, học sinh lớp 7, Trường THCS Vân Đồn (Q.4, TP.HCM) thì than vãn: “Nhiều khi muốn tâm sự với mẹ, nhờ mẹ giải đáp những điều đang vướng mắc nhưng mẹ chẳng thèm quan tâm, chẳng thèm nghe em kể, chỉ lo tập trung làm những công việc riêng. Em thấy buồn vô cùng”.

tin liên quan

5 lý do cha mẹ trẻ cần cho con du lịch
Việc giáo dục, rèn luyện kỹ năng cho trẻ em, đặc biệt thông qua những chuyến du lịch, dã ngoại, đóng vai trò rất quan trọng cho sự phát triển của các bé.
Những câu chuyện của Thảo Nguyên hay Tường An không ngoại lệ, bởi đã và đang là tình cảnh mà nhiều đứa trẻ gặp phải. Chúng mong mỏi được trò chuyện, tâm tình cùng bố mẹ, nhưng đáp lại chỉ là sự thờ ơ, dửng dưng của bậc phụ huynh.
Trần Hữu Tú, học sinh lớp 9, Trường THCS Thanh Đa (Q.Bình Thạnh, TP.HCM), cho biết suốt cả năm học chưa một lần được bố hướng dẫn làm bài tập, dù cậu bé này đã nhờ cậy bố rất nhiều. “Bố luôn nói đang bận xử lý công việc. Có khi hứa lát sẽ hướng dẫn rồi tiếp tục say sưa làm việc riêng, nhưng cũng có nhiều khi bố từ chối thẳng thừng, nói “tự làm đi”. Sau nhiều lần như vậy, em chẳng nhờ bố nữa, vì biết bố sẽ chẳng đồng ý đâu”, Hữu Tú kể.
“Mẹ đi làm về là ôm điện thoại suốt. Có khi mẹ gọi điện thoại vài chục phút. Có lúc mẹ ngồi tán gẫu với bạn bè. Còn bố thì ngồi bên máy tính lướt các trang mạng mãi, nên ở nhà con chẳng biết nói chuyện với ai. Lâu lắm rồi bố mẹ không nói chuyện với con. Nhiều khi buồn quá con chỉ biết tâm sự cùng mấy con gấu bông trong phòng”, Nguyễn Thị Mỹ Dung, học sinh lớp 7, Trường THCS Rạng Đông (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) cho biết.

tin liên quan

Dửng dưng trước cảnh bắt cóc trẻ em
Những người làm clip tha thiết kêu gọi người dân bớt thờ ơ, chung tay ngăn chặn nạn bắt cóc, buôn bán trẻ em đang diễn ra như cơm bữa tại đất nước đông dân nhất thế giới.
Chuyên gia tâm lý Huỳnh Anh Bình, Giám đốc Trung tâm hướng nghiệp và bồi dưỡng kỹ năng sống, giá trị sống TP.HCM, thừa nhận câu chuyện nhiều phụ huynh tỏ ra rất bận rộn, suốt ngày chỉ lao vào công việc, dán mắt vào máy tính, điện thoại để tán gẫu với bạn bè mà không ngó ngàng gì tới con cái đang rất phổ biến trong cuộc sống hiện nay. Nhiều người đã coi điện thoại, laptop, iPad là những vật bất ly thân, bị cuốn theo dòng chảy công nghệ. Thay vì quan tâm, trò chuyện, chia sẻ và dành thời gian cho con cái, thì họ sử dụng thời gian nhiều cho mạng xã hội.
Theo thạc sĩ tâm lý Đào Lê Hòa An, Hội Tâm lý học xã hội VN, nhiều phụ huynh bỏ bê và thiếu sự quan tâm con cái mà không lường trước được rằng chính điều này sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy.
“Một đứa trẻ khi bị bố mẹ ngó lơ, không trò chuyện, hỏi han thì sẽ có xu hướng nổi loạn, cố làm những điều tự hành hạ bản thân chỉ để nhận được sự quan tâm chăm sóc của bố mẹ. Rồi khi nhờ sự giúp đỡ của bố mẹ nhiều lần nhưng không được đếm xỉa, trẻ sẽ bị tổn thương và quyết tâm không bao giờ chia sẻ cũng như hỏi ý kiến của bố mẹ về bất kỳ vấn đề nào nữa”, ông An nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.