Liên kết để tự cứu mình

07/06/2009 23:33 GMT+7

Trong khi chờ đợi một giải pháp bảo vệ ngư dân toàn diện từ các cơ quan chức năng, thời gian qua, ngư dân các tỉnh miền Trung đã biết liên kết lại để tự cứu mình. Nghe đọc bài

Ý tưởng đó đã được triển khai ở một số tỉnh miền Trung, trong đó Phú Yên là tỉnh đầu tiên trong cả nước giúp ngư dân liên kết với nhau thành tổ để hỗ trợ nhau trong đánh bắt và tham gia cứu hộ, cứu nạn trên biển. Kể từ năm 2005, Bộ đội biên phòng Phú Yên thí điểm mô hình "Tổ tàu thuyền an toàn" (TTAT) ở thôn Phú Thọ 3 (xã Hòa Hiệp Trung, H.Đông Hòa). Mô hình này đang mang lại hiệu quả thiết thực.

Hiện nay, Phú Yên đã thành lập được 99 "Tổ tàu thuyền an toàn" với 900 phương tiện, hơn 10.000 thuyền viên tham gia. Tùy theo từng vùng, từng thôn mà mỗi tổ có từ 10-12 phương tiện, khoảng 55 thuyền viên tham gia. Trung tá Phan Thanh Thuật - Chính ủy Đồn biên phòng 356 ( Phú Yên) cho biết: "Các tổ TTAT này vừa làm nhiệm vụ khai thác đánh bắt hải sản, vừa tham gia bảo vệ chủ quyền, an ninh vùng biển, đồng thời thông tin, hỗ trợ, góp phần tích cực thực hiện tốt công tác phòng chống và khắc phục hậu quả thiên tai, bão lụt, tìm kiếm, cứu hộ cứu nạn trên biển". Trung tá Thuật cho biết thêm, các tổ TTAT là "tai mắt" của lực lượng biên phòng trên biển. Hầu hết ngư dân chỉ hoạt động trong ngư trường Phú Yên từ tọa độ 130-140 vĩ bắc, 1090-1100 kinh đông.

Ông Nguyễn Kỳ, Chủ tịch UBND xã Phổ Thạnh, huyện Đức Phổ (Quảng Ngãi) cho biết, xã cũng có 12 tổ hỗ trợ đánh bắt cá được thành lập hơn 1 năm qua; nhờ vậy hiệu quả và sản lượng khai thác của ngư dân Phổ Thạnh tăng lên, giảm được chi phí nhiên liệu, ngư dân gắn bó với nhau hơn. Ông Võ Thu ở thôn Thạnh Đức cho rằng, đánh bắt theo kiểu liên kết từng tổ giúp ngư dân yên tâm mỗi khi ra khơi, tàu nào rủi ro gặp nạn được các tàu gần đó nhanh chóng ứng cứu, hạn chế thiệt hại tính mạng và tài sản.

Thấy hiệu quả từ mô hình tổ tương hỗ đánh bắt, nhiều ngư dân Phổ Thạnh quyết định đầu tư nâng công suất tàu thuyền, xin gia nhập vào tổ, cùng nhau tiến ra khơi xa, đánh bắt dài ngày trên biển. Do vậy sản lượng khai thác, nhất là sản lượng hải sản có giá trị xuất khẩu tăng cao, chỉ trong gần 6 tháng qua đã đạt 18.000 tấn, tăng hơn 3.000 tấn so với cùng kỳ năm trước, doanh thu hàng trăm tỉ đồng. "Vươn ra khơi xa, đánh bắt xa bờ thì sản lượng khai thác và hiệu quả kinh tế mới đạt cao, đời sống ngư dân mới khá lên được, chứ luẩn quẩn ven bờ, nguồn thủy sản đã dần cạn kiệt, khó lòng làm giàu từ biển", ông Kỳ nhấn mạnh.

Hiển Cừ

Ngư dân Nguyễn Văn Thoại ở thôn Phú Lạc (xã Hòa Hiệp Nam, H.Đông Hòa, Phú Yên), nói: "Trước đây, ngư dân trong thôn ít quan tâm tới nhau, thậm chí còn tranh chấp. Nhưng kể từ khi thành lập tổ TTAT, việc đánh bắt ngoài khơi được các chủ thuyền điện đàm qua lại, trao đổi vị trí cá đi hoặc có sự cố gì thì giúp đỡ qua lại". Ông Thoại cho biết thêm, tổ TTAT của ông có 9 phương tiện, được trang bị bộ đàm nên thường xuyên liên lạc qua lại. Mỗi khi ra biển, tất cả thành viên trong tổ cùng đánh bắt tại một ngư trường. "Một thành viên trong tổ xảy ra bất trắc hay bị các tàu thuyền khác uy hiếp thì tất cả thành viên đều biết, đến hỗ trợ. Trường hợp trong đất liền báo bão, anh em trong tổ thông báo cho nhau, hỗ trợ cho nhau trên đường trú bão. Chính vì thế, việc đánh bắt ở ngư trường ngoài khơi rất thuận lợi" - ông Thoại nói.

Không chỉ hỗ trợ nhau trên biển, TTAT còn giúp nhau làm kinh tế. Anh Nguyễn Văn Thắm, Tổ trưởng TTAT thôn Dân Phú 2 (xã Xuân Phương, H.Sông Cầu), kể: "Từ khi lập tổ đến nay, anh em trong tổ càng gắn bó với nhau, làm ăn bài bản. Khi có hội, có thuyền, có chuyện gì cũng thấy an tâm, vững vàng". Anh Trần Đức Quỳnh - thành viên trong tổ nói: "Từ khi tổ TTAT này ra đời, với vai trò "thủ lĩnh" của anh Năm Thắm, anh em trong tổ lúc nào cũng đoàn kết. Mùa làm ăn, hễ ai ra biển gặp trúng khu vực có nhiều tôm, cá, anh em về thông tin cho các thành viên cùng biết. Nhờ vậy, sau mấy năm nhà nào cũng vững vàng, khấm khá".

Các thành viên trong tổ TTAT vận động tiền để giúp những chủ tàu thuyền gặp nạn. Như trường hợp tàu thu mua cá của ông Bùi Tấn Nhật ở thôn Phú Thọ 1 (xã Hòa Hiệp Trung, H.Đông Hòa) bứt dây lái, bị sóng đánh vỡ, hư hại hoàn toàn. Thấy hoàn cảnh của ông Nhật khó khăn nên anh em trong tổ quyên góp, cộng với số tiền bảo hiểm ông Nhật đã đủ tiền mua tàu mới để tiếp tục hành nghề.

Trung tá Phan Thanh Thuật khẳng định, từ khi các tổ TTAT đi vào hoạt động, tình trạng tranh chấp ngư trường, sử dụng chất nổ khai thác đánh bắt thủy hải sản trái phép... giảm hẳn. Từ năm 2006 đến nay, không có vụ tranh chấp nào phải nhờ đến cơ quan chức năng can thiệp, giải quyết. Các tàu lạ đột nhập khai thác thủy sản trái phép, chở hàng lậu tại ngư trường Phú Yên đều bị các tổ TTAT phát hiện kịp thời, báo bộ đội biên phòng xử lý.

Lệnh cấm đánh cá của Trung Quốc vi phạm chủ quyền VN trên biển Đông

Ngày 7.6, trả lời báo chí về việc Bộ Ngoại giao VN đã giao thiệp với Đại sứ quán Trung Quốc, đề nghị phía Trung Quốc không có các hoạt động cản trở hoạt động bình thường của ngư dân VN, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Dũng cho biết: Vừa qua, Thứ trưởng Ngoại giao Hồ Xuân Sơn đã giao thiệp với Đại sứ Trung Quốc Tôn Quốc Tường, lưu ý việc phía Trung Quốc gần đây thực hiện lệnh cấm đánh cá tại một số vùng biển, trong đó có những khu vực thuộc chủ quyền của VN trên biển Đông, và tăng cường tàu tuần tra, bắt, phạt tàu cá tại những vùng biển này. Thứ trưởng cho rằng điều đó đã và đang ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của ngư dân VN tại ngư trường truyền thống của VN, gây bức xúc trong dư luận, không có lợi cho quan hệ hai nước, đề nghị phía Trung Quốc không có các hoạt động cản trở công việc làm ăn bình thường của ngư dân VN trên vùng biển thuộc chủ quyền VN.

Hương Giang

Ngại khơi xa, ngư dân mưu sinh ven bờ

Hàng chục tiểu thương tranh mua 1 sọt cá nhỏ - Ảnh: Đ.Phú

Những ngày này trên bãi biển Quy Nhơn (Bình Định), nhiều ngư dân cặm cụi ngồi vá lưới lồng. Sợ gặp rủi ro bất trắc khi đánh bắt khơi xa, họ lặng lẽ chuẩn bị những ngư cụ đơn giản hơn để mưu sinh ven bờ.

Ông Tuấn, ngư dân phường Trần Phú (TP Quy Nhơn), kể ông từng có tàu công suất lớn, thường xuyên ra khơi xa để đánh bắt hải sản. Mỗi lần mở biển hành nghề lưới rút, phí tổn cả trăm triệu đồng, nhưng hiếm khi lỗ vốn, vì ngư trường càng xa, sản lượng đánh bắt càng lớn. Không ít trường hợp sau một chuyến lưới rút, ngư dân thu về gần cả tỉ đồng. Nguồn lợi thật sự lớn, nhưng nay ông đã bán tàu bởi "giờ ngại đi xa, nhiều rủi ro hơn trước, ở đây cũng có nhiều trường hợp như tui lắm". Vì cuộc sống cho cả gia đình, ông Tuấn vẫn bám biển, nhưng chỉ thả lưới lồng ven bờ, ngày trúng kiếm được trăm ngàn, lắm lúc thả suốt cả buổi chỉ kiếm chừng dăm ba chục ngàn đong gạo.

Men theo bờ biển đến khu vực gần Cảng Quy Nhơn, chúng tôi gặp chị Loan đang phết dầu chống thấm lên chiếc thúng chai. Chị bảo, chồng chị nay không còn "đi bạn" (đi tàu công suất lớn ra khơi xa) nữa; chị tranh thủ "gia cố" chiếc thúng cho chồng sử dụng ra biển thả lưới. "Biết là gần bờ nay rất ít cá, nhưng không còn cách nào khác, phải cố giăng lưới, lúc nào cạn kiệt hẵng hay", chị Loan nói.

Nhìn cảnh mua bán hiện tại ở cảng cá Hàm Tử, phường Hải Cảng (TP Quy Nhơn) có thể nhận thấy nguồn hải sản không còn dồi dào như trước. Suốt trưa 7.6, theo quan sát của PV Thanh Niên, chỉ có chừng chưa tới 50 tàu cập cảng, chuyển lên bờ toàn là những sọt cá nhỏ. Cá ít, tiểu thương đông, nên có lúc, hàng chục người vây kín quanh một sọt cá tranh nhau mua. Một tiểu thương chuyên thu mua cá ở cảng này, cho biết: "Trước đây rất nhiều tàu đi đánh khơi xa cập cảng, mỗi chiếc chở hàng tấn cá, mực. Nay chỉ toàn những tàu đánh bắt gần bờ, sáng sớm đi, trưa về cảng với sản lượng chừng vài sọt/tàu. Giờ muốn thu mua cá ngừ, cá thu, mực loại lớn rất là hiếm. Có những mối ở phố đặt hàng, nhưng thường tiểu thương tụi tui phải lỡ hẹn".

Đình Phú

Đức Huy

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.