Lấy titan, phá rừng phòng hộ

04/04/2009 00:09 GMT+7

Hàng trăm hecta diện tích khai thác titan hiện nay "đụng" đến rừng phòng hộ. Để tận thu titan, DN không ngần ngại đốn hạ tất cả các loại cây trồng hiện hữu trên cát, cho dù đó là rừng phòng hộ. Mời nghe đọc bài

Bình Định có 2 loại khoáng sản trữ lượng dồi dào, giá trị xuất khẩu cao là đá granite và titan. Khoảng hơn 10 triệu tấn titan phân bố dọc theo bờ biển các huyện Phù Mỹ, Phù Cát, TP Quy Nhơn. Trên địa bàn các xã: Mỹ Thành, Mỹ Thọ, Mỹ An, Mỹ Thắng (Phù Mỹ); Cát Khánh, Cát Thành, Cát Hải, Cát Tiến (Phù Cát) có hàng chục DN đang hoạt động thăm dò, khai thác titan. Theo thỏa thuận, sau khi khai thác titan xong, DN phải hoàn trả lại nguyên trạng mặt bằng, đồng thời phải trồng lại toàn bộ số diện tích rừng bị chặt phá. Thế nhưng, nhiều DN không thực hiện đúng cam kết. Tại các điểm khai thác titan ở các thôn Hưng Lạc, Hưng Tân, Hòa Hội Bắc, Hòa Hội Nam thuộc xã Mỹ Thành, việc trả lại mặt bằng một cách sơ sài, chiếu lệ. Một người dân địa phương cho biết: “Các DN chỉ coi trọng việc khai thác titan chứ không quan tâm nhiều đến việc trồng lại rừng. Không có rừng che chắn,  gió biển mang theo bụi cát bay mù mịt từ các mỏ titan ập vào làng, người dân lãnh đủ”.

Hoạt động vận chuyển titan còn “thúc đẩy” tuyến tỉnh lộ 639 thuộc địa bàn xã Mỹ Thành và các đường bê tông nông thôn ở địa phương nhanh chóng xuống cấp. Mỗi khi có xe tải chở titan đi ngang qua, người dân rất lo ngại, nhất là các em học sinh đi học trên tuyến đường này, do sợ tai nạn giao thông xảy ra.

Những sơ hở trong quản lý, xuất khẩu quặng titan còn xuất phát từ việc nhiều DN hoạt động trong lĩnh vực này được thành lập ồ ạt, một số DN thành lập không có vốn hoạt động, không có năng lực sản xuất kinh doanh... Giá bán titan thì tùy DN định đoạt, có DN bán quặng titan thô với giá hơn 800.000 đồng/tấn, có DN chỉ bán 155.000 đồng/tấn; có DN xuất khẩu tinh quặng Ilmenite hơn 1,7 triệu đồng/tấn, nhưng có DN chỉ xuất với giá khoảng 600.000 đồng/tấn; có DN bỏ ngoài sổ sách hàng ngàn tấn quặng titan, xuất bán không khai báo thuế, dẫn đến ngân sách nhà nước bị ảnh hưởng nguồn thu. (Đ.P - N.B)

Chỉ lo xuất khẩu kiếm lời

Theo số liệu mới nhất chúng tôi thu thập được, trên địa bàn 2 huyện Phù Cát, Phù Mỹ hiện có 14 đơn vị được các cấp có thẩm quyền cấp giấy phép hoạt động thăm dò, khai thác titan với tổng cộng 27 giấy phép; trong đó Bộ Tài nguyên - Môi trường cấp 5 giấy phép khai thác, 5 giấy phép thăm dò, UBND tỉnh Bình Định cấp 17 giấy phép khai thác. Tại TP Quy Nhơn, tháng 8.2006, UBND tỉnh Bình Định đã phê duyệt danh sách và phân bổ diện tích cho 44 DN đăng ký xin khai thác trong phạm vi khu kinh tế Nhơn Hội, và đã cấp 18 giấy phép cho 18 DN. Tổng diện tích có titan đã, đang và sẽ bị khai thác lên đến hàng ngàn hecta.

Việc khai thác titan là cần thiết, nhưng quyền lợi giữa người dân vùng có titan và DN không tương đồng đã phát sinh nhiều hệ luỵ. Có những DN sau khi được cấp phép, đến thương lượng được với dân thì tiếp tục khai thác, không thương lượng được thì “cầu cứu” cấp có thẩm quyền đứng ra giải quyết. Tình hình khai thác, mua bán titan có những lúc lên cơn sốt, tạo thành những điểm nóng về an ninh trật tự tại địa phương. Trong các năm từ 2006 - 2008, điển hình có 5 vụ khiếu kiện, gây rối an ninh trật tự với khoảng 2.000 lượt người dân liên quan với lý do khai thác titan làm cạn kiệt nguồn nước, ô nhiễm môi trường, hủy hoại rừng phòng hộ ven biển.

Titan là một kim loại nhẹ, cứng, chống ăn mòn tốt. Nó có thể chống ăn mòn kể cả với axít, khí clo và các dung dịch muối thông thường. Vì có khả năng kéo dãn tốt, chịu nhiệt độ rất cao, hợp kim titan được dùng chủ yếu trong hàng không, xe bọc thép, tàu hải quân, tàu vũ trụ, tên lửa, áo chống đạn... Để tăng giá trị kinh tế, tận thu nguồn tài nguyên titan, Nhà nước khuyến khích đầu tư các dự án chế biến hậu titan, hạn chế xuất khẩu quặng tinh chỉ qua sơ chế. Tuy nhiên, rất ít DN chú trọng việc này, mà chủ yếu tập trung khai thác, sau đó tìm cách xuất khẩu.

Đình Phú - Nghệ Bình

Khai thác kiểu chụp giật

Máy khai thác cắm sâu vào lòng đất - Ảnh: T.Q.Nam

Ở Quảng Bình hiện có không ít dải đất, rừng ven biển đang bị cày xới tìm titan. Tiếp chúng tôi, Chủ tịch UBND xã Ngư Thủy Nam, H.Lệ Thủy (Quảng Bình) - Nguyễn Phương Lâm ngao ngán: “Từ ngày có titan đến giờ, chúng tôi theo với nó cũng đủ hết thời gian làm việc của cán bộ xã. Hễ thấy người dân hay cán bộ đơn vị khai thác đến là y như rằng có khiếu nại liên quan đến titan. Toàn xã có 5 thôn, 581 hộ với 2.000 khẩu, diện tích 970 ha. Diện tích khai thác titan hiện tại là đất rừng, đất canh tác, một số nơi có đất vườn quanh nhà. Việc khai thác titan ảnh hưởng lớn lắm, họ đào cắm sâu xuống lòng đất, theo tôi như thế sẽ gây xáo trộn, sụt nguồn nước”.

Phong trào khai thác titan rộ lên từ năm 2000 trở lại đây. Tuy nhiên, do trữ lượng và chất lượng titan ở Quảng Bình không cao bằng nơi khác nên ở đây có kiểu khai thác tận thu. Việc cấp phép khai thác này, theo lời một lãnh đạo xã Ngư Thủy Nam thì: “Chẳng có hội nghị gì bàn về công tác cấp phép, kể cả thăm dò thiết kế. Mấy công ty khai thác làm ăn kiểu giống như tranh giành”. Hậu quả là ngày 27.1.2004, UBND tỉnh Quảng Bình phải có công văn đình chỉ việc khai thác tận thu titan của Công ty xuất nhập khẩu Quảng Bình với lý do: “Ngày 15.1.2004, UBND tỉnh có Quyết định 304/QĐ-UB cấp lại giấy phép khai thác tận thu titan tại mỏ Tây Thôn và Liêm Nam - Bắc thuộc xã Ngư Thủy, H.Lệ Thủy cho Công ty xuất nhập khẩu Quảng Bình. Tuy nhiên, theo phản ánh từ các nguồn tin thì trong phạm vi cấp phép khai thác có một số diện tích rừng phòng hộ chắn cát ven biển, do đó UBND tỉnh yêu cầu công ty đình chỉ ngay việc chặt cây, khai thác”. Tháng 5.2004, UBND tỉnh Quảng Bình tiếp tục có công văn 672/UB thừa nhận một số đơn vị khai thác titan tại 2 huyện Lệ Thủy, Quảng Trạch đã không thực hiện hoàn trả mặt bằng những nơi khai thác, để lại những hố sâu ảnh hưởng đến cảnh quan, môi trường, nguy cơ xâm thực của nước biển.

Hiện Công ty CP xuất nhập khẩu Quảng Bình đang khai thác một khu vực ở xã Ngư Thủy Nam theo giấy phép cấp ngày 23.7.2007 với diện tích hơn 38 ha; một giấy phép khai thác tại xã Sen Thủy (H.Lệ Thủy) với diện tích 100 ha. Cả hai nơi đều đã khai thác được khoảng 7 - 8 ha nhưng chưa thực hiện quy định trong giấy phép là khôi phục môi trường, đất đai, trồng cây theo hình thức cuốn chiếu.

Trương Quang Nam

Ý kiến

Tại sao gọi là khai thác tận thu?

Tôi có dịp đi công tác nhiều nơi ở nước ta và thấy rằng nhiều đồi núi nay đã "hóa trọc". Chúng ta có nhiều chủ trương để trồng cây gây rừng, trồng rừng phòng hộ. Tức là chúng ta đang tăng cường ý thức bảo vệ rừng, để theo đó bảo vệ hệ sinh thái và môi trường sống của chúng ta. Vì vậy tôi rất thắc mắc tại sao lại có địa phương chủ trương khai thác tận thu những cây gỗ đã ngàn năm tuổi? Phải chăng địa phương khai thác tận thu nguồn gỗ này (che chở cả một hệ động thực vật bên dưới) để có đất trống trồng cây mới chăng? Riêng bản thân tôi thiết nghĩ, rừng hiện nay quá hiếm và quá hạn hẹp để có thể gọi là khai thác. (Peter Huynh -  thuhuynh1981@yahoo.com)

Địa phương quản lý xem ra không ổn

Tình trạng quản lý tài nguyên quốc gia được giao cho địa phương từ lâu nay xem ra là điều không ổn. Có quá nhiều vấn đề vượt quá khả năng của cấp chính quyền địa phương, có ảnh hưởng tới tầm vóc quốc gia cả về hiện tại lẫn lâu dài, lẽ ra cần có sự quản lý tập trung của Nhà nước hoặc Chính phủ như: khai thác nguồn tài nguyên quốc gia, cấp phép đầu tư… Đó là những vấn đề có ảnh hưởng tới môi trường rộng lớn của cả khu vực nhiều tỉnh lân cận, môi trường của cả nước... (anhsaobang0371@yahoo.com)

Phá rừng là tội ác

Đến lúc này, chúng ta mới lên tiếng nạn tàn phá rừng là quá chậm. Việc khai thác quặng mỏ phải được triển khai thực hiện một cách khoa học, ở đâu nên làm và làm thế nào? Ở đâu nên cấm? Phương án khai thác đưa ra và phải cần được hội thảo khoa học nghiêm túc. Tôi có ý kiến về việc tàn phá rừng: Phá rừng là tội ác. Đây là một hành động sai lầm và có tội với nhân dân, có tội với rừng và phá hoại đất nước... Tôi đề nghị các cơ quan ban ngành hãy nhanh chóng hành động mạnh mẽ và quyết liệt để chấm dứt triệt để ngay nạn phá rừng. (lyhanhus@yahoo.com)

Hoan hô Báo Thanh Niên 

Thanh Niên cần mạnh mẽ phản ảnh việc khai thác tài nguyên khoáng sản bừa bãi "phá hoại" nhiều hơn nữa. Người dân tôi rất mừng. Hoan hô Báo Thanh Niên! (minhhoang@yahoo.com)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.